“Nét chữ, nết người” có còn đúng?

(Dân trí) - Người Việt từ xưa đã có câu “nét chữ, nết người”, cho thấy tầm quan trọng của việc viết chữ đẹp có ý nghĩa như thế nào trong xây dựng, hình thành nhân cách con người.

“Nét chữ, nết người” có còn đúng? - 1

Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại có nhiều công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc viết lách, soạn thảo văn bản, nhiều người trong chúng ta thậm chí còn nói đùa rằng “cầm bút thấy run tay” vì đã quá lâu rồi, chúng ta quen bấm bàn phím máy tính, bàn phím điện thoại thay vì cầm một cây bút và “nắn nót” những dòng chữ.

Trường hợp chủ yếu khiến chúng ta phải dùng bút ở thời đại hôm nay, có lẽ là khi ký tên vào các loại giấy tờ.

Tuy vậy, không phải chỉ ở một nước phương Đông với quan niệm truyền thống có phần khắt khe về chữ viết mới “đau đáu” câu chuyện “nét chữ, nết người” trong thời buổi hiện đại, mà ở một nước phương Tây - nước Mỹ, nơi họ vốn có quan niệm rất phóng khoáng về chữ viết, cũng có những tranh luận khá gay gắt và chưa ngã ngũ về việc con người hôm nay có cần để tâm đến chữ viết tay của họ nữa hay không.

“Nét chữ, nết người” có còn đúng? - 2

Nhìn chung, trong hệ thống giáo dục của các nước hiện nay, việc luyện chữ gắn liền với bậc tiểu học, thời kỳ này, các em nhỏ vừa học chữ vừa rèn chữ, nhưng khi lên trung học, các em bắt đầu học cách tự ghi bài và sẽ bắt đầu viết nhanh theo kiểu tốc ký, nét chữ nắn nót của bậc tiểu học lúc này không còn đóng vai trò quan trọng nữa.

Kể từ đây cho đến những năm tháng trưởng thành, tầm quan trọng của việc viết chữ đẹp theo kiểu “nắn nót” giảm dần. Điều thú vị là người Mỹ cũng có quan niệm tương đồng như người phương Đông khi họ tự hỏi: Liệu việc chữ viết tay đang ngày càng trở nên hiếm thấy trong đời sống hiện đại có phải là minh chứng của việc thụt lùi của văn hóa viết lách hay không?

Thực tế, trong quy trình tuyển dụng hôm nay, hiếm có ứng viên nào liệt kê việc viết chữ đẹp như một thế mạnh, thay vào đó sẽ là “đánh máy thành thạo”. Nhìn chung, mục đích của giáo dục là để chuẩn bị cho học sinh những hành trang tốt, sau này trở thành những người có năng lực lao động; hiện tại, rõ ràng khả năng đánh máy hữu dụng hơn khả năng viết chữ đẹp.

Việc viết được chữ đẹp, đặc biệt ở người trưởng thành, đã trở thành một điều gì đó gần như hoài cổ. Tác dụng của nó thường chỉ phát huy trong những tình huống cá nhân nhỏ lẻ. Trong khi đó, bằng cách đánh máy, những người làm công việc viết lách có thể tạo ra số từ trong một phút nhiều hơn hẳn so với viết tay.

“Nét chữ, nết người” có còn đúng? - 3

Nhu cầu viết nhanh của con người trong những tình huống đòi hỏi tốc ký đã giúp sản sinh ra biết bao sự tiến bộ ở chiếc bút, mà đỉnh điểm chính là bút bi - chiếc bút có thể giúp người ta viết nhanh nhất so với bút lông hay bút mực.

Sau này, đến lượt các loại máy ra đời thay thế cho bút, ban đầu là máy đánh chữ, rồi máy tính. Tất cả những điều này đều là nét “tiến hóa” trong văn hóa viết lách của loài người, và thực tế, không ai có thể đi ngược sự tiến hóa của thời đại.

Một số nhà khoa học cho rằng việc viết tay sẽ đưa lại cho trẻ nhỏ những lợi ích ở hệ thần kinh. Giáo sư Virginia Berninger của trường Đại học Washington (Mỹ) cho rằng việc viết tay sẽ kích thích trí não, giúp trẻ tập trung sâu hơn vào ngôn ngữ viết.

Một nghiên cứu hồi năm 2012 đối với 15 trẻ nhỏ cho thấy việc viết tay giúp các trẻ đọc thông viết thạo nhanh hơn, vững hơn.

Một nghiên cứu khác hồi năm 2014 cho thấy sinh viên đại học ghi chép bài bằng cách viết tay ghi nhớ thông tin tốt hơn những sinh viên sử dụng máy tính để ghi chép, nhưng điều đó cũng chỉ cho thấy rằng, vì tốc độ viết chậm hơn, nên những sinh viên viết tay phải lựa chọn nhiều hơn trước việc mình sẽ ghi lại điều gì và ghi như thế nào cho kịp tiến độ bài giảng.

“Nét chữ, nết người” có còn đúng? - 4

Nhiều người cũng cho rằng việc luyện chữ đẹp sẽ góp phần đưa lại những kỹ năng liên quan tới việc tạo ra cái đẹp, đòi hỏi sự khéo léo của những ngón tay…

Tầm quan trọng của việc viết chữ đẹp ở bậc tiểu học thậm chí đã trở thành đề tài bàn luận của nhiều cuộc họp cấp bang tại Mỹ. Trong khi định hướng chung của giáo dục Mỹ ở cấp quốc gia là đề cao việc giúp trẻ tiểu học biết đánh máy thành thạo ngay từ lớp 4 và giảm việc luyện viết ngay từ lớp 3, thì từng bang lại có quyền biểu quyết để thay đổi cho phù hợp với bang mình.

Một số bang đã quyết định để các trường tiểu học tiếp tục duy trì luyện viết cho trẻ, song song với việc luyện đánh máy, với niềm tin tương tự như quan niệm “nét chữ, nết người”, rằng nét chữ của một con người sẽ tiết lộ những điều đặc biệt, riêng có về tính cách, nội tâm của người đó.

Đã có nhiều cuộc tranh luận về ý nghĩa của viết tay trong thời đại hôm nay, những thay đổi của công nghệ chắc chắn đã tạo nên cơ hội lớn chưa từng thấy cho những người làm nghề viết lách bởi họ có thể đạt được khối lượng công việc lớn một cách nhanh chóng hơn nhờ vào bàn phím.

“Nét chữ, nết người” có còn đúng? - 5

Thực tế, con người ở thời đại hôm nay được coi là những thế hệ hạnh phúc nhất trong việc viết lách, xét trên toàn bộ tiến trình lịch sử loài người. Đa phần chúng ta viết mỗi ngày nhiều hơn hẳn so với những thế hệ trước đây, kể cả những thế hệ chỉ sống cách chúng ta 10-20 năm.

Nếu trước đây, mỗi khi người ta đặt bút viết đều có chút gì đó đặc biệt, trọng đại, cần chuẩn bị giấy bút, chỗ ngồi, tâm thế, câu từ…, thì ngày nay, việc viết trở nên đơn giản vô cùng, với tất cả những ai… biết chữ và sở hữu một chiếc điện thoại.

Chúng ta giao tiếp với nhau trên mạng xã hội, chúng ta nhắn tin, “chat chit”, không ngừng tạo ra thông điệp từ những con chữ. Ngày nay, ai ai cũng… viết, chỉ là viết ở đâu, viết cái gì, viết như thế nào.

Nhiều khi, chúng ta còn ưu tiên việc liên hệ qua công cụ chat, công cụ tin nhắn hơn là gọi điện hay trực tiếp gặp mặt. Thực tế, khi một người càng viết nhiều, khả năng viết của người đó càng tăng, khi chúng ta “chat chit”, “comment”, viết “status”… hàng ngày, không nghi ngờ gì, khả năng sử dụng ngôn từ của chúng ta cũng sẽ tăng lên bởi sự quan sát, học hỏi và tiến bộ.

“Nét chữ, nết người” có còn đúng? - 6

Trong khi nhiều người cảm thấy nuối tiếc khi chữ viết tay ngày càng hiếm thấy trong đời sống hiện đại, thì thực tế, để đi đến sự tiến bộ ngày hôm nay, những thế hệ đi trước cũng đã từng trải qua những nỗi tiếc nuối tương tự.

Giờ đây, nghệ thuật khắc chữ lên phiến đá đã trở nên xa lạ, nghệ thuật chấm ngòi bút vào lọ mực cũng trở nên “cổ lỗ”, hầu như chẳng còn ai dùng máy đánh chữ nữa… Cùng với sự văn minh - hiện đại, luôn có những thứ bị bỏ lại gây nhiều tiếc nuối cho những thế hệ đã từng quen thuộc với nó.

Những giá trị văn hóa mà chúng ta từng gửi gắm vào nét chữ viết tay cũng đang dần thay đổi trong thời đại mới, một sự thay đổi khác biệt hẳn so với 6.000 năm lịch sử viết lách của loài người trước đây.

Bích Ngọc
Theo NY Times