Nghệ sĩ Tô Minh Cường: "Xin đừng ví hát xẩm là ăn xin"
(Dân trí) - Nghệ sĩ trẻ Tô Minh Cường đang nỗ lực đưa loại hình nghệ thuật truyền thống (chèo, hát xẩm) đến gần hơn với giới trẻ để tránh bị mai một.
Nghệ sĩ trẻ Tô Minh Cường Người giữ hồn dân tộc
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thái Bình, cái nôi của các dòng nghệ thuật dân gian và các làn điệu dân ca quen thuộc, ngay từ khi còn nhỏ Tô Minh Cường đã thấy say mê và đem lòng yêu thích các chương trình đàn hát dân ca nghệ thuật truyền thống qua sóng đài tiếng nói và truyền hình.
"Khác biệt với bạn bè cùng chăng lứa, khi còn là một cậu bé 9 - 10 tuổi, tôi đã có sở thích đặc biệt. Mỗi lúc không bận học ở trường, tôi hay ra đình, ra chùa, ngồi hàng giờ đồng hồ chỉ ngắm những mái đình cổ kính, hoa văn mang trầm tích thời gian. Bản thân tôi thì thấy được ngắm nhìn những nét văn hóa nghệ thuật cổ kính là được sống cùng với những năm tháng hào hùng của tinh hoa dân tộc", nghệ sĩ Tô Minh Cường chia sẻ.
"Các làn điệu như hát chèo, hát xẩm, hát chầu văn ngọt ngào, tha thiết ngấm vào máu thịt tôi từ lúc nào không biết. Nghệ thuật dân gian được kết tinh từ những lời ru tiếng hát của mẹ, những câu hát à ơi ví dặm của bà. Học dưới mái trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Thái Bình, tôi đã được các thầy cô giảng viên dạy cho nhiều điều bổ ích, biết kỹ thuật nhấn nhá trong từng câu hát", nghệ sĩ Tô Minh Cường nói.
Sau khi tốt nghiệp, mỗi người chọn cho mình một con đường riêng để phát triển bản thân mình. Người thì vào nhà hát, người thì đi lưu diễn theo đoàn… nhưng với Tô Minh Cường, một người nghệ sĩ với tâm hồn phóng khoáng và yêu thích sự tự do đã chọn cho mình một con đường hoàn toàn mới là trở thành một nghệ sĩ tự do, tham gia trên các kênh đài giảng dạy miễn phí các làn điệu dân ca cho các bạn trẻ và tham gia các công việc xã hội.
Nghệ sĩ Tô Minh Cường chia sẻ: "Để có thể đa dạng các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, tôi đã tìm hiểu thêm như rối nước, hát xẩm và chầu văn. Tìm các nghệ nhân nổi tiếng và nghe qua băng đĩa, đài, truyền hình. Cuối cùng, tôi đã đầu quân về Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam- là cơ quan sưu tầm và giới thiệu nghệ thuật dân gian tới quần chúng và biểu diễn thường xuyên trên tuyến phố đi bộ hàng tuần. Kể từ đó tôi đam mê và tìm hiểu sâu hơn về các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian".
Không chỉ là một trong những nghệ sĩ quen thuộc của dòng âm nhạc dân gian, Tô Minh Cường còn có một sân khấu miễn phí cho quần chúng nhân dân tại số 28 Hàng Buồm vào thứ Sáu hàng tuần cùng những nghệ sĩ đam mê thể loại chầu văn, hát xẩm.
"Để bảo tồn được và phát huy những làn điệu dân ca nói chung và hát xẩm, chầu văn nói riêng nhiệm vụ của mỗi nghệ sĩ là tự vận động, sáng tạo không ngừng để mang nghệ thuật dân gian tới gần hơn nữa với khán giả.
Có những buổi cuối tuần trời mưa to, chúng tôi diễn còn khán giả đứng xung quanh che ô xem hát. Có lẽ, chính nụ cười của khán giả hòa trong những hạt mưa đêm khiến tôi nhận ra rằng âm nhạc dân gian vẫn có sức sống, sức lan tỏa bất biến với thời gian", nghệ sĩ Tô Minh Cường nhấn mạnh.
Nhiều người nói, đi hát xẩm để kiếm tiền, nhưng thực tế là đi ăn xin, nghệ sĩ Tô Minh Cường cho hay, vì nghề hát xẩm hiện nay chỉ còn trong ký ức mọi người, nên tôi thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ những con người làm nên "nét xưa" đó - trước những quan niệm mà tôi cho rằng: Nếu có ai đó trong số họ còn sống mà nghe được chắc cũng không thể im lặng.
Theo nghệ sĩ Cường, người hát xẩm là người lao động chân chính để mưu sinh. Những đồng tiền họ nhận được là những đồng tiền công, họ xứng đáng được hưởng. Tuyệt nhiên không thể coi họ là những người ăn xin và những đồng tiền bố thí. Bởi thế xã hội mới coi hát xẩm là một nghề, trở thành một nét văn hóa (xẩm Hà thành) có danh hiệu cho họ hẳn hoi (nghệ nhân Hà Thị Cầu).
Đành rằng, trong xã hội vẫn còn một số người nhận thức chưa đúng đắn, nhưng chúng ta là những người có tri thức phải biết trân trọng giá trị lao động của người và nghề hát xẩm. Sự đóng góp của họ đã để lại cho chúng ta một di sản văn hóa phi vật thể đáng trân trọng".
Tô Minh Cường hát trên nhiều sân khấu và anh cũng có riêng một "sân khấu" trong ngôi nhà mình. Với người nghệ sĩ ấy, sân khấu âm nhạc hay sân khấu cuộc đời đều không để "diễn" mà để cháy hết mình cho trọn đam mê, để tri ân những nụ cười, những giọt nước mắt của khán giả qua lời ca, tiếng nhạc.
Mang nghệ thuật dân gian đến với giới trẻ
Hát xẩm, loại hình ca nhạc dân gian mang tính chất chuyên nghiệp, mỗi câu hát là một câu chuyện kể, thông qua đó là bài học, giá trị đạo đức và nhân văn tốt đẹp. Đó cũng chính là lý do đưa Cường mang loại hình ca nhạc dân gian này đến với giới trẻ.
Biết trước loại hình nghệ thuật dân gian này ít được giới trẻ chú ý, việc thu hút giới trẻ sẽ gây không ít khó khăn nhưng chàng trai trẻ với sẵn lửa đam mê cộng thêm kinh nghiệm, tình cảm chân thành, mộc mạc mà nghệ nhân truyền dạy, Minh Cường ngày càng tự tin, đằm lắng và say sưa hơn.
"Mỗi nghệ sĩ không ngừng trau dồi về âm nhạc và say mê tâm huyết truyền dạy rộng rãi hơn để âm nhạc truyền thống luôn có vị trí và chỗ đứng trong xã hội hiện nay. Ta giữ gìn không phải là ta bê cất vào tủ mà là ta quảng bá giới thiệu rộng rãi ra bên ngoài, ra thế giới", nghệ sĩ Tô Minh Cường cho biết.
Nghệ sĩ Tô Minh Cường cũng cho rằng, nghệ thuật không hề đơn giản và dễ dàng chút nào. Nếu ai đó nghĩ con đường đến với nghệ thuật phẳng lặng và giản đơn thì hoàn toàn không đúng. Con đường đến với nghệ thuật, ngoài cái mà người ta gọi là trời phú, thì còn cả lòng say mê, tâm huyết và dành trọn cho nghệ thuật, đầu tư cho nghệ thuật. Muốn thành công với nghệ thuật không chỉ là vượt qua gian nan chông gai thử thách, hãy cố gắng đứng lên, đừng vội thấy khó mà nản, rồi chọn con đường dễ đi nhanh nhất.
"Dù có như thế nào, dù có nhiều người khuyên tôi thôi hãy dừng lại đam mê thôi không nên học để làm âm nhạc truyền thống, nhưng tôi sẽ vẫn theo đuổi con đường nghệ thuật cho đến cùng. Tôi yêu truyền thống, yêu làn điệu dân ca, yêu những lời ru của bà của mẹ. Yêu những gì mộc mạc giản dị của cuộc sống. Yêu con người lao động. Yêu vạn vật mà tạo hóa đã ban tặng. Nghệ thuật, dù ai nói gì, chê bai hay miệt thị, thì tôi vẫn cảm ơn để tôi có bài học trên đường đời đến nghệ thuật.
Muốn theo đuổi nghệ thuật, phải có nghị lực, kiên trì, cất lên câu hát phải cháy từ trong tâm can trong cõi lòng của chiều sâu thẳm tâm hồn. Làm nghệ thuật phải biết đánh đổi. Họ đã chấp nhận đánh đổi kể cả hạnh phúc, gạt bỏ mọi thứ để chọn nghệ thuật, để được diễn. Đối với tôi, nghệ thuật chỉ có thể có được khi đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, có cả nước mắt và hạnh phúc", nghệ sĩ Tô Minh Cường tâm sự.
Cùng sự kết hợp với NSƯT Thúy Ngần, sắp tới, nghệ sĩ Tô Minh Cường sẽ cho ra mắt công chúng yêu nghệ thuật truyền thống Album mang tên "Vì tình em ở nhất tâm".
Về việc muốn phát triển âm nhạc truyền thống hơn nữa, nghệ sĩ Tô Minh Cường luôn trăn trở, mong ước nhiều học sinh, sinh viên, những bạn trẻ sẽ được tiếp nhận từ sớm bằng cách đưa âm nhạc truyền thống vào nhà trường giảng dạy. Những gì ông cha truyền dạy lại trong âm nhạc truyền thống đã trở thành món quà vô giá, tinh túy, chúng ta nên biết tiếp nhận, tiếp thu, sáng tạo làm mới để nó luôn song hành, nuôi dưỡng văn hóa dân tộc Việt Nam.