Ninh Bình:
Nét độc đáo của lễ hội Hoa Lư di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
(Dân trí) - Cứ đến tháng 3 âm lịch, người dân vùng đất cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến lại mở hội Trường Yên. Trải qua hơn 1.050 năm, lễ hội Hoa Lư vẫn giữ nguyên những giá trị nổi bật về lịch sử và văn hóa, xứng danh là một trong gần 100 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Lễ hội lưu truyền nghìn năm
Người dân cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) bao đời nay đều vang vọng câu ca: “Ai là con cháu Rồng Tiên/Tháng ba mở hội Trường Yên thì về”. Cũng vì thế, cứ đến tháng 3 âm lịch hàng năm, khi lễ hội Trường Yên (nay là lễ hội Hoa Lư) được tổ chức, người dân dù ở khắp nơi trên mọi miền Tổ Quốc đều đổ về Hoa Lư trảy hội, về với cội nguồn dân tộc.
Lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư xưa (gọi là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau) diễn ra các ngày từ 6 – 8/3 âm lịch hàng năm. Theo sử cũ, trong các triều đại phong kiến, lễ hội Trường Yên là một Quốc lễ vì nơi đây là dịp để tưởng niệm các vị Hoàng đế, anh hùng dân tộc: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.
Năm 968, trên mảnh đất Hoa Lư lịch sử, Đinh Bộ Lĩnh đã hoàn thành xứ mệnh thống nhất giang sơn, lập lên nước Đại Cồ Việt – Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thời kỳ độc lập tự chủ sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Kế tục nhà Đinh, vua Lê Đại Hành đã phá Tống, bình Chiêm xây dựng quốc gia hưng thịnh.
Người dân dâng lễ vật để cung tiến các vua, những người khai sinh ra vùng đất Hoa Lư lịch sử.
Nhằm ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân “khai quốc công thần”, lễ hội Trường Yên được hình thành sau khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Trải qua hơn 1.050, kinh thành Hoa Lư không còn nhưng những chứng tích lịch sử, văn hóa vẫn được nhân dân giữ gìn và lưu truyền.
Với những giá trị tiêu biểu, cố đô Hoa Lư đã được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt; lễ hội Trường Yên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trở thành một bộ phận quan trọng của Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
Xứng danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nét độc đáo của lễ hội Hoa Lư – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khi hiện nay được phục dựng lại gần như đầy đủ các nghi lễ của thời cha ông, mô phỏng, tôn vinh những giá trị văn hóa thời Đinh – Lê, cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tạo không khí linh thiêng, nhộn nhịp và đa sắc màu văn hóa.
Nghi lễ xin nước thánh ở sông Hoàng Long trong lễ rước nước tại lễ hội Hoa Lư.
Phần lễ của lễ hội Hoa Lư được mở đầu bằng lễ mở cửa đền vào ngày 7/3 âm lịch, trước khi diễn ra lễ hội một ngày, Nhân dân Trường Yên tổ chức lễ mở cửa đền để cúng tế thần linh và hai vua (Đinh – Lê) xin được tổ chức lễ hội truyền thống cố đô Hoa Lư. Đồng thời, lễ xin thần linh và hai vua phù hộ cho lễ hội được tổ chức thành công. Những người thực hiện nghi lễ này là các bậc cao niên có uy tín của làng, am hiểu lễ tế, khi cử hành mang trang phục quần trắng, áo the, khăn xếp.
Lễ rước nước được diễn ra vào sáng sớm ngày 8/3 âm lịch, là nghi lễ mở đầu cho ngày khai hội. Lễ rước nước là hoạt động có ý nghĩa và quan trọng được nhiều người dân tham gia, thể hiện mối quan hệ mật thiết, hữu cơ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai nói lên đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Nước thánh lấy từ sông Hoàng Long được 2 trinh nữ mặc áo dài trắng đưa về đền vua Đinh, vua Lê để làm lễ mộc dục .
Lễ mộc dục là lễ tắm thần vị (sao bái tượng vua Đinh, tượng vua Lê). Trước khi tiến hành công việc tắm thần vị, dân làng Trường Yên dâng lễ cáo yết thần linh xin phép thực hiện. Khăn dùng bao sái tượng có màu đỏ và được dùng hai lần. Lần đầu sử dụng nước tinh khiết để sái tượng, lần thứ hai được dùng với nước trầm hương. Nước để sái tượng chính là nước thần được lấy từ sông Hoàng Long trong lễ rước nước.
Lễ dâng hương diễn ra ngay khi hoàn thành lễ Mộc dục, lễ diễn ra là để cho bách gia trăm họ kính lễ với đức tiên đế trong giờ phút linh thiêng của ngày khai hội. Lễ tế trong lễ hội Hoa Lư có hai nghi thức là Tế ca cửu khúc và Tế nữ quan. Ngoài ra, tại lễ hội di sản văn hóa phi vật thể này còn các phần lễ quan trọng linh thiêng khác như lễ rước lửa, cờ lau tập trận…
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình làm lễ dâng hương thành kính với các đức tiên đế trong giờ phút linh thiêng của ngày khai hội.
Phần hội được tổ chức với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao như: hội trại, các trò chơi dân gian, các hoạt động thể dục - thể thao; các hoạt động trưng bày, triển lãm quảng bá du lịch, thương mại…
Trải qua hơn 1.050 năm, Lễ hội Hoa Lư đã ăn sâu vào tiềm thức và là niềm tự hào lớn lao của mỗi người dân Ninh Bình. Những danh lam thắng cảnh đẹp, những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa cùng tấm lòng thân thiện, mến khách của người Tràng An xưa vẫn được gìn giữ nguyên vẹn ở các thế hệ hôm nay, hứa hẹn nhiều khám phá, trải nghiệm và sự hài lòng cho mỗi du khách thập phương trong cuộc hành hương đầy ý nghĩa về với Cố đô nghìn năm văn hiến.
Nghi lễ rước kiệu tại lễ hội Hoa Lư năm 2019.
Thái Bá