Nghệ sĩ Đặng Châu Anh: "Từ bé tôi đã nhút nhát, tự ti và không có gì đặc biệt"

(Dân trí) - "Từ bé tôi đã là một người nhút nhát, rất tự ti và không có gì đặc biệt. Tôi không tìm thấy bất kỳ giá trị nào của mình, học cái gì cũng làng nhàng. Học bên trường nhạc thì dốt nhất lớp vì lạc vào một lớp toàn siêu sao, con nhà nòi. Bên văn hóa vì nhút nhát nên chẳng thể hiện được mình nhiều. Tuổi thơ của tôi là một quá trình thoi thóp", Châu Anh chia sẻ.

Luôn vui cười là “bệnh” của tôi

Một thời gian dài gắn bó với sự nghiệp giáo dục âm nhạc cho trẻ con, chị có nghĩ mình cũng được “trẻ con hoá”?

Tôi thấy mình may mắn khi được làm đúng nghề mình yêu thích và phù hợp với sở trường, tích cách, kỹ năng… đã được đào tạo. Thế giới tuổi thơ và âm nhạc sẽ biến bất cứ ai đam mê - tâm huyết trở nên nhân văn, trẻ thơ và tôi không phải là ngoại lệ. Quả thật là thế, việc hàng ngày thân thiết với học sinh, chơi với các bạn ấy theo kiểu “bằng vai phải lứa” rất tự nhiên, tôi cũng cảm thấy mình luôn... trẻ hơn cái tuổi thực của mình rất nhiều

Nghệ sĩ Đặng Châu Anh với dàn hợp xướng thiếu nhi trong một sự kiện. Ảnh: ĐCA.
Nghệ sĩ Đặng Châu Anh với dàn hợp xướng thiếu nhi trong một sự kiện. Ảnh: ĐCA.

Phải chăng vì thế mà từ cách nói chuyện đến cách sống của chị “hằn in” nhiều dấu vết của một đứa trẻ?

Đúng vậy, hóm hỉnh, ngộ nghĩnh… cũng là một phần tính cách của tôi Thêm nữa sư phạm âm nhạc đặc biệt đối tượng là trẻ thơ thì đòi hỏi mình càng phải gần gũi, ngộ nghĩnh như chính các bạn ấy. Lâu dần, cách tiếp cận và nói chuyện, giao tiếp với trẻ thơ ngấm sâu vào con người mình luôn. Đặc biệt, sự lạc quan, luôn vui cười là “bệnh” của tôi. Chả mấy khi ai đó nhìn thấy “Chanh Leo” (nick name của Đặng Châu Anh) buồn, đơn giản là mình không thể để thế giới trẻ thơ mang mầu xám.

Nhưng như thế chị có cảm thấy bị thiệt thòi không bởi góc độ nào đó chị vẫn là một cô bé không chịu lớn trong khi chị phải gánh vác rất nhiều vai trò khác nhau trong gia đình và xã hội?

Ơ, tôi thấy mình vô cùng may mắn đấy chứ, ai cũng sợ già mà tôi thì luôn được khen là trẻ, đã trẻ thì nhiều năng lượng, càng cống hiến và thực hiện nghĩa vụ một cách hào hứng và hiệu quả hơn.

Cách chị giáo dục học sinh với cách giáo dục các con mình có gì khác biệt?

Nhìn chung không khác biệt nhiều vì cơ bản là nhà sư phạm âm nhạc sẽ cần truyền cảm hứng, tình yêu cuộc sống thông qua ngôn ngữ âm nhạc. Nhưng với đối tượng là các con mình thì đôi khi “bụt chùa nhà không thiêng” nên mẹ Chanh sẽ cần “cứng rắn” hơn một chút.

Trong hai con của chị, bạn nào có năng khiếu nổi trội về âm nhạc giống mẹ, bạn nào có năng khiếu về phim ảnh giống bố?

Hiện nay 2 bạn đang phát triển một cách tự nhiên theo ý muốn của các bạn. Bạn nữ thì thiên hướng hội họa nhiều hơn, bạn ấy thích vẽ. Bạn nam lại thích làm diễn viên hơn. Chưa bạn nào có xu hướng muốn nối nghiệp bố mẹ cả.

Nghệ sỹ Châu Anh sẵn sàng kể rất nhiều câu chuyện về con nhưng tuyệt nhiên từ chối mọi câu hỏi về chồng.
Nghệ sỹ Châu Anh sẵn sàng kể rất nhiều câu chuyện về con nhưng tuyệt nhiên từ chối mọi câu hỏi về chồng.

Tôi không có ý định hướng cho con phải theo nghiệp bố hay mẹ mà cứ để cho con phát triển theo sở trường của con bởi vì hơn ai hết, trong thời gian đầu đời mình phải tạo kiến thức nền cho trẻ. Phải dạy cả âm nhạc, mỹ thuật, vận động… dần dần qua quá trình mới thể hiện được sở thích và niềm đam mê rõ rệt của con. Có những bạn trẻ bộc lộ niềm đam mê rất sớm nhưng cũng có những bạn phải trải qua một quá trình khá dài mới bộc lộ. Mỗi bạn trẻ đều có trí thông minh khác nhau theo học thuyết “Trí thông minh đa dạng” của Howard Gardner.

Cậu cả nhà tôi thời gian đầu mới phát triển có trí thông minh vận động nhiều hơn, con thích thể thao, tính cách khá tăng động. Lớn hơn một chút thì thích thể hiện, thích làm diễn viên… dù điều này chưa rõ nét lắm nhưng tôi cảm nhận được thế. Còn cô em út thì ngồi đâu cũng vẽ mặc dù không vẽ đẹp lắm nhưng rất thích vẽ. Sở thích của con là thế nên mình cũng cố gắng nuôi dưỡng con niềm đam mê lâu dài. Còn sở trường thực sự và khả năng đến đâu còn là do môi trường tạo ra nữa. Hiện tại chúng tôi đang cố gắng tạo cho các con môi trường tốt nhất thôi chứ cả hai bạn vẫn chưa có khả năng gì thật sự đặc biệt cả.

Vậy trong gia đình chị, chuyện giáo dục có phân chia cho ai ai đảm nhận vai trò chính?

Cả tôi và chồng cùng chung tay giáo dục con chứ không chia ai chính, ai phụ. Việc giáo dục con chúng tôi đều có sự thỏa thuận với nhau trên nguyên tắc: “trước mặt con chỉ có một quan điểm nhất quán chứ không bao giờ có chuyện ông nói một đường, bà một nẻo”. Chúng tôi thực hiện việc này rất khoa học, bao giờ cũng thế, kể cả quan điểm một trong hai người chưa chuẩn thì sau đó nói chuyện riêng với nhau để điều chỉnh. Cũng có khi tôi chiều con hơn, cũng có khi chồng chiều hơn nhưng tóm lại chúng tôi không bao giờ được phép cãi nhau trước mặt con.

Nhiều khi bất lực trước... cậu cả

Cậu cả nhà chị đang học lớp 9, nghĩ là đang ở tuổi trở thành người lớn. Đã bao giờ chị cảm thấy bất lực trước việc chỉ dạy cho bạn ấy?

Có chứ, bất lực nhiều đấy. Tính tôi là không chịu được căng thẳng và không muốn quát mắng nhưng một khi ngôn ngữ bất lực là vũ lực lên tiếng. Tôi không muốn câu chuyện đó xảy ra vì nó như thế rất phản giáo dục nên những lúc “căng” quá tôi thường tìm cách đá quả bóng khó sang cho “đồng chí” Đỗ đạo diễn (- cách Châu Anh gọi chồng- PV). "Đồng chí" ấy được cái rất khoa học và sư phạm cho nên có những cách nói kiểu “đàn ông với đàn ông” khiến cho cu cậu ngoan ngoãn nghe theo. Một phần tại cậu cả hiểu tính mẹ là mềm mại và cả nể, thương chiều con nên cu cậu “bắt thóp” được đâm chai lì. Có câu chuyện là nhiều lúc thấy con ngủ dậy uể oải tôi lại thương cho ngủ thêm một chút nữa nhưng bố nói một tiếng là cu cậu bật dậy ngay. Cái uy của bố trong gia đình rất lớn là thế.

Châu Anh tìm thấy mình khi trở thành một nhà sư phạm âm nhạc. Ảnh: ĐCA.
Châu Anh tìm thấy mình khi trở thành một nhà sư phạm âm nhạc. Ảnh: ĐCA.

Vậy tuổi thơ của chị thế nào?

Từ bé tôi đã là một người nhút nhát, rất tự ti và không có gì đặc biệt. Tôi không tìm thấy bất kỳ giá trị nào của mình, học cái gì cũng làng nhàng. Học bên trường nhạc thì dốt nhất lớp vì lạc vào một lớp toàn siêu sao, con nhà nòi. Bên văn hóa vì nhút nhát nên chẳng thể hiện được mình nhiều. Tuổi thơ của tôi là một quá trình thoi thóp. Bỗng một ngày tôi có cơ duyên được gặp một thầy dạy Piano, bây giờ thầy đã mất rồi. Thầy là người đầu tiên khen, động viên và nói với tôi rằng tôi có một giá trị đặc biệt. Thầy nói tôi giàu cảm xúc, có khả năng học về phân tích âm nhạc rất tốt. Đó là lí do tôi quyết định chuyển từ khoa Âm nhạc sang khoa Lý luận âm nhạc. Và từ đấy tôi mới nhận ra rằng, mình giỏi về lý thuyết và có trái tim nhạy cảm, tinh tế.

Tôi học muộn nên tay đàn tôi kém nhưng thầy bảo tôi thông minh về âm nhạc, thông minh về cảm xúc… Nhờ thế tôi mới tự tin hơn để thi sang khoa Lý luận mà hồi đó khoa Lý luận trong trường nhạc như một khoa “cứu cánh” của rất nhiều sinh viên. Các bộ môn khác học kém thì thi sang Lý luận sẽ đỗ vì khoa này rất dễ đỗ. Tôi sang khoa này lại trở thành top đầu của lớp.

Tự nhiên tôi thấy mình tự tin, năng động hơn… Tôi trở thành một nhà sư phạm âm nhạc bởi tôi hiểu ngôn ngữ âm nhạc giúp cho trẻ phát triển toàn diện cả về trí tuệ, nhân cách, cảm xúc của con người. Nó kích hoạt rất nhiều giá trị của con trẻ, giúp trẻ tự tin, giúp trẻ có khả năng kết nối, giúp trẻ có tai nghe tinh tế… muôn vàn cách tìm ra con đường đi đến thành công.

Sau khi học khoa Lý luận tôi còn học thêm khoa Chỉ huy giao hưởng, đồng thời tôi cũng được biểu diễn và sau đó chuyển qua chỉ huy hợp xướng bởi nó không cần phải trí tuệ siêu đỉnh như chỉ huy giao hưởng. Được làm việc với hợp xướng thiếu nhí tôi có thêm nhiều cảm hứng và sự hưng phấn, tôi cảm giác như tìm thấy mình trong đó vì bản thân mình cũng có tâm hồn trẻ thơ. Mình rất thích trẻ con, thích âm thanh trong veo của con trẻ nên chuyển sang làm thực hành chỉ huy hợp xướng và được giao cho phụ trách dàn hợp xướng thiếu nhi Học viện Âm nhạc.

Tôi cũng được đào tạo tập trung tại Đại học Malmo của Thụy Điển và được thực hành tại một trường quốc tế tại Hà Nội. Từ những công việc này tôi nhận ra rằng, thiếu nhi Việt Nam đang thiếu cách tiếp cận, cách cảm thụ âm nhạc nên tôi mới mở trung tâm nghệ thuật Sol Art.

Và đó có phải là lý do chị nhận làm cố vấn cho Liên hoan thiếu nhi Asean diễn ra từ 29/5 đến 1/6?

Xuất phát điểm cứ nói đến âm nhạc và trẻ thơ là mọi người nghĩ ngay đến Đặng Châu Anh. Khi được chị Phạm Hồng Tuyến - Trưởng phòng Thiếu Nhi của VTV6 gọi điện hỏi về kinh nghiệm kết nối các đoàn nghệ thuật quốc tế thì tôi đã nhận lời giúp đỡ vì kinh nghiệm của tôi làm giám khảo của nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế rồi nên Network của tôi với các nhà sư phạm âm nhạc nghệ thuật trên thế giới tương đối nhiều. Và tôi cũng đã kết nối được với một số nước.

Thời gian gần đây nghệ sĩ Châu Anh xuất hiện với rất nhiều vai trò khác nhau.
Thời gian gần đây nghệ sĩ Châu Anh xuất hiện với rất nhiều vai trò khác nhau.

Tôi cũng từng làm Giám đốc Nghệ thuật của Hội thi hợp xướng quốc tế tại Hội An do Liên minh Văn hóa thế giới tổ chức, làm giám khảo đã 6 - 7 lần rồi nên có khá nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với chị Tuyến, chị Tuyến thấy rất hữu ích nên mời tôi cố vấn cho Gala nghệ thuật của Liên hoan Thiếu nhi Asean vào ngày 1/6 tới.

Công việc của tôi là hỗ trợ các bạn thư ký hoàn thiện kịch bản, sắp xếp các tiết mục ra sao để có tính nghệ thuật, đồng thời cũng kết nối các đoàn nghệ thuật – hợp xướng tại Việt Nam.

Đạo diễn “chồng” chưa bao giờ mới đóng phim

Thời gian gần đây, chị xuất hiện với rất nhiều vai trò khác nhau. Từ giảng viên, giáo viên, cố vấn, giám khảo, giám đốc nghệ thuật… và cả đại sứ hình ảnh nữa. Vậy đã bao giờ đạo diễn Đỗ Thanh Hải chồng chị mời chị tham gia đóng phim chưa?

Tôi quan niệm “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Tôi chỉ chuyên tâm cho âm nhạc thôi vì tôi biết mình có những khả năng gì. Tôi không muốn ôm đồm vì ôm nhiều việc rồi chẳng làm được việc gì ra hồn lại khổ thêm. “Đồng chí” Đỗ đạo diễn chưa bao giờ mời tôi đóng phim, và nếu có mời tôi cũng sẽ từ chối thôi vì tôi không có năng khiếu phim ảnh đâu (cười).

Cám ơn chị đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm