Nghệ sĩ vi phạm đạo đức, cấm cả phim: Có đang trừng phạt chính nạn nhân?

Ánh Phương

(Dân trí) - Từ góc độ nghệ sĩ cũng như nhà sản xuất phim, nhiều ý kiến chỉ ra những bất cập trong đề xuất kể trên.

Những thảo luận của Quốc hội xung quanh Luật Điện ảnh sửa đổi đang nhận được nhiều chú ý từ những người làm chuyên môn cũng như công chúng. Mới đây, đề xuất của một đại biểu quốc hội về quy định dừng chiếu, hoặc rút phép tác phẩm điện ảnh khi người nghệ sĩ vi phạm đạo đức, an ninh chính trị, hoặc phát ngôn nào đó… tiếp tục gây xôn xao dư luận.

 Từ góc độ nghệ sĩ cũng như nhà sản xuất phim, nhiều ý kiến chỉ ra những bất cập trong đề xuất kể trên.

 Không vì "một cầu thủ mà cấm cả đội tuyển"

Nhà sản xuất, đạo diễn Charlie Nguyễn nhận định việc trừng phạt cả một bộ phim vì vi phạm mang tính cá nhân là khó chấp nhận. "Ai làm người đó phải chịu trách nhiệm. Cũng như đá banh - người nào chơi xấu thì bị phạt, chứ ai lại đi cấm cả đội tuyển", anh bày tỏ.

Cặp đôi nghệ sĩ Thu Trang- Tiến Luật cho rằng để làm nên một tác phẩm phim ảnh, cả ê-kíp gồm nhà sản xuất, nhà đầu tư, đạo diễn, biên kịch, quay phim, ánh sáng, thiết kế, hóa trang, diễn viên phải làm việc rất chăm chỉ. Với nhiều dự án phim điện ảnh, ekip sản xuất lên đến hơn 100 người.

Nghệ sĩ vi phạm đạo đức, cấm cả phim: Có đang trừng phạt chính nạn nhân? - 1

Thu Trang và Tiến Luật vừa là nghệ sĩ, vừa đóng vai trò nhà sản xuất trong nhiều dự án.

"Tôi cho rằng nếu nghệ sĩ vi phạm về đạo đức, an ninh chính trị, phát ngôn thì cơ quan quản lý xử phạt riêng cá nhân người này. Tuy nhiên, việc dừng chiếu hay rút giấy phép cả dự án có nghệ sĩ đó tham gia có phần mạnh tay. Rõ ràng một tập thể làm nên dự án, công sức, thời gian, tiền bạc của nhiều người cùng đổ vào, khi dừng chiếu hoặc rút giấy phép, phần thiệt hại này biết tính vào đâu, làm thế nào để lấy lại vốn", Thu Trang nói.

Còn nhiều mơ hồ và chồng chéo

Đạo diễn Võ Thanh Hòa, người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý nghệ sĩ cho biết, đề xuất này còn nhiều phiến diện và mơ hồ. "Nếu quy định về vi phạm đạo đức thì cần cụ thể bao gồm điều nào, con số ra sao để chúng tôi chủ động bỏ vào hợp đồng với nghệ sĩ trước khi ký kết. Còn dưới góc độ đạo diễn phim điện ảnh, khi casting tôi chỉ có thể lựa chọn diễn viên hợp vai chứ không thể quản lý được họ ở các lĩnh vực khác, nhất là sau thời gian đóng máy", đạo diễn phim Chị Mười Ba: Ba Ngày Sinh Tử chia sẻ.

Nghệ sĩ vi phạm đạo đức, cấm cả phim: Có đang trừng phạt chính nạn nhân? - 2

Đạo diễn Võ Thanh Hòa.

Chia sẻ tương tự với ý kiến này, diễn viên Thu Trang cho biết thêm: "Hiện tại, các đoàn phim khi ký hợp đồng với diễn viên đều có điều khoản ràng buộc về việc vấn đề vi phạm đạo đức, an ninh chính trị hay phát ngôn. Tuy nhiên, đoàn phim chỉ có thể góp ý, quản lý diễn viên trong quá trình họ quay, còn khi xong rồi làm sao đoàn phim "quản" được họ. Trong trường hợp các diễn viên có mâu thuẫn với đoàn, khi xong rồi họ cố tình gây scandal để phim bị dừng chiếu hoặc rút giấy phép, chúng tôi biết xử lý thế nào đây?".

Dẫu vậy, vợ chồng Thu Trang - Tiến Luật cũng ủng hộ việc nghệ sĩ cần cẩn trọng hơn trong việc giữ gìn hình ảnh. Vì họ là người của công chúng nên việc duy trì lối sống đẹp, có ích cho xã hội và thượng tôn pháp luật là điều vô cùng cần thiết.

Nên có "lưới an toàn" cho các nhà sản xuất và nghệ sĩ?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, một tiếng nói đóng góp tích cực cho dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi, chia sẻ vấn đề kể trên dưới một góc nhìn khác, tuy nhiên anh cho rằng quy định này không hợp lý.

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, không cần có một quy định hành chính như thế thì khi có chuyện, dư luận đã phản đối tác phẩm, và nhà sản xuất sẽ không dám phát hành, trình chiếu tác phẩm đó.

Dù bị ảnh hưởng bởi quy định hành chính trên hay không, nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng doanh thu và thiệt hại vẫn sẽ xảy ra. Như vậy, các nhà sản xuất, nhà đầu tư cần phải được nhìn nhận là nạn nhân bị ảnh hưởng bởi cá nhân nghệ sĩ, chứ không phải là bên liên đới về trách nhiệm - đạo diễn nêu quan điểm.

Nếu nhìn nhận như vậy, nên chăng cần có biện pháp cụ thể để khắc phục thiệt hại cho chính nhà sản xuất.

Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, có thể có 3 hướng khắc phục sau đây: Thứ nhất, chính nghệ sĩ đền bù thiệt hại cho nhà sản xuất theo giao kết hợp đồng; thứ hai, nếu nghệ sĩ không thể đền bù, thì cơ quan quản lý ban hành quyết định hành chính đó đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp bằng ngân sách nhà nước; thứ ba, bên chịu trách nhiệm đền bù có thể là công ty bảo hiểm.

"Liệu có thể tiến hành đền bù thiệt hại cho nhà sản xuất bằng ngân sách nhà nước hay có doanh nghiệp nào dám bán gói bảo hiểm cho các tác phẩm liên đới hàng chục tỷ đồng hay không? Điều này là rất khó", đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn phân tích.

Nghệ sĩ vi phạm đạo đức, cấm cả phim: Có đang trừng phạt chính nạn nhân? - 3

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn.

Anh cũng khẳng định, trong bất kỳ trường hợp nào, thiệt thòi luôn thuộc về nhà sản xuất dù họ không làm sai điều gì và không thể khắc phục hậu quả.

Thay vì nghĩ về một quy định cấm phim, nên nghĩ về quyền lợi của nhà sản xuất. Mặt khác, quy định dừng chiếu, hoặc rút phép cũng không có lợi gì cho Nhà nước khi doanh nghiệp bị thiệt hại về kinh tế, thậm chí còn tiềm tàng hệ lụy xã hội kéo theo nếu doanh nghiệp phá sản.

Tương tự từ góc độ nghệ sĩ, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết nhiều trường hợp nghệ sĩ vi phạm có thể không thuộc về lỗi cố ý. Ảnh hưởng về danh tiếng bản thân nghệ sĩ đã phải gánh chịu, nếu vụ việc vi phạm chưa xác định rõ lỗi thuộc về họ nhưng đã cấm phim thì quá khó cho nghệ sĩ. Anh đề xuất sự có mặt của một Hiệp hội đại diện để đứng ra với vai trò bên thứ ba trong những trường hợp cần thiết, nhằm tạo ra "lưới an toàn" cho nghệ sĩ.