Nghệ sĩ Thanh Lê: Nghệ thuật là sang trọng
(Dân trí) - NS Thanh Lê được biết đến với những vai nữ chính dịu dàng qua các bộ phim truyền hình như: Hai người mẹ, Những tia nắng ấm, Con mắt bão, Em nữa là 12, Những người bạn… Cô là một nghệ sĩ năng động với các hoạt động nghệ thuật như biên kịch, đạo diễn, MC…
Bên cạnh đó, Thanh Lê cũng là một đạo diễn nghệ thuật đầy tâm huyết khi tham gia dàn dựng chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” - Liên hoan nghệ thuật dành cho những người khuyết tật của Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội năm 2013.
Cô cũng là cây viết trẻ nhất tham gia Trại sáng tác dành cho sân khấu thể nghiệm 2015 của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam với kịch bản sân khấu “Nguyệt Hồ” dựa trên nền tảng nghệ thuật tuồng cổ truyền với nhiều sáng tạo mới lạ, độc đáo.
Đầu năm 2014, Thanh Lê tạm dừng các hoạt động nghệ thuật, tiếp tục theo học Thạc sĩ Quản lý Văn hóa tại Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Cô chia sẻ: “Hành trang em mang bên mình khi vào TP HCM tiếp tục học tập và làm việc, đó là những kiến thức và tâm huyết của các thầy cô đã truyền dạy cho em khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Một trong những tiêu chí mà em khắc cốt ghi tâm là lời dạy của NSND Lê Chức, người thầy tâm huyết của nhiều thế hệ diễn viên trường ĐH Sân khấu Điện ảnh: Nghệ thuật là sang trọng. Người làm nghệ thuật cần phải có vốn. Vốn đó là cốt cách, là văn hóa... Muốn trường vốn phải không ngừng đắp bồi, xây dựng cho nền tảng văn hóa của bản thân vững chắc”.
Gia đình NS Thanh Lê định cư tại Hà Nội đến cô là đời thứ 4, nhưng Thanh Lê vẫn luôn hướng về quê nhà - Hà Nam. Cô tâm niệm: Nghệ sĩ là người phụng sự. Trong những ngày cuối năm 2015, hưởng ứng chương trình văn hóa đọc trong cộng đồng, cô cùng gia đình đã vận động chính quyền địa phương cùng bà con chung tay xây dựng được hai tủ sách Văn hóa – Nghệ thuật với số lượng 700 đầu sách tại nhà văn hóa TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Cô chia sẻ: Là nghệ sĩ, cô mong muốn xây dựng hình ảnh của mình gắn liền với các hoạt động mang tính văn hóa, phụng sự cộng đồng. Đó vừa là tiêu chí làm nghề, vừa là mục đích sống của cô. Thanh Lê tâm sự, cô sẽ dành tâm sức xây dựng tủ sách làm thí điểm để nhân rộng mô hình tủ sách Văn hóa Nghệ thuật ra các địa phương khác, chung tay xây dựng văn hóa đọc tại Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Được biết, trong năm 2016, Thanh Lê sẽ bắt đầu quay trở lại với các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Với kịch bản sân khấu “Nguyệt Hồ”, Thanh Lê được Hội nghệ sĩ Sân khấu đánh giá là tác giả trẻ tuổi triển vọng. Cô đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho tác phẩm của mình sớm được ra mắt công chúng yêu sân khấu tại Liên hoan sân khấu Thử nghiệm năm 2016.
“Tôi gửi gắm nơi kịch bản “Nguyệt Hồ” một suy nghĩ giản đơn: Tình yêu chính là phép khảo nghiệm chính xác nhất cho lương tri và phẩm giá của con người, Thanh Lê nói.
Tôi mong rằng, kịch bản “Nguyệt Hồ” sẽ là một sự “thử nghiệm” mới, dựa trên những giá trị cao đẹp của nghệ thuật Tuồng cổ. Với kịch bản mang tính thử nghiệm này, em định hướng “Nguyệt Hồ” sẽ được dàn dựng theo lối nhạc – vũ – kịch hiện đại, là sự kết hợp của dòng nhạc dân gian đương đại, vũ đạo tuồng truyền thống kết hợp với múa đương đại, và “art film”, một thể loại phim “thể nghiệm” đang được thế giới quan tâm.
Với tôi, nghệ thuật là một dòng chảy bất tận, không có điểm dừng. Trên nền tảng của nghệ thuật truyền thống, trách nhiệm của thế hệ sau là tiếp thu và xây dựng. Nền móng có vững chắc, công trình mới có giá trị bền vững. Mạch nguồn của nghệ thuật càng lâu đời, tính kế thừa và phát huy càng lớn, tính sáng tạo và phát triển càng cao. Tôi tin như vậy!”, người đẹp nói.
Ái Khanh