1. Dòng sự kiện:
  2. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Nghệ sĩ hàng đầu thế giới với cách chinh phục “hàng đầu”

(Dân trí) - Chỉ có thể nói, với tài năng và cảm xúc của những nghệ sĩ hàng đầu thế giới, đêm biểu diễn của cặp song tấu violon - piano Stefan Jackiw và Anna Polonsky, tối qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã thật sự chinh phục những người yêu nhạc cổ điển một cách tinh tế, “hàng đầu”.


Cặp song tấu violon - piano Stefan Jackiw và Anna Polonsky trên sân khấu Nhà hát Lớn tối qua 29/5

Cặp song tấu violon - piano Stefan Jackiw và Anna Polonsky trên sân khấu Nhà hát Lớn tối qua 29/5

Khác với thông tin đã thông báo trong chương trình mở đầu là Bản sonatr cung si giáng trưởng dành cho violon và piano của W.A.Mozart, thì trong đêm mở đầu của buổi Hennessy Concert lần thứ XIX, tối qua 29/5 chính là bản Tzigane của Maurice Ravel. Sở dĩ có sự thay đổi này, nghệ sĩ violon Stefan Jackiw chia sẻ rằng, các nghệ sĩ muốn mang tới một cảm nhận mới mẻ cho khán giả thưởng thức trong đêm nay - với một thông điệp về hành trình từ bóng tối, sự đau khổ đi tới ánh sáng và niềm hi vọng, lạc quan.

Chương trình được xây dựng gồm 4 tác phẩm mang đậm dấu ấn của âm nhạc cổ điển cận - hiện đại.

Với bản Tzigane của Maurice Ravel đã mở màn đầy quyến rũ. Khúc rhapsody với trường cảm xúc mạnh mẽ như lời chào nồng nhiệt của cặp nghệ sĩ với khán giả Việt Nam. Chọn một tác phẩm đòi hòi kỹ năng trình diễn rất cao, ngay từ bản nhạc đầu tiên, Stefan Jackiw đã khiến người nghe bị mê hoặc với tiếng đàn của mình. Anh truyền tải một cách rất rõ nét tinh thần cuồng tưởng digan với những sắc thái cảm xúc phong phú bằng sự nhuần nhuyễn trong xử lý tác phẩm.

Stefan Jackiw - nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ, đã trở thành gương mặt soloist thân quen của liên đoàn các dàn nhạc Hoa Kỳ và nhanh chóng gây dựng được tên tuổi của mình ở quốc gia phía bên này bờ Đại Tây Dương. Stefan Jackiw thừa hưởng hai dòng máu Đức và Hàn Quốc và đã bắt đầu học nhạc từ năm lên 4 tuổi. Năm 2002 anh đã giành được giải thưởng danh giá Avery Fisher Career Grant. Stefan Jackiw khiến người thưởng thức không thôi rời mắt khi thấy anh đắm chùm trong phần thể hiện của mình. Có lẽ bởi vậy, không phải dễ dàng mà nghệ sĩ violon 30 tuổi như Stefan Jackiw được giới chuyên môn công nhận là người đại diện xuất sắc cho thế hệ của mình. Thưởng thức buổi diễn của anh cũng sẽ cảm thấy rằng mặc dù kỹ thuật trình diễn ở đẳng cấp rất cao nhưng với Stefan kỹ thuật chỉ đơn thuần là một công cụ, tiếng đàn của anh đã vượt ra rất xa khỏi giá trị công cụ đó để đạt tới một phong cách âm nhạc riêng hoà trộn giữa năng lượng cảm xúc luôn ở mức cao nhất với một tư duy chơi nhạc cực kỳ thông tuệ.

Nghệ sĩ violon Stefan Jackiw

Nghệ sĩ violon Stefan Jackiw

Anna Polonsky từng được Thời báo New York đánh giá là “một nghệ sĩ thính phòng với sự tinh tế lạ thường”. Anna Polonsky chơi nhạc từ nhỏ, năm lên 7 tuổi chị đã có buổi biểu diễn đầu tiên tại Trường nhạc Trung Ương - Maxcova - Nga. Năm 1990 cô đến Mỹ và đã học ở Học viện Nghệ thuật ở Michigan. Anna Polonsky được xem là một nghệ sĩ thính phòng và soloist thuốc nhóm đắt sô biểu diễn, cô tham gia rất nhiều buổi hòa nhạc và lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Chính bởi thế, tiếng đàn của Anna Polonsky trong đêm Hennessy Concert lần thứ XIX đã có sức cuốn hút lạ kỳ.

Sau phần mở màn, tác phẩm thứ hai cũng là tác phẩm trung tâm của đêm diễn là tổ khúc Partita của nhà soạn nhạc người Balan Witold Lutoslawski. Đây không chỉ là một tác phẩm quan trọng của Lutoslawski mà còn là một bản nhạc điển hình cho âm nhạc cổ điển thế kỷ XX với tinh thần đương đại và cách tân đậm nét.

Bản nhạc gồm 5 phần viết theo kỹ thuật ứng tác ngẫu hứng đặc trưng của Lutoslawski. Mặc dù được xây dựng theo mô hình 3 phần chính kết nối bằng 2 phần tự do bán ngẫu hứng nhưng ở tác phẩm này không có những khoảng dừng lớn giữa các phần mà uyển chuyển tạo thành một tổng thể trải nghiệm âm nhạc sống động. Cảm xúc mạnh mẽ và chất kịch tính là đặc điểm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Lối chuyển động nửa cung ngoài điệu thức chủ, những nốt lặp lại, và các tiết tấu đối ngược được sử dụng nhiều. Tuy nhiên, kết quả lại không hề là một nhóm âm thanh nặng nề, những hợp âm phi điệu tính hay một sự pha trộn tiết tấu, trái lại, đó là những tuyến độc lập đến khó tin gặp nhau và kết hợp lại một cách thuyết phục và vô cùng cảm xúc.

Giản dị và ngắn gọn trong phần giới thiệu từng nhạc phẩm trước mỗi phần biểu diễn, nhưng dường như với Stefan Jackiw, khi tiếng đàn cất lên là lúc anh hoàn toàn chìm trong thế giới âm nhạc của riêng mình. Phong cách trình diễn của anh mang đầy đủ ý nghĩa của hình tượng: sống trong tác phẩm âm nhạc! Tiếng violon như cuốn đi cùng tác phẩm, khi nhập vào khi tách ra đối thoại cùng âm thanh piano của Anna Polonsky.

Nghệ sĩ violon Stefan Jackiw


Mặc dù chọn vị trí người đồng hành của Stefan Jackiw, nhưng Anna Polonsky vẫn là một nửa không thể thiếu, một nửa rực rỡ và ở những điểm nhấn của piano, tiếng đàn của chị như chạm tới từng mạch máu người nghe. Anna có một lối chơi vừa rất chuẩn mực nhưng vô cùng phóng khoáng với một tiếng đàn đạt tới mức phi giới tính.

Điểm gặp nhau giữa hai nghệ sĩ chính là tinh thần cách tân, sự tìm tòi và sự thấu hiểu tư duy âm nhạc của nhau. Họ tạo thành một cặp song tấu lý tưởng xét về cả phương diện trình diễn và thưởng thức.

Ở phần gần cuối chương trình, cả khán phòng biểu diễn hoàn toàn chìm trong bóng tối, chỉ còn một thứ ánh sáng duy nhất là chiếc đèn nhỏ chiếu lên bản nhạc của tác phẩm thứ ba, bản dạ khúc dành cho độc tấu violon của nhà soạn nhạc người Phần Lan Kaija Saariaho viết năm 1994 khi bà nghe tin người bạn thân thiết, người cố vấn của mình là nhà soạn nhạc Witold Lutoslawski qua đời.

Dù là một tác phẩm ngắn viết trên chất liệu của một bản concerto cho violon, nhưng bản nhạc này gây tác động rất mạnh khi được trình diễn. Bản nhạc truyền tải một nỗi buồn đau sâu sắc, sự mất mát dường như không thể bù đắp. Những hợp âm được triển khai rất chậm rãi xen với những nốt cao như tắc nghẹn tiếng đàn, hút mọi giác quan của người nghe vào một điểm sáng rất mờ trên sân khấu trong bóng tối ngập tràn… Sự im lặng đến tuyệt đối của không gian, càng tăng thêm sự thu hút và đó là một cơ hội tuyệt vời để người thưởng thức hưởng trọn vẹn những giai điệu như là hơi thở, như là những tinh hoa của các tuyệt phẩm.

Ánh sáng vàng dịu dần trở lại khi cặp nghệ sĩ bước vào bản Sonate cung La trưởng dành cho violon và piano của nhà soạn nhạc người Pháp Cesar Franck. Tác phẩm như cái kết tươi sáng, đầy hân hoan mà các nghệ sĩ muốn truyền tải trong chủ đề của đêm nhạc.

Tới tác phẩm này, Stefan Jackiw dường như thực hiện nốt một lời chứng cuối cùng cho vị trí hàng đầu của mình về biểu diễn cổ điển. Anh cho thấy tiếng đàn của mình không chỉ có thể chinh phục những tác phẩm hiện đại đầy phá cách mà còn xuất sắc với những tác phẩm kinh điển.

Stefan truyền tải tới người nghe đầy đủ tinh thần của bản nhạc là sự lãng mạn, niềm hạnh phúc và hi vọng trong từng nốt nhạc mà Franck đã viết như một món quà cưới đặc biệt dành cho nghệ sĩ violon huyền thoại Eugène Ysaye. Dường như chọn là tác phẩm kết thúc chương trình, cặp song tấu cũng chơi với sự tung mở hoàn toàn của cảm xúc, của những màn đối đáp rất kỹ thuật và đầy cảm hứng của người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ violon Stefan Jackiw

Khán phòng chìm đắm trong phần biểu diễn của cặp song tấu  violon - piano Stefan Jackiw và Anna Polonsky

Trong những tràng pháo tay không ngớt của khán giả sau khi kết thúc tác phẩm thứ tư, cặp nghệ sĩ đã trở lại sân khấu để chơi thêm một tác phẩm nằm ngoài chương trình là bản nhạc ngắn Méditation trong vở opera Thais của nhà soạn nhạc Jules Massenet. Những giai điệu sâu lắng, du dương nhưng vô cùng tinh tế như cái kết vừa thật thoả mãn nhưng vẫn không khỏi luyến tiếc với khán giả Hà Nội.

Khép lại đêm hòa nhạc Hennessy Concert lần thứ XIX, hai nghệ sĩ Stefan Jackiw và Anna Polonsky không chỉ đem tới cho người yêu nhạc cổ điển Việt Nam một đêm nhạc đẳng cấp mà cao hơn đó là một cơ hội quý giá khám phá âm nhạc và những nghệ sĩ hàng đầu của âm nhạc cổ điển đương đại. Đó cũng là những suy ngẫm về sức sống và vẻ đẹp tuyệt vời của những tuyệt tác âm nhạc cổ điển- khi đang hiện diện trong đời sống đương đại cũng như việc chinh phục người thưởng thức của các nghệ sĩ hàng đầu thế giới một cách sang trọng, “hàng đầu” như vậy.

Bài: Thủy Thanh
Ảnh: Tuấn Đào