Nghệ nhân kéo thanh tre thành "bông hoa" ở phố đi bộ Hà Nội

Hà Hiền

(Dân trí) - Hoa tre (giò hoa tre) được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50 cm, đường kính khoảng 1 cm, đầu tre tuốt bông và nhuộm màu tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng.

Tại Lễ hội Du lịch và Văn hóa ẩm thực Hà Nội được tổ chức ở phố đi bộ Hồ Gươm từ ngày 16/4-18/4, vợ chồng nghệ nhân Phạm Văn Thanh (Sóc Sơn, Hà Nội) được lựa chọn để biểu diễn làm những bông hoa tre Thánh Gióng nhằm giới thiệu đến người dân và du khách.

Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi về trời, nên mùng 6 tháng Giêng hằng năm, dân làng mở hội linh đình tại khu di tích đền Sóc thờ Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương.

Trong lễ hội có nghi lễ dâng hoa tre lên đền Thượng của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh). Hoa tre sau khi dâng lên đền Thượng sẽ được rước xuống đền Hạ rồi phát cho người dự hội để cầu may.

Nghệ nhân kéo thanh tre thành bông hoa ở phố đi bộ Hà Nội - 1

Cây giò hoa tre Thánh Gióng trưng bày tại Lễ hội Du lịch và Văn hóa ẩm thực Hà Nội được tổ chức ở phố đi bộ Hồ Gươm.

Anh Đỗ Hữu Cương, thuyết minh viên của di tích Quốc gia đền Sóc, nơi thờ Thánh Gióng cho biết: "Tục truyền Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng cây gậy sắt dài hơn 10 trượng. Gậy sắt gãy, Thánh Gióng đã nhổ những khóm tre Đằng Ngà để đánh giặc. Khi đánh về tới huyện Sóc Sơn thì cây tre bị dập nát, bông lên và nhuộm với màu vàng của quả dành dành rất đẹp".

Để tưởng nhớ công ơn của Ngài vào mỗi dịp Xuân về, dân làng Vệ Linh (xã Phù Linh) lại làm ra những bông hoa bằng tre, lấy quả dành dành trên núi nhuộm vào phần tơ bông tạo nên hàng ngàn những bông hoa tre tuyệt đẹp để dâng lên đức Thánh Gióng, cầu mong Ngài phù hộ, độ trì cho nhân dân sức khỏe, phúc lộc…

Nghệ nhân kéo thanh tre thành bông hoa ở phố đi bộ Hà Nội - 2

Vợ chồng ông Phạm Văn Thanh (Phù Linh, Sóc Sơn) biểu diễn làm giò hoa tre ở phố đi bộ Hồ Gươm.

Bà Nguyễn Thị Thêu chia sẻ: "Từ lúc còn nhỏ tôi đã ngồi xem ông bà, bố mẹ làm những bông hoa tre này, tôi tập làm và đến năm 18 tuổi thì thuần thục và được truyền lại nghề.

Gia đình tôi rất vinh dự vì được Ban quản lý di tích giao cho việc làm những bông hoa tre này hàng năm. Năm vừa rồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dù không tổ chức phần hội nhưng chúng tôi vẫn làm hàng nghìn bông hoa tre để dâng lên Thánh".

Nghệ nhân kéo thanh tre thành bông hoa ở phố đi bộ Hà Nội - 3
Theo ông Thanh, để làm nên những bông hoa tre thì phải chọn những cây tre bánh tẻ, không bị kiến đục, cọc ngọn, tre phải dài, mượt, óng.
Nghệ nhân kéo thanh tre thành bông hoa ở phố đi bộ Hà Nội - 4
Sau khi kéo thành hoa sẽ được nhuộm vàng bằng quả dành dành lấy trên núi.
Nghệ nhân kéo thanh tre thành bông hoa ở phố đi bộ Hà Nội - 5
Vợ chồng ông Thanh là thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp nối công việc làm giò hoa tre.
Nghệ nhân kéo thanh tre thành bông hoa ở phố đi bộ Hà Nội - 6
Mọi người có thể cắm bông hoa tre này vào các lọ lục bình hoặc để trên bàn thờ gia tiên.
Nghệ nhân kéo thanh tre thành bông hoa ở phố đi bộ Hà Nội - 7
Người dân và du khách tỏ ra thích thú khi biết về nguồn gốc và ý nghĩa của giò hoa tre này.