Huế:
Ngắm ngôi điện đặt ngai vàng vua Nguyễn trước khi trùng tu
(Dân trí) - Điện Thái Hòa - ngôi điện cổ nhất trong Kinh thành Huế được xây dựng từ đời vua Gia Long - Minh Mạng sẽ được trùng tu nguyên trạng trong thời gian tới do xuống cấp.
Điện Thái Hòa được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế với kiểu thức "trùng thiềm điệp ốc", là biểu trưng quyền lực của triều Nguyễn khi được dùng cho các sự kiện quan trọng như lễ đăng quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều.
Hơn 200 năm qua với 22 lần trùng tu, di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, một số cấu kiện gỗ đã mục ruỗng, không đảm bảo an toàn. Cơn bão Noul (bão số 5) trong năm 2020 đã làm hư hại một phần mái ngói bên phải ngôi điện.
Ngôi điện cổ kính nhất, được xem là đẹp nhất vì sự hoành tráng này là công trình nằm trong Kinh thành Huế. Được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án với tổng kinh phí 150 tỷ đồng, điện Thái Hòa sắp tới sẽ được tu bổ nguyên trạng.
Trao đổi với PV, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết đã tiến hành lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu Huế về phương án trùng tu, bảo tồn di tích điện Thái Hòa. Ngôi điện sẽ được hạ giải toàn bộ mái lợp, phục hồi mái hạ, mái thượng lợp bằng ngói ống hoàng lưu ly.
Bên cạnh đó, sẽ hạ giải toàn phần hệ khung và các kết cấu gỗ để đánh giá chất lượng từng cấu kiện và đề xuất phương án tu bổ phục hồi chi tiết; phục hồi sơn son thếp vàng toàn bộ các cấu kiện gỗ.
Hệ thống sân đường, lan can sẽ được tháo dỡ gia cường các đoạn tường xô nghiêng, gia cường kết cấu móng bằng bê tông cốt thép; tháo dỡ những đoạn lan can hư hỏng, xây phục hồi bằng gạch vồ; tháo dỡ toàn bộ sân đường lát gạch Bát Tràng, phục hồi nền lát gạch Bát Tràng và bó vỉa bằng gạch vồ theo nguyên trạng.
Tại Hội thảo lấy ý kiến về tu bổ điện Thái Hòa ngày 23/1 vừa qua, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng đơn vị thực hiện trùng tu cần tiếp cận thêm các nguồn tư liệu, bao gồm hình ảnh gốc, bản vẽ trùng tu thời vua Khải Định và cả những nhân chứng am hiểu về di tích này để việc trùng tu đảm bảo tính chính xác.
Đơn vị trùng tu cũng cần có phương án tu bổ phần mỹ thuật trang trí, đặc biệt là hệ thống thơ văn trên gỗ và pháp lam. Ngoài ra, cần chú trọng công tác tôn tạo cảnh quan gắn với di tích này và cần phải tham khảo công ước quốc tế về bảo tồn di sản thế giới.