Ngắm pháo đài phòng thủ dưới thời vua Gia Long

(Dân trí) - Phần thân kinh thành Huế được xây khúc khuỷu với 24 pháo đài (Eo bầu) lồi ra ngoài, được bố trí cách đều nhau, kèm theo là hệ thống tường bắn, pháo nhãn, xưởng súng, kho đạn, điếm canh… với tổng chiều dài hơn 11km.

Ngày 22/5, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã làm lễ khởi công dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” hạng mục công trình Eo bầu Nam Xương – pháo đài phòng thủ xưa dưới thời vua Gia Long.

Kinh thành Huế có cấu trúc theo kiểu thành quân sự Vauban (vốn được lấy dựa theo tên của 1 nhà kỹ sư quân sự lừng danh người Pháp) nhưng có hình dạng gần như vuông; vòng thành có chu vi 10,5km, cao 6,6m, dày 21m (tường thành được xây thành 2 lớp tường chính và 1 lớp xây giật cấp, ở giữa đổ đất dầm chặt, khoảng cách mép ngoài của 2 lớp tường thành là 21m).

Thân thành được xây khúc khuỷu với 24 pháo đài (Eo bầu) lồi ra ngoài, được bố trí cách đều nhau, kèm theo là hệ thống tường bắn, pháo nhãn, xưởng súng, kho đạn, điếm canh… với tổng chiều dài hơn 11km. Ban đầu thành chỉ được đắp bằng đất, đến cuối đời vua Gia Long mới bắt đầu xây gạch vồ ốp vào hai phía trong và ngoài.

Các pháo đài của Kinh thành đều được đặt tên riêng, chữ đầu của mỗi tên được lấy từ một  trong 4 hướng Nam, Bắc, Đông, Tây. Các pháo đài ở mặt Nam Kinh thành gồm: Nam Minh Đài, Nam Hưng Đài, Nam Thắng Đài, Nam Xương Đài và Nam Hanh Đài.

Pháo đài Nam Xương là một phần thuộc mặt Nam quan trọng ở phía trước của Kinh thành Huế. Đây được xem như bộ mặt của toàn bộ hệ thống Kinh thành, nơi có Kỳ đài và dòng sông Hương bao quanh, nơi có quảng trường và công trình Ngọ Môn vốn từ lâu đã là một trong những biểu trưng hết sức ý nghĩa của thành phố Huế.

Do thời gian dài không được duy tu bảo dưỡng, dưới nắng mưa và thiên nhiên khắc nghiệt của miền Trung nên tường thành đã bong tróc toàn bộ vữa trát. Cây cỏ, rêu phong mọc phủ kín bề mặt thượng thành, đỉnh tường thành bị sứt vỡ, thoái hóa vữa và mất gạch nhiều vị trí. Riêng mặt tường thành phía ngoài bị rêu, nấm mốc xâm thực nặng làm ảnh hưởng sự an toàn của công trình.

Pháo đài Nam Xương ở mặt nam Kinh thành Huế

Pháo đài Nam Xương ở mặt nam Kinh thành Huế

Thêm vào đó, hệ thống tường chắn đất bằng đá đã mất do các hộ dân lấn chiếm lòng Eo bầu, xây nhà, định cư và tự ý phá bỏ. Hệ thống tường chắn đất xây gạch sứt vỡ nhiều đoạn, lớp vữa trát, vữa xây bị bong tróc, cây cỏ xâm thực.

Ở tại pháo đài Nam Xương này còn có 1 kho đạn, tuy còn nhưng đang ở trong tình trạng hư hỏng nghiêm trọng, nhiều vị trí bị nứt vỡ, thấm ẩm. Mái lớp ngói liệt đã bong tróc toàn bộ, cốt nền hiện trạng kho đạn hiện chìm sâu dưới lớp đất khoảng 70cm.

Để thực hiện dự án quan trọng này, đơn vị thiết kế, thi công là Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng) sẽ tiến hành công việc đối với 2 hợp phần là: Tu bổ, tôn tạo pháo đài Nam Xương với tổng chiều dài 269m, chiều rộng trung bình 21m và Tu bổ, phục hồi Kho đạn.

Pháo đài Nam Xương sẽ được san đào đắp đất, làm đường dạo và bệ pháo lát gạch Bát Tràng; gia cường phần tường bị hư hỏng, bong vỡ, xây phục hồi từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong; xây tu bổ đường dốc kéo pháo, tường chắn đất bằng đá hộc. Còn Kho đạn sẽ được đào đất xuất lộ tường mặt sau; phục hồi cối cửa đá Thanh và cửa đi bằng gỗ. Tất cả phải tuân thủ quy cách cổ truyền, phục dựng theo đúng kích thước.

Dự án có kinh phí 9,3 tỷ đồng thực hiện từ tháng 5/2015-2016. Sau khi phục hồi, pháo đài Nam Xương cùng kho đạn sẽ là một điểm tham quan du lịch mới đầy thú vị trên hệ thống Kinh thành bao quanh Huế cho du khách, nhằm đưa tới nhiều trải nghiệm về việc phòng thủ của quan quân triều Nguyễn lúc xưa.

Đầu tháng 4/1802, tức 2 tháng trước khi làm lễ xưng đế hiệu Gia Long, chính vua đã dùng thuyền rồng đi xem hình thế núi sông ở Kinh thành. Có thể xem việc khảo sát lần này là điểm bắt đầu cho việc kiến tạo Kinh đô Huế, trước hết là Kinh thành. Tháng 5/1803, vua Gia Long và các nhà kiến trúc sư chính thức bắt tay vào việc quy hoạch và xây dựng Kinh thành Huế.

Kinh thành Huế có cấu trúc thành kiểu Vauban (tên của Sebastien Le Prastre de Vauban là một kỹ sư công binh người Pháp, sinh năm 1663 tại Yonne và mất 1707 tại Paris. Ông là người sáng tạo ra thành lũy mang tính bố phòng quân sự cao). Kiểu thành này là một tổ hợp một hệ thống các công trình kiến trúc liên hệ chặt chẽ và có tính phòng thủ vững chắc bao gồm: lũy, pháo đài, tường bắn, cổng thành (đài quan sát) được bố trí theo kiểu ngôi sao.

Theo Đại Nam Thực Lục và một số nguồn tư liệu khác của triều Nguyễn, việc quy hoạch được thực hiện trong 2 năm: 1803-1804. Công cuộc xây dựng Kinh thành được bắt đầu từ mùa hè 1805 và cơ bản hoàn thành vào năm 1832. Trong các năm tiếp theo sau đó, Kinh thành Huế được tiếp tục chỉnh trang, tu bổ cho đến năm 1837 mới hoàn thành.
















Vị trí đặt súng bắn

Vị trí đặt súng bắn
Pháo đài có hệ thống tường dày bao bọc

Pháo đài có hệ thống tường dày bao bọc

Pháo đài có hệ thống tường dày bao bọc
Các vị trí bắn được bố trí liên tục trên dãy tường

Các vị trí bắn được bố trí liên tục trên dãy tường
Phía trước pháo đài có hào nước sâu

Phía trước pháo đài có hào nước sâu để ngăn chặn bước tiến của địch
Mặt tường ngoài của pháo đài đã hư hại nhiều

Mặt tường ngoài của pháo đài đã hư hại nhiều
Mặt trên của lớp tường pháo đài nhìn ra ngoài

Mặt trên của lớp tường pháo đài nhìn ra ngoài

Mặt trên của lớp tường pháo đài nhìn ra ngoài
Mặt trên của lớp tường pháo đài nhìn ra ngoài

Mặt trên của lớp tường pháo đài nhìn ra ngoài

Mặt trên của lớp tường pháo đài nhìn ra ngoài

Được làm công phu gần 200 năm qua, pháo đài Nam Xương cùng các pháo đài khác ở các mặt Đông, Bắc, Tây của Kinh thành Huế tạo nên những điểm phòng thủ rất vững chắc dưới thời vua Nguyễn trị vì tại Huế
Kho đạn tại pháo đài Nam Xương bị đất vùi lấp

Kho đạn tại pháo đài Nam Xương bị đất vùi lấp
Hệ thống các pháo đài của Kinh thành Huế nhìn từ trên cao (ảnh: Internet)

Hệ thống các pháo đài của Kinh thành Huế nhìn từ trên cao (ảnh: Internet)

Hệ thống các pháo đài của Kinh thành Huế nhìn từ trên cao (ảnh: Internet)

Đại Dương  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm