Nét độc đáo trong lễ cưới của người Vân Kiều

(Dân trí) – Trong số các phong tục, tập quán đã bị mất dần, hoặc mai một theo thời gian, đồng bào Vân Kiều ở phía tây Quảng Bình hiện vẫn còn lưu giữ một số nét văn hóa đặc sắc, mang đậm chất dân gian truyền thống.

Trong nhiều chuyến công tác ở một số xã miền núi Trường Xuân, Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, chúng tôi được nghe kể rất nhiều về tục cưới vợ và những lễ vật độc đáo của đồng bào Vân Kiều đang sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn. Đây là một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời được bà con nơi đây gìn giữ. So với trước đây, lễ cưới của người Vân Kiều không còn giữ được nguyên bản nhưng nó cũng chứa ẩn trong đó bao điều thú vị. 

Đồng bào Vân Kiều sống trên dãy Trường Sơn vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo
Đồng bào Vân Kiều sống trên dãy Trường Sơn vẫn còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo

Để hiểu rõ hơn về lễ cưới vợ của con trai Vân Kiều, chúng tôi tìm gặp già làng Hồ Xe, ở bản Nà Lâm, xã Trường Xuân. Khi chúng tôi đặt vấn đề, già Xe nói: “Trước đây thì tất cả mọi người phải tuân thủ như vậy, nhưng bây giờ bà con thống nhất bỏ đi một số công đoạn vì nó quá rườm rà và không phù hợp với điều kiện mới”.

Nhấp chén nước lá rừng, già Xe cho biết, tất cả con trai, con gái trong bản khi đến tuổi trưởng thành, biết thương, biết nhớ, và có ý muốn kết đôi chung sống với nhau phải có sự chấp thuận của gia đình hai bên. Theo những phong tục đã có từ rất lâu của bản làng, không cho phép các đôi nam, nữ chưa làm lễ cưới mà đã chung sống với nhau. Dù có những hoàn cảnh rất khó khăn, không đủ tiền lo cho lễ cưới thì cũng phải tổ chức đơn giản. Những trường hợp đi ngược lại với phong tục của cộng đồng sẽ bị bản làng ruồng bỏ, miệt thị, thậm chí có thể bị đuổi ra khỏi làng. Quan niệm đó của người Vân Kiều là hướng đến một cuộc sống tương lai hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Bà con trong bản đến chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ

Bà con trong bản đến chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ (Ảnh minh họa)

Sau khi vái tổ tiên, cha, mẹ, đôi vợ chồng giao bái trước khi vào động phòng (Ảnh minh họa)

Sau khi vái tổ tiên, cha, mẹ, đôi vợ chồng giao bái trước khi vào động phòng (Ảnh minh họa)

Tục cưới của người Vân Kiều được tiến hành qua những lễ chính như: Sau khi đôi nam, nữ đã cảm thấy thân thiện, muốn kết đôi với nhau, thì phải trình bày ý muốn đó với cha mẹ. Sau đó, gia đình hai bên bàn bạc và chấp thuận cho đôi bạn trẻ kết duyên thì nhà trai chính thức làm lễ bỏ của. Theo đó, nhà trai phải nộp cưới cho nhà gái nhiều vật dụng khác nhau như khăn, vải, tiền... Đồng thời với việc bỏ của chính thức này, đôi trai gái được họ hàng đôi bên biết và chấp thuận. Đến lễ hỏi, khi đã chọn được ngày lành, tháng tốt, ông mối và gia đình nhà trai đưa sang nhà gái lễ vật gồm lợn, gà, rượu và gạo nếp, …và tuỳ theo điều kiện từng gia đình mà số tiền nhiều hay ít. Sau lễ này, hai gia đình mới bàn bạc ấn định lễ cưới.

Gìa làng Hồ Xe kể về  ý nghĩa của các lễ vật 
Gìa làng Hồ Xe kể về  ý nghĩa của các lễ vật 

Tới ngày cưới, gia đình nhà trai mang lễ vật sang nhà gái. Theo phong tục của người Vân Kiều, lễ cưới không thể thiếu 1 cây kiếm, 1 cái nồi đồng, 1 vòng cườm đeo cổ, 1 nén bạc trắng. Gìa Hồ Xe lý giải: Cây kiếm là một công cụ lao động của người Vân Kiều, nó mang ý nghĩa là vật dụng làm ra của cải. Nồi đồng tượng trưng cho sự ấm no, hạnh phúc. Vòng cườm tượng trưng cho sự thủy chung, gắn kết lâu bền. Ngoài ra, nhà trai phải nộp tiền cưới cùng với các loại vật phẩm khác như lợn gà, gạo nếp,... để gia đình nhà gái mở tiệc mời bà con dân bản.

Những văn hoa độc đáo trên chiếc nồi đồng
Những văn hoa độc đáo trên chiếc nồi đồng
Những văn hoa độc đáo trên chiếc nồi đồng

Khi đoàn dẫn lễ nhà trai đến thì bố, ông cậu và chú bác của cô gái xuống nhà đón và nhận lễ vật. Sau khi nhận lễ, nhà gái làm lễ cúng tổ tiên và chàng trai chính thức trở thành con rể trong nhà. Sau lễ cúng tổ tiên của nhà gái thì đoàn dẫn lễ của nhà trai mới được bước lên nhà, xin phép đón dâu về nhà mình.

Người con dâu mới vào nhà không được bước thẳng vào cửa chính gian mà phải đi vòng theo lối cửa phụ đến cạnh bếp lửa để người mẹ chồng làm "lễ bắc bếp” nhằm thông báo với Giàng Bếp (thần bếp) nhà có con dâu mới, đồng thời đó còn là sự chuyển giao công việc gia đình cũng như việc nội trợ, bếp núc từ mẹ chồng cho con dâu mới. Sau đó, nhà trai cũng tổ chức một bữa tiệc nhỏ để thông báo với tổ tiên, họ hàng về thành viên mới của gia đình mình.

Những văn hoa độc đáo trên chiếc nồi đồng
Người Vân Kiều hết sức trân trọng những phong tục truyền thống, và xem đó là "sợi chỉ đỏ" liên kết hạnh phúc

Về sống với gia đình nhà chồng, người con gái trở thành người của dòng họ nhà chồng. Đối với người Vân Kiều, sau lễ cưới lần thứ nhất, khi đôi vợ chồng có điều kiện về kinh tế thì làm lễ cưới lần hai gọi là lễ khơi, khi đó người vợ mới được coi là thành viên trong gia đình nhà chồng. Đây là nghi lễ bắt buộc trong hôn nhân của người Vân Kiều. Do hoàn cảnh của từng gia đình nên lễ khơi không bắt buộc về thời gian và nghi thức tổ chức lễ.

Ngày nay, lễ cưới của người Vân Kiều đã được lược đi một số công đoạn và đơn giản hơn nhiều để phù hợp với cuộc sống mới. Nhưng những lễ chính như: bỏ của, ăn hỏi và lễ cưới chính thức thì vẫn được duy trì.

 
 
Đăng Đức