Ngắm nhìn cây cầu hơn trăm tuổi giữa Sài Gòn
(Dân trí) - Trải qua hơn trăm năm, Cầu Mống vẫn lặng im theo dõi từng nhịp đập của TPHCM, của vùng Sài Gòn- Gia Định năm xưa…
Ngày trước, cây cầu đứng đó với một quang cảnh nhộn nhịp của một vùng Gia Định trù phú, giao thương nhộn nhịp. Ngày nay, cây cầu lại đứng cạnh những công trình lịch sử như đại lộ Đông- Tây, hầm vượt sông Thủ Thiêm, tòa nhà Bitexco cao nhất Sài Gòn…Sự tồn tại của cây cầu như một nhân chứng lịch sử, đồng hành cùng sự phát triển của TP cũng như chứng kiến TP qua những giai đoạn thăng trầm.
Cứ mỗi chiều, nơi đây lại là nơi tìm đến của các bạn trẻ và du khách. Họ tìm đến đây với nhiều lý do khác nhau. Có người tìm đến đây chọn cho mình một góc để lưu lại hình ảnh thời trẻ trung, có người tìm đến đây chỉ để tựa hai tay lên thành cầu hướng về sông Sài Gòn để đón những luồng gió mát trong lành. Trong số đó cũng có sự xuất hiện của những người nổi tiếng tìm đến để thực hiện những thước phim trên cây cầu lịch sử…
Cầu Mống bắc ngang qua rạch Bến Nghé, một bờ là đường Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 và một bờ là Bến Vân Đồn, phường 12, Quận 4. Năm 1893-1894, Hãng vận tải Hải Dương Messageries Maritimes (Pháp) tiến hành xây dựng Cầu Mống với chức năng vận tải hàng hóa, tạo sự thuận lợi lưu thông giữa Sài Gòn và vùng Khánh Hội. Cầu do Công ty Levallois Perret (Công ty Eiffel tại Sài Gòn) đảm trách thực hiện. Cầu được thiết kế và xây dựng theo kỹ thuật Eiffel.
Rạch Bến Nghé là khu vực có hai bến nước sầm uất mang tên Quai de Khanh Hoi (Bến Khánh Hội, sau 1954 là đường Bến Vân Đồn) và Quai de la Marne (sau là đường Bến Chương Dương, nay là đường Võ Văn Kiệt). Cái tên Bến Nghé đã gắn liền với lịch sử phát triển của TP, nằm trong tiềm thức mỗi người với những tên gọi quen thuộc như rạch Bến Nghé, sông Bến Nghé (tức sông Sài Gòn).
Khi mới xây dựng, công trình được gọi là cầu Vận tải Hải Dương (lấy theo tên của Hãng vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes). Sau đó, tên gọi Cầu Mống xuất phát từ hình dáng thiết kế của cây cầu như một cầu vồng.
Kết cấu ban đầu cầu chỉ có một nhịp, dạng vòm nên phần chịu lực dồn về hai mố cầu. Mặt cầu bằng sắt. Hai đầu cầu có đường dẫn và cầu thang bộ đi lên cầu. Tuy nhiên kết cấu đường dẫn và cầu thang bộ đi lên cầu ở hai đầu cầu không tương đồng về kiến trúc. Đường dẫn phía Sài Gòn (vị trí Quận 1 ngày nay) theo trục ngang của cầu, đường dẫn phía Khánh Hội (vị trí Quận 4 ngày nay) tiếp nối thẳng với cầu theo trục dọc. Đường dẫn và cầu thang bộ được xây bằng đá, bề mặt ốp đá có hình dạng viên gạch, xếp xen kẽ. Cầu Mống là một trong những cây cầu bằng sắt hiện đại ở Sài Gòn lúc bấy giờ.
Vừa qua, ngày 19/11, TPHCM đã trao bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cho 10 di tích kiến trúc trên địa bàn thành phố. Trong đó, có di sản kiến trúc Cầu Mống.
Hiện tại, Cầu Mống có một thực trang mà thiết nghĩ rất cần cơ quan chức năng lưu tâm chính là vấn đề bị xâm hại. Một công trình di sản, có giá trị văn hóa-lịch sử nhưng đang phải chịu sự tấn công của đội ngũ bán hàng rong và những con người “yêu thích” nghệ thuật Graffiti.
Rác từ những quầy hàng rong bán bánh tráng trộn, cá viên chiên…vương vãi khắp mặt cầu và chân cầu. Những hình vẽ nguệch ngoạc, những cái tên, những lời nguyện ước được khắc bằng vật cứng đã xâm hại một cách thô bạo và vô ý thức đến công trình này. Rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền để lập lại trật tự, trả lại vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu mà Cầu Mống vốn có.
Phạm Nguyễn
phamnguyen.dtr@gmail.com