“Nghe” bánh Trung thu kể chuyện ân tình

(Dân trí) - Bánh Trung thu có vỏ bánh bọc lấy các loại nhân. Hình ảnh bao bọc, lớp lang trong ngoài thể hiện tình cảm gắn bó, bao bọc lẫn nhau. Nguyên liệu làm bánh Trung thu đều là những sản vật nông nghiệp thân quen, nên đây được coi là thứ bánh dân dã.

 

“Nghe” bánh Trung thu kể chuyện ân tình - 1

Tết Trung thu bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước. Khi tiết trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, người nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa lao động vất vả. Tết Trung thu ở các nước Á Đông đã có từ cả ngàn năm trước. Hình ảnh về Tết Trung thu của người Việt đã được minh họa bằng những họa tiết xuất hiện trên trống đồng Ngọc Lũ.

Tết Trung thu trong văn hóa truyền thống Á Đông có 3 nét nghĩa lớn. Trước hết, là dịp để người thân, bạn bè hội ngộ, đoàn viên. Thứ hai, Rằm Trung thu không chỉ là dịp để người sống vui hưởng một vụ mùa vừa thu hoạch, mà còn là lúc để sắm sửa đồ lễ, cúng dâng gia tiên, tạ ơn vì một vụ mùa đã qua. Cuối cùng, đây còn là dịp để người ta cầu mong những điều tốt đẹp cho ngày sau, khi quá nửa năm đã trôi qua, nhưng vẫn còn vài tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán.

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung thu, cha mẹ bày cỗ cho các con “phá cỗ”, mua lồng đèn thắp nến để các con rước đèn. Cỗ Trung thu gồm bánh Trung thu, kẹo, mía, bưởi, hồng và các thức hoa quả khác đặc trưng của mùa thu.

“Nghe” bánh Trung thu kể chuyện ân tình - 2

Dịp Tết Trung thu có nhiều món đồ chơi truyền thống như mặt nạ giấy bồi, tò he, đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn lồng, đèn cù, trống gỗ… Đây là dịp để cha mẹ thể hiện tình thương yêu, chăm sóc cho niềm vui tuổi thơ của con.

Ngoài ra, Trung thu là dịp sum vầy, đoàn tụ gia đình, là dịp bày tỏ lòng tri ân đối với những người có công ơn với ta. Trong dịp Tết này, món quà đem biếu tặng không xa hoa, cầu kỳ mà gói trọn những ý niệm đẹp đẽ gửi gắm trong chiếc bánh Trung thu. Đây là thức quà thơm thảo thể hiện những ý nghĩa sâu xa, đậm đà văn hóa Á Đông.

Bánh Trung thu cũng giống như bánh chưng, đều có vỏ bánh bọc lấy các loại nhân. Hình ảnh bao bọc, lớp lang trong ngoài thể hiện tình cảm gắn bó, bao bọc lẫn nhau. Nguyên liệu làm bánh Trung thu đều là những sản vật nông nghiệp thân quen, nên đây được coi là thứ bánh dân dã

“Nghe” bánh Trung thu kể chuyện ân tình - 3

Ngoài bánh Trung thu hình vuông, hình tròn, còn có bánh Trung thu kiểu lợn mẹ - lợn con, tượng trưng cho tình thân gắn bó và khát vọng sinh sôi nảy nở, hay bánh hình cá chép với ngụ ý nhắc nhớ về truyền thuyết “cá chép hóa rồng”…

Tuy vậy, bánh Trung thu hình tròn có lẽ là đúng nhất với ý nghĩa của dịp Tết Trung thu, bởi hình bánh tròn gợi nhớ tới mặt trăng, ngoài ra, theo quan niệm truyền thống Á Đông, Tết Trung thu là Tết “đoàn - viên” (“đoàn” là đoàn tụ, “viên” gợi nhắc tới hình tròn).

Tết Trung thu, giữa tiết trời thanh mát, lòng người dọn bớt ngổn ngang, lắng trong lại để ngồi bên nhau thưởng trăng, thưởng trà, ăn miếng bánh Trung thu thơm thảo trong đêm Rằm đẹp nhất năm.

Ngày Rằm, con cháu sẽ dâng bánh Trung thu lên bàn thờ gia tiên. Con cái đã thành gia thất trở về thăm ông bà, cha mẹ để biếu món bánh tinh túy.

“Nghe” bánh Trung thu kể chuyện ân tình - 4

Trong văn hóa truyền thống của nước láng giềng Trung Quốc, bánh Trung thu ban đầu là lễ vật để tế mặt trăng. Để cầu cho mưa thuận gió hòa, các vị hoàng đế Trung Quốc thường dâng lễ vật lên mặt trời vào mùa xuân và mặt trăng vào mùa thu. Bánh Trung thu là một trong những thức chính để dâng lên mặt trăng.

Dần dần, nhân gian cũng muốn thể hiện tấm lòng thành kính của riêng mình đối với đất trời, tổ tiên, nên mỗi nhà cũng tự chuẩn bị bánh Trung thu để cúng dâng. Tục lệ này đã được lưu truyền nhiều đời và trở thành một nét đẹp văn hóa - ẩm thực không thể tách rời khỏi dịp Tết Trung thu.

Chiếc bánh Trung thu tượng trưng cho sự gắn bó, đùm bọc trong gia đình, đã phản ánh nét đẹp văn hóa trong đời sống người Á Đông, để thấy vai trò quan trọng của gia đình trong tiềm thức mỗi người. Tết Trung thu có vẻ đẹp riêng đối với từng giai đoạn trong đời người, khi còn nhỏ, khi lớn khôn, khi thành gia thất, và cả khi đã “bách niên giai lão”.

Bánh Trung thu trải qua chiều dài văn hóa - lịch sử đã không còn đơn thuần là một thức ẩm thực, hơn thế, nó đã trở thành một biểu tượng văn hóa in dấu sâu đậm trong tâm khảm mỗi người. Một thức quà hiện hữu nhưng gửi gắm biết bao ý niệm, cảm xúc đẹp đẽ. Bánh Trung thu chính là một trong những nét ẩm thực đặc trưng, gắn liền với nét đẹp văn hóa.

Ở Nhật Bản, bánh Trung thu của được làm từ bột gạo nếp, nặn thành hình tròn, màu trắng.
Ở Nhật Bản, bánh Trung thu của được làm từ bột gạo nếp, nặn thành hình tròn, màu trắng.

Tết Trung thu ở Nhật được gọi là “Tsukimi” hoặc “Otsukimi” nghĩa là “ngắm trăng”, cũng diễn ra vào đúng ngày Rằm tháng 8 khi trăng tròn nhất, sáng nhất. Ngoài ra, người Nhật còn có Tết trăng khuyết thường được tổ chức vào ngày 13 tháng 9 âm lịch.

Các đồ cúng lễ truyền thống của người Nhật trong ngày này có một vài nhánh lúa và rơm khô hái về cắm vào bình hoặc treo trong nhà, cũng có thể đem tết lại thành những đồ trang trí nhỏ xinh mà người Nhật là “susuki”. Bánh Trung thu của họ là bánh nếp, viên bánh tròn màu trắng trong tượng trưng cho vầng trăng, được gọi là “Tsukimi dango”.

Cũng với quan niệm “mùa nào thức nấy”, người Nhật không quên cúng dâng những thức ẩm thực đặc trưng của mùa thu lên bàn thờ gia tiên. Khoai lang thường được cúng trong ngày lễ trăng tròn còn đậu đỗ và hạt dẻ thường được cúng trong lễ trăng khuyết.

Ngoài ra, một bát mì soba nấu với rong biển, trứng và nước thịt là món ăn đặc trưng truyền thống trong lễ hội trăng Rằm của người Nhật. Trên phố, trong những ngày này, người ta thường bán bánh mì trứng với hình ảnh quả trứng rán lên tròn trịa, vàng rộm giống như vầng trăng.

Ở Hàn Quốc, bánh Trung thu là những chiếc bánh gạo hình bán nguyệt.
Ở Hàn Quốc, bánh Trung thu là những chiếc bánh gạo hình bán nguyệt.

Ở Hàn Quốc, Tết Trung thu có tên gọi “Chuseok” hoặc “Hangawi” nghĩa là “Trung thu tuyệt vời”. Trong dịp Tết này, món bánh đặc trưng nhất là bánh gạo “songpyeon”. Bánh “songpyeon” hình bán nguyệt hoặc hình lưỡi liềm nặn bằng bột gạo, đem hấp với lá thông kim. Ngoài ra còn có miến trộn “japchae”, bò nướng “bulgogi” và các thức hoa quả khác của mùa thu.

Trong đêm Rằm, người ta uống rượu gạo “sindoju” hoặc “dongdongju”. Trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, Tết Trung thu là một dịp lễ quan trọng, để người đi xa quay về thăm nhà, thăm phần mộ tổ tiên.

Ở Trung Quốc, bánh Trung thu chia sẻ nhiều nét tương đồng với bánh của người Việt.
Ở Trung Quốc, bánh Trung thu chia sẻ nhiều nét tương đồng với bánh của người Việt.

Tết Trung thu tại Trung Quốc lấy hai biểu tượng chính là chị Hằng và thỏ ngọc trên cung trăng. Người Việt có thêm truyền thuyết về chú Cuội, cây đa. Về cơ bản, Tết Trung thu của họ không khác nhiều so với Tết Trung thu của người Việt, họ cũng thường ăn bánh trung thu, nhưng chủ yếu chỉ có bánh nướng.

Người Trung Quốc thường treo đèn lồng trước cửa nhà và trên phố dịp Tết Trung thu. Trong đêm Rằm, người ta thả đèn hoa đăng trên sông, thả đèn lồng Khổng Minh lên trời, để cầu may mắn, hạnh phúc đến với gia đình mình. Họ cũng có lễ rước đèn dành cho trẻ em, múa lân sư rồng và chú tễu nhảy múa trên phố.

Bích Ngọc
Tổng hợp

“Nghe” bánh Trung thu kể chuyện ân tình - 8