Nghe chuyện của “người duy nhất sống sót” sau tai nạn máy bay
(Dân trí) - Ngồi trên chuyến bay tử thần và sau đó trở thành người duy nhất sống sót trong một vụ tai nạn thảm khốc... Thế giới có tới 14 người đã trải qua những câu chuyện như thế. 4 người trong số họ sẽ xuất hiện trong bộ phim tài liệu "Người duy nhất sống sót".
Điều kỳ diệu xảy ra với người duy nhất sống sót
Được tìm thấy với những vết sưng tấy, bầm giập khắp người, phản ứng đầu tiên của anh George Lamson sau khi hồi tỉnh là nở một nụ cười thật rộng và nói rằng: “Tôi cảm thấy tuyệt vời”. Ngay cả sau này, khi xuất hiện tại những cuộc họp báo hay chương trình truyền hình, anh vẫn luôn khẳng định như vậy.
Vụ tai nạn máy bay của Lamson xảy ra vào năm 1985, một chuyến bay nội địa từ thành phố Reno, bang Nevada đến thành phố Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ). Khi đó, Lamson mới 17 tuổi.
Chuyến bay định mệnh đó đã cướp đi sinh mạng của 70 hành khách, trong đó có cả cha của Lamson. Khi phi hành đoàn thông báo máy bay đã mất kiểm soát và đang lao xuống mặt đất, tất cả hành khách đều hốt hoảng, Lamson co chân lên áp sát ngực. Khi máy bay rơi xuống đất, Lamson bị hất văng lên mặt đường cao tốc cùng những mảnh vỡ từ xác chiếc máy bay.
Cho tới hôm nay, Lamson là một trong số 14 người đặc biệt “cao số” trên thế giới này, họ là những người duy nhất sống sót trong những vụ tai nạn máy bay. Đó vừa là phép màu, điều kỳ diệu nhưng cũng vừa là nỗi ám ảnh, gánh nặng tâm lý đối với người sống sót. Đa số họ đều là những thanh niên còn rất trẻ.
Trong bộ phim tài liệu có tên “Sole Survivor” (Người duy nhất sống sót - 2013), đạo diễn Ky Dickens đã tiếp cận được với 4 trong số 14 người đặc biệt này để nghe họ kể lại câu chuyện cuộc đời mình.
Bên cạnh nhân vật George Lamson còn có cô bé người Pháp Bahia Bakari 14 tuổi. Năm 2009, Bakari đã trải qua 9 tiếng đồng hồ lênh đênh trên Ấn Độ Dương, cô bé bám lấy một mảnh vỡ từ chiếc máy bay và may mắn được đội cứu hộ tìm thấy. 152 người còn lại trên chuyến bay đều thiệt mạng, trong đó có cả mẹ của Bahia Bakari.
Nhân vật thứ 3 trong phim là cô bé người Mỹ Cecelia Cichan. Năm 1987, khi đó Cichan mới 4 tuổi. Cả gia đình em gồm bố, mẹ và anh trai đã qua đời đời trong chuyến bay định mệnh từ thành phố Romulus, bang Michigan tới thành phố Phoenix, bang Arizona (Mỹ). Tổng cộng 156 người đã thiệt mạng trong chuyến bay định mệnh.
Nhân vật cuối cùng trong phim là anh Jim Polehinke, phi cơ phó trên chuyến bay từ thành phố Lexington, bang Kentucky tới thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ). Vụ tai nạn xảy ra năm 2006 đã khiến 49 người thiệt mạng còn Polehinke bị liệt vĩnh viễn.
Gánh nặng tâm lý đối với người duy nhất sống sót
Trở lại với nhân vật đầu tiên - anh George Lamson, giờ đây, sau 28 năm, Lamson đã có cách nhìn bình thản hơn về vụ việc năm xưa. Anh đang cố gắng liên hệ với 13 người đồng cảnh ngộ trên khắp thế giới để có thể cùng họ chia sẻ về những trải nghiệm năm xưa.
Theo Lamson, sau khi trải qua một sự việc như thế này, những chấn thương tâm lý mới thật đáng ngại. Anh không biết 13 người còn lại đã hoàn toàn bình phục hay chưa và nếu chưa, anh sẵn sàng giúp đỡ họ.
Cô bé người Pháp Bakari đã từng chống chọi gần 9 tiếng đồng hồ trên Ấn Độ Dương trong đêm tối, nhờ vậy, em không biết rằng những người xung quanh đều đã chết. Ban đầu, em đã tưởng rằng mọi người đều sống sót. Nói về Bakari, người ta đều nhấn mạnh vào “điều kỳ diệu”, chỉ có cha em hiểu hết những gì con gái đã phải chịu đựng. Ông cho rằng đó là “số phận”.
Bộ phim “Sole Survivor” khai thác khía cạnh “tội lỗi” trong tâm khảm của bốn nhân vật chính. Những người xung quanh đều nghĩ rằng sinh mệnh của họ được cứu vớt vì một lý do đặc biệt nào đó, có lẽ họ mang trong mình một sứ mệnh quan trọng. Điều này khiến người trong cuộc càng nặng nề.
Lamson chia sẻ: “Tôi cảm thấy như thể tôi đang mang nợ mạng sống của mình. Tôi sợ làm những người xung quanh thất vọng”.
Cảm giác “tội lỗi” đặc biệt hiện rõ ở anh Jim Polehinke, phi cơ phó trên chuyến bay định mệnh năm 2006. Anh luôn cảm thấy vụ tai nạn xảy ra là do trách nhiệm của mình. Vợ của Polehinke cho biết: “Chồng tôi chỉ ước rằng anh ấy đã chết. Anh ấy sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để chết theo những nạn nhân trên chuyến bay còn hơn là sống sót và bị liệt như thế này”.
Điều khổ sở hơn cho Polehinke là gia đình các nạn nhân vẫn không ngừng chỉ trích, trách móc anh dù nguyên nhân của vụ tai nạn thảm khốc đã được khẳng định từ lâu là bởi trạm kiểm soát dưới mặt đất đã cung cấp thông tin sai về đường băng mà máy bay sẽ hạ cánh.