Ngẫm từ phim kể về giới thượng lưu: Đừng cố gắng bước vào giới siêu giàu
(Dân trí) - "Glass Onion" tạo sức hút lớn đối với người xem bởi chuyện phim xoay quanh thế giới của một tỷ phú. Phim cho thấy những góc nhìn thú vị xoay quanh thế giới người giàu.
"Glass Onion: A Knives Out Mystery" (2022) thuộc thể loại phim huyền bí, do đạo diễn Rian Johnson dàn dựng. Đây là phần phim tiếp theo của "Knives Out" (Kẻ đâm lén - 2019). Trong cả hai phần phim, tài tử người Anh Daniel Craig đều vào vai thám tử Benoit Blanc.
Trong "Glass Onion", thám tử Blanc sẽ điều tra về một vụ việc xoay quanh một tỷ phú công nghệ và những người bạn cũ của anh ta. Cả hai phần phim đều nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình và công chúng. Kịch bản và phong cách dàn dựng của đạo diễn Rian Johnson gây ấn tượng mạnh. Bên cạnh đó, diễn xuất của dàn diễn viên và âm nhạc trong phim cũng được đánh giá cao.
"Glass Onion" nằm trong top 10 phim xuất sắc nhất năm 2022, do Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnh Mỹ bình chọn. Hiện tại, phim nhận được hai đề cử tại giải Quả Cầu Vàng cho Phim ca nhạc hoặc phim hài hay nhất và Nam diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất trong phim ca nhạc hoặc phim hài (đề cử dành cho Daniel Craig).
"Glass Onion" tạo sức hút lớn đối với người xem bởi chuyện phim xoay quanh thế giới của một tỷ phú. Phim cho thấy những góc nhìn thú vị xoay quanh thế giới người giàu. Nhưng mức độ chân thực của chuyện phim đến đâu? Phim có phản ánh chính xác về thế giới thượng lưu hay không?
Về điều này, chuyên gia tâm lý người Mỹ Clay Cockrell đã có những chia sẻ chuyên sâu đầy thú vị. Trong lĩnh vực trị liệu tâm lý, ông Cockrell đi tiên phong trong liệu pháp "Walk and Talk Therapy" (tạm hiểu: liệu pháp đi bộ và nói chuyện).
Bài viết của chuyên gia tâm lý Clay Cockrell về giới siêu giàu đã được đăng tải trên mục ý kiến chuyên gia của tờ tin tức The Guardian (Anh). Bài viết thu hút sự quan tâm lớn với gần 800 lượt bình luận.
Chuyên gia tâm lý Clay Cockrell tự giới thiệu: "Tôi là chuyên gia tâm lý đã làm việc với giới siêu giàu. Hãy tin tôi khi tôi nói rằng bộ phim "Glass Onion" không hề xa vời như bạn nghĩ đâu. Điều buồn bã khủng khiếp nhất đến cùng với sự giàu có tột bậc chính là người ta không thể tin ai được nữa".
Cái mệt của người giàu
Chuyên gia Cockrell từng tư vấn tâm lý cho những người thuộc giới siêu giàu tại Mỹ. Khi xem bộ phim "Glass Onion: A Knives Out Mystery", ông cảm thấy bộ phim quá chân thực. Phim phản ánh đúng những điều mà ông đã cảm nhận thấy khi tiếp xúc với giới siêu giàu.
Trong khi đa số mọi người đều cảm thấy tò mò, hứng thú với thế giới siêu giàu. Ông Cockrell cho biết, dựa trên những trải nghiệm của chính ông trong quá trình trị liệu tâm lý cho những nhân vật siêu giàu, ông tự nhủ mình sẽ không bao giờ thử bước chân vào thế giới phức tạp ấy.
Đạo diễn Rian Johnson lấy bối cảnh cho bộ phim "Glass Onion" là trên một hòn đảo thuộc sở hữu của nhân vật tỷ phú trong phim - Miles Bron (diễn viên Edward Norton). Tỷ phú Miles mời bạn bè thân thiết cùng tới nghỉ dưỡng trên đảo rồi bày ra trò chơi phá án. Chuyện phim nghe có vẻ "ảo", nhưng chuyên gia Cockrell nhận định đây vốn không phải điều gì xa lạ với giới siêu giàu.
Điều mà ông Cockrell nhận thấy ở giới siêu giàu, đó là nhu cầu không ngừng gia tăng của họ. Những người siêu giàu đều muốn các sự kiện gặp gỡ, hội họp do họ đứng lên tổ chức phải gây choáng ngợp về tầm vóc, về mức độ hấp dẫn, tinh tế.
Họ không muốn trải qua một tiệc sinh nhật bình thường bên người thân và bạn bè, mà muốn mời một ban nhạc đình đám tới để đem lại niềm vui và sự phấn khích lớn. Họ không thích một tiệc Giáng sinh thân mật, ấm cúng bên người thân, mà muốn mời một danh ca tới đàn hát phục vụ trong tiệc cocktail vui nhộn, ồn ào...
Những nhu cầu của người thuộc giới siêu giàu không ngừng gia tăng, sau cùng, họ rơi vào vòng xoáy của việc không bao giờ biết đủ. Họ càng thực hiện được những sự kiện gây choáng ngợp, họ lại càng cảm thấy chưa hài lòng và muốn mình phải ấn tượng hơn nữa trong mắt những người xung quanh.
Chuyên gia Cockrell nhận định: "Hãy thử hình dung rằng bạn đã có tất cả mọi thứ mà người khác mong ước, nhưng bạn lại không thực sự vui vẻ với những gì mình có. Bạn không ngừng mong muốn có nhiều hơn nữa, mong đạt tới những nấc thang cao hơn nữa. Quả thực, sống như vậy rất mệt mỏi".
Nỗi buồn của người giàu
Theo chuyên gia Cockrell, bộ phim "Glass Onion: A Knives Out Mystery" còn khai thác chính xác nỗi buồn lớn nhất đi cùng với sự giàu có. Không ít người giàu thường có cảm giác rằng họ không còn tin ai được nữa. Những mối quan hệ xung quanh họ đều bị chi phối bởi quyền lực và tiền bạc mà họ sở hữu.
Trong bộ phim "Glass Onion", tỷ phú Miles luôn thể hiện sự tin tự tin, ngạo nghễ của mình, nhưng kỳ thực Miles cũng có những bất an. Anh ta hiểu rằng những người bạn chỉ có mặt tại kỳ nghỉ do anh đứng lên tổ chức bởi anh đang có sức ảnh hưởng đối với họ. Miles đang đầu tư vào doanh nghiệp của họ, hoặc đang giúp họ xử lý nợ nần, thoát khỏi khủng hoảng...
Mỗi người bạn có mặt bên Miles đều có một mối liên hệ nào đó với anh xét trên khía cạnh tiền bạc. Những mối quan hệ này không thực sự dựa trên tình cảm yêu mến chân thành hay sự cởi mở vô tư, thành thực. Thực tế ấy khiến tâm lý của Miles có những lúc bị dồn nén cực độ.
Những khách hàng giàu có từng tìm tới chuyên gia Cockrell trị liệu tâm lý cũng có chung cảm nhận này. Đa số họ đều chia sẻ rằng những người mà họ coi là bạn đều có sự e dè nhất định trong quá trình tương tác. Tất cả đều muốn làm hài lòng người bạn siêu giàu, vì tất cả cùng hiểu rằng nếu mối quan hệ bị xấu đi, sẽ có những lợi ích bị ảnh hưởng.
Hiện tượng này xuất hiện ngay cả với những người thân trong gia đình. Không ít người siêu giàu cảm thấy mệt mỏi vì bị người thân, họ hàng không ngừng tìm tới với những mục đích đã được vạch sẵn. Mọi tương tác, tiếp xúc đều chỉ nhằm phục vụ mục đích nào đó.
Khi những người siêu giàu không ngừng phải trải nghiệm những điều không vui trong các mối quan hệ với bạn bè và người thân, dần dần họ cảm thấy đề phòng với những người mới xuất hiện trong cuộc sống của mình. Vì vậy, người giàu rất khó có thể coi ai là bạn chân thành.
Suy nghĩ thường xuất hiện trong đầu những người siêu giàu là: Con người này muốn gì ở mình? Họ hứng thú với mình hay với tiền bạc, danh tiếng của mình? Đó vừa là vấn đề tâm lý cần trị liệu, nhưng cũng vừa là sự nghi ngờ đã được hình thành dựa trên cơ sở trải nghiệm thực tế.
Cảm thấy đề phòng trong những mối quan hệ mới sau khi cảm thấy thất vọng trong nhiều mối quan hệ cũ, các vị khách siêu giàu tìm tới chuyên gia Cockrell thường có tâm trạng cô đơn tột cùng. Để được an toàn và thoải mái, những người này thường chỉ thích giao lưu với những người cũng ở trong giới siêu giàu giống như mình.
Dù vậy, mọi chuyện không vì thế mà trở nên đơn giản, dễ chịu hơn, bởi thế giới siêu giàu cũng rất phức tạp. Thế giới ấy có những chuẩn mực, quy tắc và cả cạm bẫy, nhiều người đã không thể tồn tại lâu trong thế giới ấy.
Chuyên gia Cockrell cảm thấy rất tâm đắc với bộ phim "Glass Onion", bởi qua đó, người xem có thể nhận thấy rõ rằng những người giàu sang tột độ thực ra cũng không mấy sung sướng, xét về mặt nội tâm. Sự giàu có nhiều khi còn khiến con người ta trở nên cằn cỗi và mất đi niềm tin vào những điều quý giá trong cuộc sống, chẳng hạn như tình cảm yêu mến vô tư, chân thành mà người khác dành cho mình.
Sau khi xem bộ phim này, chuyên gia Cockrell hy vọng rằng người xem sẽ bớt đi những hình dung hão huyền về thế giới siêu giàu, để tự biết đủ, tự biết trân trọng cuộc sống mà mình đang có. Khi người ta không giàu, người ta dễ dàng biết được tình cảm người khác dành cho mình có chân thành hay không. Người ta cũng không cần phải liên tục đặt ra những nghi vấn, xét đoán đối với người khác.