Nghệ sĩ thời “xã hội hóa”: “Chân ngoài” nuôi “chân trong”

Người làm thêm xe ôm, bốc vác, người buôn bất động sản, bán hàng online, người làm MC đám cưới, hát hội nghị, khá khẩm hơn thì lập gánh hát, mở công ty truyền thông… Đó là cách các nghệ sĩ sân khấu truyền thống vượt qua giai đoạn khó khăn cắt giảm, xã hội hóa để rồi mỗi đêm vẫn có thể gặp nhau nơi sân khấu đỏ đèn.

 

Nghệ sĩ thời “xã hội hóa”: “Chân ngoài” nuôi “chân trong” - Ảnh 1.

NSƯT Quý Quốc vẫn chung thủy với Nhà hát Múa rối Trung Ương gần 20 năm nay (ảnh lớn) và cũng anh khi “chạy sô” cho các tiệc sinh nhật (ảnh nhỏ).

Ăn mặc long trọng để đi làm… MC đám cưới

Từ hồi Nhà hát Múa rối Trung ương tiến hành cắt giảm 30%, thu nhập của anh em nghệ sĩ cũng giảm hẳn. Ngày trước, nhà hát nhận được “một cục”, rồi tự tiết kiệm, căn ke phần chi thì thu nhập của mọi người cũng được thêm một khoản nho nhỏ. Nay, các chương trình chuyển sang làm theo đơn đặt hàng, các tiết mục cũng giảm đi nên hầu như thu nhập của mọi người đều giảm sút.

NSƯT Quý Quốc cho biết, các tiết mục đều co lại, tiền bồi dưỡng cho nghệ sĩ cũng giảm từ 200 ngàn/buổi xuống còn 150 ngàn/buổi. Các buổi diễn cũng ít đi. Anh Quốc lại phải tăng cường chạy sô bên ngoài, từ  tổ chức sự kiện, đi diễn sinh nhật hay diễn ở các trường mẫu giáo… Có khi một ngày chạy sô đã kiếm hơn một tháng thu nhập ở nhà hát. Những nghệ sĩ đa năng như anh Quốc không nhiều. Đồng nghiệp anh có người phải đi buôn bất động sản, mở cửa hàng.

Nghệ sĩ thời “xã hội hóa”: “Chân ngoài” nuôi “chân trong” - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Quang Khải thăng hoa trên sân khấu cải lương trong vai diễn Mai Hắc Đế.

Nghệ sĩ Quang Khải (Nhà hát Cải lương Việt Nam) kể: “Đến mùa cưới cơ quan mình vui như hội. Các diễn viên nam diện comple, thắt cà vạt rộn ràng, người ngoài cứ tưởng chắc có lễ gì long trọng lắm, ai ngờ, ăn mặc thế để đi làm MC đám cưới”. Tiền cát xê mỗi lần làm MC ít nhất là 500 ngàn, không thì cũng tiền triệu. Ngoài làm MC đám cưới, Quang Khải còn lăn lộn thêm nhiều công việc như hướng dẫn viên du lịch, buôn bán vòng thạch anh, góp vốn cùng bạn mở công ty truyền thông, đi hát nhạc nhẹ ở các tụ điểm. Có dạo còn nhận làm bốc vác thuê, kiếm dăm chục ngàn. “Mỗi tháng kiếm 6-7 sô ở ngoài là cũng đủ để lo tiền nhà, tiền ăn, con cái học hành. Tiền lương cơ quan chỉ đủ nuôi xăng xe, điện thoại”- Khải cười.

Người hâm mộ đã quá quen thuộc khi bắt gặp hình ảnh NSƯT Vương Hà (Nhà hát Cải lương Việt Nam) đi hát thêm dân ca, quan họ ở các hội nghị. Chị còn ngâm thơ, thuyết minh phim và nhận đọc quảng cáo.

Nghệ sĩ thời “xã hội hóa”: “Chân ngoài” nuôi “chân trong” - Ảnh 3.

NSƯT Vương Hà.

Không phải ai cũng được như Quang Khải hay Vương Hà để đắt sô diễn ngoài. Phần lớn nghệ sĩ trẻ mới vào nghề chưa có tên tuổi ở các nhà hát truyền thống đều phải chấp nhận đồng lương đạm bạc của nhà nước từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/tháng.

NSƯT Vương Hà - hơn 25 năm chung thủy với sân khấu cải lương chia sẻ: “Giờ cắt giảm thì khó khăn hơn nhưng chúng tôi cũng không sốc lắm vì từ xưa đến giờ cũng phải bươn chải, tay năm tay mười mới duy trì được cuộc sống ổn định để không phải bỏ nghề”.

Có thể nói nghệ sĩ chèo có đời sống khấm khá hơn. Sự khấm khá này vì họ khai thác được thế mạnh của chèo để chạy sô dưới các hình thức: hát văn, hát quan họ, hát dân ca… Ở Nhà hát Kịch Việt Nam, phần lớn các nghệ sĩ đều tranh thủ lúc nhà hát không có vở để đi đóng phim, làm MC… các tác giả viết kịch cũng chạy theo các kịch bản phim truyền hình, bởi số tiền họ nhận được còn cao hơn cả một vở kịch phải chăm chút kỳ công.

Một trong những đơn vị đang “liêu xiêu” vì xã hội hóa chính là Liên đoàn Xiếc Việt Nam. “Xiếc là nghề mang tính đặc thù, nhiều NSƯT, NSND, tuổi nghỉ hưu chưa tới nhưng tuổi nghề đã hết từ lâu. Vì vậy, khi đã chuyển sang tự hoạch toán để nuôi nhau, ở lại thì khó cho cả hai bên, nhà hát không có tiền trả lương còn nghệ sĩ ở lại được chuyển sang làm soát vé, chiếu đèn, vì lòng tự trọng nên họ không làm”- NSƯT Chí Quang (Liên đoàn xiếc Việt Nam) cho biết.

Với các nghệ sĩ đang sung mãn tuổi nghề, để đủ sống, ngoài những buổi biểu diễn chính tại rạp xiếc, họ cũng phải biểu diễn thêm ở các nhà hàng, quán bar. Bản thân Chí Quang đã gắn bó với nghề xiếc thú hơn 30 năm nay cũng phải tất bật cả người cả thú bồng bế nhau đi theo các đoàn tạp kỹ diễn tỉnh, hay diễn trong các tiệc sinh nhật.

Nghệ sĩ thời “xã hội hóa”: “Chân ngoài” nuôi “chân trong” - Ảnh 5.

Ngoài thời gian cống hiến ở Nhà hát Cải lương Việt Nam, nghệ sĩ Quang Khải lại tham gia nhóm hát “Giai điệu quê hương” kiêm luôn vai trò MC cho cả nhóm.

Đỉnh điểm của giai đoạn cắt giảm 30% ở Liên đoàn xiếc Trung ương là việc 12 nghệ sĩ xiếc đồng loạt viết đơn xin nghỉ việc để hưởng chế độ khi “tự nguyện ra đi”.  Anh Nguyễn Quang Thọ, một trong 12 nghệ sĩ xin nghỉ sau hơn 20 năm gắn bó với Liên đoàn xiếc chia sẻ: “Thu nhập theo quy định của tôi tại Liên đoàn một tháng được hơn 4 triệu đồng.

Chừng đó quá ít để lo cho một gia đình ở Hà Nội. Thế mà nhiều anh em trong nhóm còn thấp hơn, có người chỉ được trên 2 triệu đồng. Chưa kể các chương trình bị cắt giảm, hai năm qua ngày nào chúng tôi cũng luyện tập miệt mài nhưng không được diễn. Thà chúng tôi nghỉ cho đỡ mang tiếng ăn bám”.

Bỏ thì thương, vương thì tội

Một điều lạ là dù khó khăn suốt bao năm nay chứ không chờ phải đến khi xã hội hóa nhưng các nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống vẫn nhất quyết không bỏ nghề. Bởi nghề với họ đã trở thành cái nghiệp. Nhóm 12 nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam dù đi khỏi Liên đoàn nhưng vẫn tụ lại với nhau thành nhóm xiếc “Làng tôi”, mỗi tuần diễn 2 buổi ở Nhà hát Lớn.

Diễn viên múa bằng những ống tre, đi lại, nhào lộn trên những thân tre, tung hứng bằng rổ rá làm từ tre, sân khấu cũng được thiết kế với nhưng tấm mành tre. Những trò xiếc mô phỏng các trò chơi dân gian như đá cầu, chơi chuyền, tát nước, đánh đu…

“Chúng tôi không bỏ nghề, mà chỉ là lựa chọn nơi phù hợp để làm việc, để phát triển và có thể lo được cho gia đình. Theo tôi, trong xã hội hiện đại thì không quan trọng làm việc ở đâu, chỉ cần chúng tôi cống hiến như thế nào cho đất nước bằng những sản phẩm có giá trị hay không”- Nghệ sĩ Quang Thọ tâm sự.

Nghệ sĩ thời “xã hội hóa”: “Chân ngoài” nuôi “chân trong” - Ảnh 6.

Dù quyết định “ra riêng” nhưng nhóm xiếc “Làng tôi” vẫn luôn đầy đam mê với nghiệp xiếc của mình.

Nhà hát Cải lương Việt Nam vốn nổi tiếng là nơi có nhiều nghệ sĩ phải đi làm thêm kiếm sống nhất nhưng tuyệt nhiên chưa có ai xin nghỉ việc. Nhà hát múa rối Trung ương trong năm qua cũng chỉ có một người nghỉ do tinh giản biên chế.

“Trừ khi bị đuổi chứ khó mấy chúng tôi cũng không bỏ nghề, bỏ nhà hát. Đôi khi một ngày làm ở ngoài bằng cả tháng ở nhà hát nhưng vẫn chỉ vì miếng cơm manh áo. Sân khấu nhà hát mới là nơi để chúng tôi thỏa sức với nghệ thuật”- nghệ sĩ múa rối Qúy Quốc trầm ngâm.

Anh em trong giới nghệ thuật truyền thống cũng không lạ cảnh các nam diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam rủ nhau đi làm… xe ôm. Làm nghề xe ôm thu nhập cao gấp 3-4 lần nghề diễn. Vậy nên bao năm nay, nghề làm xe ôm đã nuôi không ít nghệ sĩ để họ tiếp tục theo đuổi nghệ thuật.

Nghệ sĩ cải lương Quang Khải từng được một ngân hàng mời về làm việc nhưng anh đã từ chối. Khát vọng lớn nhất của anh hồi mới vào nghề là giành được một tấm huy chương ở một kỳ hội diễn, để làm kỷ niệm cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật. Đến nay, Khải đã ẵm trong tay 2 Huy chương Vàng nhưng tình yêu với cải lương vẫn chưa bao giờ tắt và sau 16 năm, Khải vẫn chung thủy với Nhà hát Cải lương Việt Nam.

Để trang trải cuộc sống, ngoài những công việc tay phải tay trái, giữa tháng 6 vừa qua, Quang Khải còn tập hợp các anh em nghệ sĩ để lập nhóm hát đờn ca tài tử cải lương “Giai điệu quê hương” chuyên biểu diễn ở một nhà hàng trên phố Nguyễn Chí Thanh- Hà Nội.

“Vừa là để duy trì đam mê, vừa kiếm thêm thu nhập nhưng quan trọng hơn là chúng tôi muốn mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn nữa với khán giả. Nó không còn là khoảng cách từ dưới khán đài nhìn lên sân khấu nữa mà khoảng cách đó đôi khi chỉ còn là một cái bàn ăn”- Quang Khải hào hứng.

Rất nhiều nghệ sĩ dù vẫn đang phải sống cảnh thuê nhà, thu nhập hàng tháng chưa nổi 5 triệu đồng nhưng khi được hỏi “Có bỏ nghề không?” đều lắc đầu. Để chia sẻ khó khăn với nhà hát, nhiều nghệ sĩ thành danh, rạng rỡ trên truyền hình, đạt danh hiệu NSND, NSƯT vẫn phải đến các doanh nghiệp, công ty câu kéo, mời chào để họ mua vé cho đoàn nghệ thuật. “Mình đi làm ngoài thì cũng là để về hầu tổ. Tổ có thương thì mới giữ được sắc vóc, tài năng mà sống với nghề!”- NSƯT Vương Hà tâm sự.

Theo Thanh Hương
Tiền Phong