Ngày giỗ vắng lặng của Trịnh Công Sơn trong thời điểm cả nước cách ly

(Dân trí) - Hôm nay, 1/4/2020, tròn 19 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời “cõi tạm”. Bao nhiêu năm ông đi xa là bấy nhiêu năm người yêu nhạc vẫn thương nhớ, vẫn hoài niệm về ông.

Âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn "cuồn cuộn" chảy

Những năm trước, cứ hễ đến dịp này, mộ của ông ở Nghĩa trang Gò Dưa toạ lạc tại phường Bình Chiểu, Q. Thủ Đức, TP.HCM lại tấp nập người đến viếng thăm, tưởng nhớ về ông. Có nhiều người còn ở lại đây cả đêm, họ thắp nến, hát ca và thả hồn theo mây gió.

Ngày giỗ vắng lặng của Trịnh Công Sơn trong thời điểm cả nước cách ly - 1

Tranh vẽ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly của hoạ sĩ Lê Sa Long trong triển lãm "Lời thiên thu gọi".

Theo ông Nguyễn Trung Trực - em rể nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì năm nay vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên gia đình tổ chức ngày giỗ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo kiểu gia đình. Các đêm nhạc dự định tổ chức tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM), Festival Huế hay Bắc Ninh đều đã bị huỷ.

Mỗi năm, vào ngày giỗ 1/4, gia đình ông cũng thường tổ chức buổi lễ nhỏ tại nhà, mở cửa cho những khán giả yêu mến nhạc Trịnh đến thăm ngôi nhà Trịnh Công Sơn ở 47C Phạm Ngọc Thạch - TP.HCM. Tuy nhiên, năm nay cũng không thực hiện được vì dịch bệnh.

“Năm nay, chúng ta nhớ Trịnh Công Sơn theo cách riêng của mỗi người vì ngoài kia cả thế giới đang phải đối đầu với một cơn đại dịch chưa hề xảy ra trong lịch sử loài người. Và “Hãy yêu như đang sống và hãy sống như đang yêu”, ai ở chỗ nào, ngồi yên chỗ đó. Dù khá tiếc vì nhiều chương trình bị huỷ nhưng gia đình chúng tôi vẫn cảm thấy ấm áp vì nhiều người nhớ đến anh. Âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn chảy bất tận trong tâm thức của nhiều người yêu nhạc, đó là niềm vui lớn nhất”, ông Nguyễn Trung Trực nói.

Ông Nguyễn Trung Trực cho biết, 19 năm ngày giỗ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người yêu nhạc sẽ tưởng nhớ về ông qua các chương trình âm nhạc trực tuyến của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Đức Tuấn, CLB Trịnh Công Sơn tại Hà Nội và một cuộc triển lãm 32 bức tranh vẽ Trịnh Công Sơn mang tên “Lời thiên thu gọi”.

Ngày giỗ vắng lặng của Trịnh Công Sơn trong thời điểm cả nước cách ly - 2

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nét vẽ Lê Sa Long.

Những sự kiện này kết nối hình ảnh những người đã và đang trình bày những ca khúc nhạc Trịnh đến khán thính giả. Họ thể hiện những phong cách trình bày nhạc Trịnh đa dạng, thuộc nhiều thế hệ, tầng lớp khác nhau. Trong đó, có giọng hát của Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), có những người em trong nhóm Du ca hát những ca khúc Da vàng bất hủ, có saxophone Trần Mạnh Tuấn, có những diva nhạc Việt như: Hồng Nhung, Quang Dũng, Cẩm Vân….

Ngoài ra, còn có những ca sĩ trẻ biến tấu nhạc Trịnh mang phong cách đương đại như: Hà Lê - Bùi Lan Hương, có cặp đôi trẻ Hoàng Trang - Nguyễn Đông xuất thân từ hội quán Hội Ngộ hát nhạc Trịnh khi tuổi đời mới đôi mươi. Đặc biệt, có cả chân dung Đáng “Đao” - ông lão giang hồ hoàn lương ở Long Khánh “nặng nợ” với nhạc Trịnh.

Ca sĩ Đức Tuấn cũng chia sẻ, năm nay sẽ không có bất cứ một hoạt động nào diễn ra để kỷ niệm 19 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng anh sẽ livestream hát nhạc Trịnh vào lúc 21 giờ tối 1/4 để cùng mọi người tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài ba.

Trước đó, vào sáng 31/3 phiên bản mẫu bằng thạch cao tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ đặt tại bờ biển Quy Nhơn (Bình Định) cũng vừa mới hoàn thành.

 Triệu trái tim hoà một nhịp reo ca

Nhân dịp này, ca sĩ Tùng Dương cũng bày tỏ: “Những ca khúc viết về thân phận con người của Trịnh Công Sơn trước sự sống cái chết và nỗi tàn phai cũng chỉ là đi tìm cái hữu hạn của kiếp sống. Sự hiện diện của mỗi số phận bắt buộc phải đi qua một khoảng thời gian nào đó, do định mệnh an bài và cái không gian vô định phải nhận diện.

Ngày giỗ vắng lặng của Trịnh Công Sơn trong thời điểm cả nước cách ly - 3
Ngày giỗ vắng lặng của Trịnh Công Sơn trong thời điểm cả nước cách ly - 4

Những nét vẽ đầy sống động của Lê Sa Long về nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh.

Theo nhà Phật đó là nhân quả, là luân hồi, là sự sinh trưởng không ngơi nghỉ và biến hoá vô cùng để phát triển, tạo nên cái “nghiệp” cho số phận. Nên cái thân phận khốn khó mà mỗi kiếp người phải mang nặng, không nằm trong phạm trù riêng, nó trải rộng ra cả thế gian này với những sai biệt xuyên qua cung số. Cát bụi lại trở về cát bụi”.

Ông Nguyễn Bá Vương cũng cảm thán: “Kỷ niệm 19 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nghe bài hát trong thời điểm này thấy thật ý nghĩa. “...Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/ Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình/Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống/Vì đất nước cần một trái tim...” – trích từ bài hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Mọi người hãy ở yên lúc này, để tổ quốc có thể yên tâm vượt qua đại dich”.

Ca sĩ cẩm Vân bày tỏ: “Như đến hẹn, tháng Tư là ngày hội của giai điệu Trịnh Công Sơn, không ngoại lệ, tôi vẫn muốn hát. Thôi thì tự phá huỷ đi cái căng thẳng, lo âu mà đã 2 tháng nay đeo bám địa cầu này. “Níu tay nghìn trùng” -một ca khúc tuyệt vọng nhưng lạc quan đến lạ thường! Cứ yêu, cứ lãng mạn cho dẫu nếu một chiều kia thân nhẹ nhàng, về nguồn xưa rồi níu tay nằm bệnh”.

Trong khi đó, diva Hồng Nhung lại lan toả tình yêu thương tới các chiến sĩ, y bác sĩ bằng âm nhạc Trịnh Công Sơn. Theo đó, nữ ca sĩ đã thực hiện buổi livestream từ phòng thu của nhạc sĩ Vũ Quang Trung tại Mỹ để giới thiệu ca khúc mới cũng như ôn lại những kỷ niệm cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

“Hôm nay, 1/4, rất nhiều suy nghĩ trùng trong ngày mất cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung sẽ phát trực tiếp trên Facebook, chia sẻ những khó khăn toàn cầu hiện nay và tưởng nhớ tới cố nhạc sĩ đa tài gắn bó với Hồng Nhung”.

Hà Tùng Long