Nghệ nhân cuối cùng giữ gìn di sản Chầm riêng Chà pây

(Dân trí) - Nghệ thuật chầm riêng Chà pây của đồng bào dân tộc Khmer vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồng bào dân tộc khmer tỉnh Trà Vinh chỉ mỗi nhất nghệ nhân Thạch Mâu biết đàn, hát Chầm riêng Chà pây để truyền dạy cho con cháu.

Nghệ nhân Thạch Mâu đang biểu diễn Chầm riêng Chà pây.
Nghệ nhân Thạch Mâu đang biểu diễn Chầm riêng Chà pây.

Đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định nghệ thuật Chầm riêng Chà pây xuất hiện từ khi nào mà  chỉ biết phổ biến nhất là cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong cộng đồng đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ. Hiện nay, nghệ thuật này đang dần mai một.

 Các nghệ nhân biểu diễn Chầm riêng Chà pây phải biết đàn và hát theo kiểu độc tấu, người bình thường phải học suốt mấy năm liền mới có khả năng sử dụng nhạc cụ, sáng tác bài hát nên rất khó để phổ biến rộng rãi. Tại các tỉnh Nam bộ rất ít người biết đàn, hát Chầm riêng Chà pây nhưng hầu hết đều tuổi cao khó có thể truyền dạy cho thế hệ con cháu.

Tại tỉnh Trà Vinh, nghệ nhân Thạch Mâu (SN 1936 ngụ ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú) là người duy nhất biết đàn, hát Chầm riêng Chà pây. Nghệ nhân Thạch Mâu học đàn, hát loại hình nghệ thuật độc đáo này năm 14 tuổi và đi khắp nơi để biểu diễn trong giao đoạn kháng chiến chống Mỹ.

Nghệ nhân Thạch Mâu kể lại: “Lúc đó rất nhiều người trong cộng đồng dân tộc Khmer biết đàn, hát Chầm riêng  Chà pây. Hễ có đám cưới, đám hỏi hay lễ lớn của đồng bào là được mời tới để đàn, hát”.

Bề mặt đàn Chà pây được làm bằng gỗ lụa mềm, chính giữa có khoét lỗ nhỏ để tiếng đàn được êm
Bề mặt đàn Chà pây được làm bằng gỗ lụa mềm, chính giữa có khoét lỗ nhỏ để tiếng đàn được êm

Theo nghệ nhân Mâu, để biểu diễn người ta sử dụng duy nhất loại đàn Chà pây được làm từ gỗ mít, mặt gỗ lụa có 2 dây với 12 phím để đàn. Trong đó, mặt đàn phải làm bằng gỗ lụa chính giữa có khoét lỗ nhỏ để tiếng đàn được êm, sâu lắng. Người học đàn phải học qua các điệu thức là: Phát chây, Phát chây cớt, Som phôn, Som phôn cớt, Ang kô reach chơn prây srây, Ang kô reach chơn prây rốs rồi sau đó mới học sáng tác những bài hát tự sự, trữ tình tùy theo ngữ cảnh của buổi biểu diễn. Việc học sáng tác này là khó khăn nhất vì tùy theo ngữ cảnh để ứng biến lời ca, tiếng hát sao cho vần điệu và vốn kiến thức phải hết sức phong phú. Vì vậy trong cộng động rất hiếm người biết vừa đàn, hát Chầm riêng Chà pây.

Cây đàn Chà pây cổ quý hiếm của nghệ nhân Thạch Mâu
Cây đàn Chà pây cổ quý hiếm của nghệ nhân Thạch Mâu

Ông Đặng Công Uẩn, cán bộ văn hóa xã Tân Hiệp cho biết: “Sau khi nghệ thuật Chầm riêng Chà pây được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã có kế hoạch để nghệ nhân Thạch Mâu truyền dạy loại hình nghệ thuật độc đáo này cho thế hệ con cháu tránh nguy cơ mai một, mất hẵn”. 

Bản thân nghệ nhân Thạch Mâu cũng có tâm huyết truyền dạy để lưu giữ loại hình nghệ thuật này cho đồng bào mình. Hiện tại, người con của nghệ nhân Thạch Mâu là Thạch Sarat, 48 tuổi đã biết đàn sau thời gian dài được cha truyền dạy. Tuy nhiên, việc sáng tác, ứng biến trong các buổi biểu diễn thì nhiều năm nữa mới có thể học được.

 Nghệ nhân Thạch Mâu chia sẻ: “Bây giờ đám tiệc của đồng bào dân tộc Khmer chỉ toàn mướn dàn nhạc hiện đại có loa điện đánh ầm ĩ ngày đêm nên người ta dần quên tiếng đàn, lời hát Chầm riêng Chà pây. Nếu không nhanh chóng truyền dạy thì mai mốt thế hệ con cháu chẳng ai còn biết loại hình nghệ thuật độc đáo của cha ông nữa. Bởi vì hiện nay, những người biết Chầm riêng Chà pây rất hiếm và hầu hết đã già”.

Minh Giang