Nghệ sĩ Ưu tú, “nữ hoàng Opera”… hát bolero có bị xem là thụt lùi?

(Dân trí) - Việc ca sĩ Lan Anh - người được mệnh danh là “Nữ hoàng Opera” và NSƯT Khánh Hoà - người được xem là “giọng ca của người lính” hát nhạc bolero đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Một số người cho rằng, đây là việc “phá bỏ đền đài” chưa từng có trong làng nhạc.

Ngỡ ngàng vì nghệ sĩ đua nhau “lạc dòng”?

Những “cú rẽ ngang dòng” của NSƯT Khánh Hoà, ca sĩ Lan Anh và ca sĩ Lệ Quyên trong cùng một thời điểm khiến nhiều người yêu nhạc không khỏi ngỡ ngàng.

Trong khi đang rất thành công với dòng nhạc bolero, kiếm trăm triệu cát sê mỗi đêm diễn với bolero thì Lệ Quyên bỗng nhiên chuyển sang hát nhạc Trịnh. Cô vừa cho ra mắt album “Trịnh Công Sơn - Lệ Quyên” với 12 ca khúc. Bản thân nữ ca sĩ gọi đây là một bước tiến lớn trong sự nghiệp âm nhạc nhưng nhiều người lại cho đây là một việc “không thể tin nổi”.

Việc NSƯT Khánh Hòa bất ngờ ra album bolero khiến nhiều người nghĩ chị đang chạy theo trào lưu.
Việc NSƯT Khánh Hòa bất ngờ ra album bolero khiến nhiều người nghĩ chị đang chạy theo trào lưu.

Tương tự, NSƯT Khánh Hòa vốn “đóng đinh” với những ca khúc về Trường Sa, về người lính... bỗng nhiên ra album nhạc bolero “Trả lại thời gian” với 9 ca khúc nổi tiếng như: Chuyện hợp tan, Sương lạnh chiều đông, Đừng nói xa nhau, Biển tình, Xin trả lại thời gian, Nếu đời không có anh, Kiếp nghèo, Hoa nở về đêm, Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa.

Bên cạnh đó, nữ nghệ sĩ này còn tung ra một lúc 6 MV về dòng nhạc bolero với phong cách không khác gì sân khấu âm nhạc ở hải ngoại. Việc làm này của NSƯT Khánh Hòa lại thêm một lần khiến người ta đặt ra nhiều câu hỏi về sự chuyển hướng đường đột của những giọng hát đã thành danh.

Nhưng chưa dừng lại ở đó, khi “Nữ hoàng Opera” Lan Anh “nhá hàng” clip chị hát ca khúc “Nếu đời không có anh” trên trang cá nhân thì câu chuyện mới thực sự vỡ oà. Nhiều người đã “sốc nặng” vì không thể tin nổi người gắn bó với dòng nhạc hàn lâm như Lan Anh lại có thể “phá bỏ đền đài” đã hết sức vững chãi để chuyển sang một dòng nhạc bị một số người cho là dễ khiến người ta thụt lùi. Thậm chí, có người còn xem đó là một cách “hạ mình” đầy nông nổi.

Câu chuyện này khiến cho người ta nhớ về thời điểm diva Trần Thu Hà cover lại ca khúc “Anh cứ đi đi” của Hari Won đã vấp phải những lời chỉ trích khá nặng nề. Cuộc tranh luận kéo dài đã khiến cho báo giới tốn không ít giấy mực và mạng xã hội cũng không thể tìm được điểm dừng. Diva Hà Trần sau đó đã lên tiếng rằng đó chỉ là một bản nhạc tình mùi mẫn, không có gì tới mức phải đao to búa lớn. Sự sang trọng hay rẻ tiền nằm ở người hát, không nằm ở bài hát hay thể loại âm nhạc.

Nghệ sĩ phải “bay” ra khỏi ranh giới an toàn để cống hiến

Thực tế, dù việc các ca sĩ, nghệ sĩ chuyển hướng sang hát dòng nhạc “bình dân”, “thị trường” dù gây nên những ồn ào trong dư luận nhưng các nghệ sĩ lại không xem đó là điều gì quá ghê gớm. Thế nên mới có chuyện, ca sĩ Tùng Dương dù từng phát biểu “Già trẻ, lớn bé đắm đuối nhạc bolero đúng là sự thụt lùi” nhưng vẫn hát bolero một đoạn “Hai mùa Noel” trong đêm liveshow ở Hà Nội.

Hoặc trước đó, một danh ca lừng lẫy như Tuấn Ngọc vẫn vui vẻ song ca “Chúng ta không thuộc về nhau” với Sơn Tùng; Thu Phương hào hứng hát chung “Anh sai rồi” với Sơn Tùng trước hàng nghìn khán giả. Các màn ngẫu hứng này dù chỉ mang tính vui vẻ nhưng lại mang đến sự thích thú cho số đông khán giả.

NSƯT Khánh Hòa cho rằng, việc chị ra album bolero không phải là một bước thụt lùi mà một ca sĩ vốn có thể hát được nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Bolero cũng tương tự như những dòng nhạc khác và bản thân chị không hề phân chia “giai cấp” đối với âm nhạc. Với chị, hát bolero là một cách để tiếp cận với nhiều khán giả hơn.

Thu Phương song ca với Sơn Tùng ca khúc Anh sai rồi trong đêm nhạc ở TP.HCM khiến khán giả vỗ tay không ngớt.
Thu Phương song ca với Sơn Tùng ca khúc "Anh sai rồi" trong đêm nhạc ở TP.HCM khiến khán giả vỗ tay không ngớt.

Theo giọng ca “Gần lắm Trường Sa ơi!” hát bolero tưởng dễ mà lại không hề dễ bởi dòng nhạc này đòi hỏi cách hát mộc mạc nhưng rất tình cảm, mỗi giai điệu lời ca đều như “phơi bày hết cả ruột gan” ra. Và trước khi phát hành album, Khánh Hòa đã thử đo phản ứng của đồng nghiệp - khán giả bằng việc hát bolero rồi livestream trên trang cá nhân. Sau mỗi lần như thế, lượng người theo dõi trang cá nhân của chị liên tục tăng lên.

“Lúc đầu tôi cũng lo lắng việc mình hát bolero sẽ bị khán giả “ruột” của mình là các chiến sĩ không vui nhưng sau thử nghiệm thăm dò thì các chiến sĩ đã rất ủng hộ. Tôi cũng không chạy theo trào lưu hát bolero hiện nay bởi cách đây nhiều năm tôi đã hát bolero song ca cùng Quang Linh. Tôi hát bolero chính là sự trở về với con người mình từ thủa ban đầu và việc thực hiện album này để thỏa đam mê chứ không theo mốt”, Khánh Hòa tâm sự.

Bản thân Lệ Quyên cũng bày tỏ rằng, việc chị ra album nhạc Trịnh không có nghĩa là rút lui khỏi bolero. Và dẫu có thành công với bolero thì chị cũng không cho phép mình giậm chân mãi với thành công đó. Theo Lệ Quyên, nghệ sĩ phải “bay” ra khỏi ranh giới an toàn để cống hiến cho khán giả. Riêng cá nhân Lệ Quyên lại có tham vọng chinh phục người nghe nhiều hơn nữa. Kể cả việc mọi người hoài nghi khi nghe chị hát nhạc Trịnh thì chị vẫn không dập tắt tham vọng đó.

Bản thân Trần Thu Hà cũng từng kêu gọi “Đừng biến âm nhạc thành một trận địa thành tích và danh hiệu trong khi nhiệm vụ của nó chỉ đơn giản là phục vụ người nghe”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long phát biểu rằng: “Tôi nghĩ mọi người không nên quá quan tâm đến chuyện ca sĩ hát “lạc dòng” mà hãy quan tâm đến việc họ hát thế nào. Tất nhiên, mỗi ca sĩ sẽ có những đặc trưng, lợi thế riêng của giọng hát cộng với sự định hướng trên con đường âm nhạc để gắn bó với một dòng nhạc có thể phát huy được tốt nhất khả năng của mình.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa họ không được hát hoặc không hát được những dòng nhạc khác. Trên thực tế, có những ca sĩ tạm gọi là hát lạc dòng đã tạo được những thú vị nhất định cho ca khúc mà họ chọn thể hiện và cho chính bản thân họ.

Chẳng hạn như: Hà Trần, Thu Phương và Lan Anh hát bolero mới đây. Cũng có trường hợp đã đóng đinh với một dòng nhạc nhưng khi sang một dòng nhạc mới sự thành công thậm chí còn nhiều hơn như: Cẩm Ly, Lệ Quyên… từng có xuất phát điểm là nhạc trẻ và rồi rất thành công với dòng trữ tình - nhạc xưa - bolero. Tôi đồng quan điểm với diva Hà Trần: “Sự phân bì đẳng cấp, danh hiệu ở Việt Nam dường như đang bị đưa đẩy đi quá đà”.

Hà Tùng Long