Ngày Xuân về Cổ Đạm nghe hát ca trù

(Dân trí) - Ở Hà Tĩnh có một làng quê được coi là “đất tổ” của ca trù. Dù đã trải qua bao biến động thăng trầm lịch sử, nhưng ca trù vẫn giữ được vị thế của mình, nó vẫn làm say đắm lòng người giữa miền đất gió Lào và cát trắng.

Ngày Xuân về Cổ Đạm nghe hát ca trù
Nghệ nhân ca trù cụ Hà Thị Bình (bên trái) và cụ Trần Thị Gia (bên phải) - năm nay đã 90 tuổi nhưng với các cụ thì ca trù sẽ vẫn mãi như một phần không thể thiếu trong cuộc đời của các cụ (Ảnh: Ngọc Tú).
 
Cổ Đạm … vùng “đất tổ” ca trù

Đến mảnh đất Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) những ngày đầu xuân 2013 - nơi mà xưa nay được coi là "đất tổ" của ca trù. Là cái nôi của những làn điệu đã làm ngây ngất lòng người, ta có thể dễ dàng cảm nhận được đây ca trù ở đây nó như ngấm vào máu, vào thịt mỗi người dân. Từ những đứa bé mới lớn, cho đến những người trưởng thành và cả những cụ già vẫn có lòng đam mê, yêu những làn điệu “ứ hự” mượt mà, những câu ca sâu lắng mà triết lý của ca trù.

Ngày Xuân về Cổ Đạm nghe hát ca trù
Cụ Gia, tuổi đã cao nhưng giọng hát của cụ vẫn mượt mà và êm ái như những “Đào” đương thì xuân sắc (Ảnh: Ngọc Tú).

Ca trù là một loại hình nghệ thuật tổng hợp vừa đàn, vừa hát, vừa ngâm thơ…, vừa mang tính chất dân gian, vừa mang tính bác học. Ở mỗi địa phương, ca trù được gọi bằng các tên gọi khác nhau như: hát Cửa đình, hát Nhà tơ, hát Cô đầu, hát Nhà trò, hát Cửa quyền… còn ở mảnh đất Cổ Đạm - ca trù được gọi là hát Ả đào.

Theo sử sách cha ông để lại, từ thế kỷ 16 ở mảnh đất Cổ Đạm này, hình thức nghệ thuật ca trù đã bắt đầu có và hình thành nên phường giáo ty Cổ Đạm. Và đến thời kỳ phát triển hưng thịnh, Cổ Đạm đã xây dựng Điện xứ ca trù, trở thành trung tâm ca trù của 4 phủ, 12 huyện Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây còn là một trong những giáo phường thuộc vào loại lớn nhất của nước ta thời bấy giờ.
Những nghệ nhân ca trù trên mảnh đất Nghi Xuân - Hà Tĩnh (Ảnh: Ân Duy)
Những nghệ nhân ca trù trên mảnh đất Nghi Xuân - Hà Tĩnh (Ảnh: Ân Duy)

Ngày nay, ca trù không riêng gì ở Cổ Đạm mới có, nhưng mỗi vùng miền khác nhau, ca trù lại có những nét đặc trưng tạo nên sự riêng biệt cho mỗi vùng miền. Ở Cổ Đạm, ca trù thường được hát nhanh, tiết tấu rõ hơn, không luyến láy, ngừng nghỉ nhiều như ở các vùng miền khác. Cách đệm đàn, trống, phách cũng có những nét rất riêng biệt. Phách ở đây đánh chìm, đánh lửng trong khi phách ở các nơi khác đánh nổ, giòn và ngắn gọn hơn. Cũng chính vì thế mà Đào (ca nương - PV) ở vùng nào thì Kép đàn cũng phải ở vùng đó thì mới có thể hát được.

Thông thường, mỗi lần biểu diễn hát ca trù gồm có 3 người: bao gồm 1 người hát là nữ được gọi là ca nương; Người đệm đàn đáy cho người hát được gọi là kép đàn; Một người đánh trống chầu, được gọi là quan viên, người này kiêm luôn người thưởng thức để thưởng hay phạt cho người hát. Nếu quan viên đánh trống tiếng “tùm” thì có nghĩa là khen hay, nếu không hài lòng hay ca nương hát lỗi thì quan viên đánh trống 1 tiếng “chát”.

Lúc biểu diễn, ca nương ngồi trên chiếu ở giữa, kép đàn và quan viên ngồi lệch sang hai bên. Nhạc cụ để biểu diễn gồm có phách, đàn đáy và trống chầu. Trang phục để các ca nương, kép đàn và quan viên mặc biểu diễn là áo dài cổ truyền màu đen hoặc màu nâu.

Những nghệ nhân ca trù tuổi “thập cổ lai hy”

Hiện nay, ở mảnh đất Cổ Đạm, các cụ nghệ nhân hát ca trù xưa còn lại rất ít, tiêu biểu như: cụ Hà Thị Bình, Trần Thị Gia, Hà Thị Lý, Phan Thị Nga năm nay các cụ đã ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy. Nhưng chính họ là những người đầu tiên phát triển phong trào hát ca trù, kêu gọi con cháu tham gia tập hát. Họ cũng chính là những con người truyền lại ngọn lửa ca trù cho các con cháu, cho thế hệ trẻ bây giờ.
Các nghệ nhân trong CLB ca trù Nguyễn Công Trứ trên mảnh đất Nghi Xuân (Ảnh: Ân Duy).
Các nghệ nhân trong CLB ca trù Nguyễn Công Trứ trên mảnh đất Nghi Xuân (Ảnh: Ân Duy).

Cụ Hà Thị Bình (ở xóm 4, xã Cổ Đạm) năm nay đã tròn 90 tuổi, cụ được coi là một trong những nghệ nhân xưa hát ca trù giỏi và hay nhất ở Cổ Đạm. Năm 17 tuổi, đào Bình đã thuộc và hát được gần 30 làn điệu ca trù, rồi theo các chị, các anh trong làng đi biểu diễn khắp mọi nơi trong vùng Xứ Nghệ.

“Từ bé tôi đã được các O dạy học hát ca trù. Năm 17 tuổi là tôi đã bắt đầu đi biểu diễn cho các vua quan, ở các nhà hát, các lễ hội… Nhớ lại cái ngày ấy mà vui sướng biết bao, giờ thì già rồi, lớp trẻ ngày nay cũng không còn mấy mặn mà về ca trù như ngày xưa nữa, nghĩ cũng thấy buồn”, cụ Hà Thị Bình, nhớ lại những ngày đầu tiên được học ca trù từ truyền thống cha ông để lại.
 
 
Ngay cạnh nhà cụ Bình là nghệ nhân ca trù Trần Thị Gia (90 tuổi), tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng tiếng hát của cụ vẫn mượt mà và đầm ấm, thanh thoát mà sâu lắng vào lòng người. Xa xa nghe tiếng hát của cụ Gia, có lẽ ai cũng nghĩ đó là một đào nương đang thì xuân sắc, mà ít ai biết rằng đó là giọng ca của một cụ lão đã ở cái tuổi thập cổ lai hy.

Nhà cạnh nhau, hằng ngày hai cụ vẫn thường xuyên ngồi với nhau để ngâm lên những làn điệu ca trù, rồi sáng tác ra những bài thơ để tạo nên những bài ngâm thơ ca trù mới mẻ. Rồi những ngày lễ tết, lễ hội, mừng thọ các bà lại có dịp để biểu diễn những làn điệu ca trù cho lớp trẻ.

Cụ Gia chia sẻ: “Để học được ca trù rất khó, vì ca trù rất phong phú về làn điệu cũng như các thể cách. Ví dụ như các bài Tì Bà, Xích bích rồi các bài múa Tứ Quý rất là khó học. Bài Tì Bà có đến 36 làn, lúc lên, lúc xuống. Bài múa Tứ Quý cũng rất khó, nó có đến 600 điệu múa khác nhau.
 
Các nghệ nhân trong CLB ca trù Nguyễn Công Trứ biểu diễn ca trù (Ảnh: Ân Duy).
Các nghệ nhân trong CLB ca trù Nguyễn Công Trứ biểu diễn ca trù (Ảnh: Ân Duy).
 
Để học được ca trù này, đòi hỏi người học phải có năng khiếu và phải thực sự có tâm huyết, đam mê với nó thì mới học được. Mà giờ thế hệ trẻ bây giờ hát không được như các cụ ngày xưa nữa”. Trên 70 năm hát ca trù, với cụ Gia có lẽ đã góp nhặt được tất cả các yếu tố kỹ thuật và xúc cảm đủ cho một giọng đào nương thuần thục, đi vào lòng người.

Đầu những năm 1998, với tâm nguyện không để cho ca trù được thất truyền, mai một, cụ cùng các nghệ nhân khác đã tự đứng ra vận động các cháu, mọi người trong làng học hát ca trù để giữ lại nên văn hóa xưa. Cuối năm 1998, Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm được thành lập để tiện cho việc sinh hoạt và truyền dạy ca trù của các cụ nghệ nhân.

Lúc đầu câu lạc bộ chỉ có hơn 20 thành viên theo học, nhưng nhờ sự nhiệt tình tâm huyết chỉ bảo của các nghệ nhân, số người theo học tại câu lạc bộ dần tăng lên. Hiện tại CLB ca trù Cổ Đạm có gần 40 thành viên bao gồm 4 thế hệ. Thế hệ thứ nhất là các cụ nghệ nhân gần 90 tuổi. Thế hệ thứ 2 là thê hệ kế cận từ 30-50 tuổi. Thế hệ thứ 3 là lớp trẻ từ 20-30 tuổi và thế hệ thứ 4 là các cháu nhỏ từ 10-20 tuổi.
 
 

Tiết mục biểu diễn ca trù của CLB Nguyễn Công Trứ (Ân Duy thực hiện)
 
Giữa năm 2005, tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2005 lần thứ nhất được tổ chức tại khu di tích Nguyễn Du, CLB ca trù Cổ Đạm đã đoạt 3 huy chương vàng. Ngoài ra các cụ còn nhận được nhiều giải thưởng và bằng khen khác. Đến đầu năm 2010, cụ Gia và cụ Bình đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ca trù. Với những giá trị nghệ thuật đặc sắc, thấm đượm tinh thần dân tộc, ngày 01/10/2009, UNESCO đã chính thức công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của thế giới.
 
Tuy tuổi đã già nhưng những người như cụ Bình, cụ Gia thì tình yêu và lòng đam mê với ca trù sẽ không bao giờ "già". Ca trù với những nghệ nhân này - nó vẫn như một phần không thể thiếu trong cuộc đời của các cụ. Dù ở bất cứ nơi đâu, nhưng những người con sinh ra nơi vùng đất Cổ Đạm đầy nắng gió này vẫn luôn cố gắng để gìn giữ những làn điệu “ứ hự” mượt mà, sâu lắng của ca trù. Để tiếng hát ca trù vẫn mãi được cất lên, vẫn êm đềm và tồn tại bền bỉ trên mảnh đất gió Lào và cát trắng.

Ngọc Tú - Ân Duy