Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Kha qua đời ở tuổi 101

Hương Hồ

(Dân trí) - Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Kha - người lưu giữ tinh hoa hát văn - qua đời ở tuổi 101.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long xác nhận với phóng viên Dân trí, Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Kha qua đời tại Hà Nội ngày 14/2 (tức mùng 5 Tết Giáp Thìn). Sinh thời, ông được coi là cây đại thụ của nghệ thuật hát văn, với hàng loạt đóng góp trong việc lưu giữ hình thức lễ nhạc cổ truyền này. 

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ: "Những ngày cuối năm 2023, sức khỏe cụ Kha đã yếu, không còn chơi được đàn, hát cũng không được, thậm chí nói chuyện cũng khó.

Ấy vậy mà khi trò chuyện về đàn và hát, về cuộc đời cụ gắn liền với những âm thanh diệu vợi của hát văn, cụ dần tỉnh táo, mặt tươi tỉnh, nói nhiều hơn. Minh (nghệ nhân Trịnh Ngọc Minh - một người học trò của cụ - PV) hát "mớm" vài từ là cụ liền hát theo ngay, và rồi Minh để cụ tự hát". 

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Kha qua đời ở tuổi 101 - 1

Hình ảnh Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Kha khi biểu diễn trích đoạn "Văn Công Đồng" (Ảnh: Tư liệu).

Nguyễn Quang Long kể, những lần ghé thăm Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Kha, anh hay hỏi chuyện đàn, hát, truyền nghề, lần gần nhất hỏi thêm về tư liệu.

"Cụ Kha bảo trước đó cụ có nhiều sách lắm, giờ vẫn có nhưng mai một nhiều rồi. Chú Phúc (con trai ông Kha - PV) lấy từ trong tủ một tập nhiều cuốn sách, mang ra, rồi chọn vài cuốn đưa cho cụ. Toàn là sách viết bằng chữ Hán Nôm. Cụ mở từng quyển, lò dò từng trang, tay chỉ vào từng chữ và đọc rồi dịch nghĩa, giải nghĩa cho chúng tôi.

Đó là những cuốn sách đã nhuốm màu thời gian, có cuốn cụ sưu tầm, có cuốn cụ tự tay chép. Nội dung những cuốn sách là những bài hát văn cổ và cả các bài văn cúng", nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long nhớ lại. 

Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Trọng Kha sinh năm 1923 tại Hà Thành trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Ông bắt đầu học hát văn từ khi 10 tuổi. Ông từng kể lại: "Cha tôi có nghề hát văn, tôi được thấm nhuần từ ngày còn trong bụng mẹ. Lớn lên, ông dạy tôi học chữ nho và dạy đàn hát"

5 anh em trong gia đình ông đã tham dự hàng loạt cuộc thi hát văn trong nội thành, gây được tiếng vang lớn, được mệnh danh là nhóm "Ngũ hổ".

Thời điểm trước năm 1946, gia đình ông phải sơ tán về quê. Gặp gánh hát cải lương tản cư, ông xin gia nhập rồi đi đến năm 1951 mới quay về Hà Nội, trụ ở đoàn Chuông Vàng. Ông gắn bó với cải lương cho đến khi về hưu cùng với những thăng trầm, đổi thay của thời cuộc...

Cung văn chỉ còn trong ký ức cùng những giai điệu trầm buồn của thế hệ ông. Tuy bị gián đoạn một thời gian dài nhưng nét đẹp của văn hóa chầu văn vẫn còn vẹn nguyên trong ông, với khí khái thanh lịch, tao nhã của người Tràng An, cách nhả chữ tinh tế, chắt lọc.

Nghệ nhân Hoàng Trọng Kha từng giải thích: Hát văn là một hình thức âm nhạc sinh ra để phục vụ tín ngưỡng Tứ phủ, một tín ngưỡng thờ Mẫu từ lâu đã bám rễ sâu trong đời sống tâm linh của cư dân Việt. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, hát văn đã thể hiện khả năng thích ứng của mình đối với những biến đổi xã hội.

Tháng 3/2012, cung văn Hoàng Trọng Kha đã chính thức được Hội Văn nghệ dân gian trao tặng bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian.

Tới tháng 12/2022, khi TP Hà Nội tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba - 2022 cho 66 nghệ nhân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ông Hoàng Trọng Kha là nghệ nhân lớn tuổi nhất TP Hà Nội được phong tặng Nghệ nhân Ưu tú.