Năm 2015 - Trùng tu lớn nhất trong lịch sử bảo tồn di tích Huế

(Dân trí) - Ngày 16/1, tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích ố đô Huế cho biết trong năm 2015 sẽ thực hiện trùng tu 22 công trình tại khu di sản Huế với 150 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử của công tác bảo tồn, trùng tu các công trình di tích.

So với năm 2014 thì năm mới 2015, tổng mức đầu tư cho công tác bảo tồn trùng tu di tích Huế tăng 66,6%. Tuy chỉ 150 tỷ đồng nhưng đây là năm có tổng mức đầu tư xây dựng cao nhất trong lịch sử của công tác bảo tồn, trùng tu các công trình di tích. Gồm từ nguồn vốn chương trình hỗ trợ có mục tiêu 95,5 tỷ đồng, nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia 4,5 tỷ đồng và nguồn vốn sự nghiệp có tính chất xây dựng cơ bản 50 tỷ đồng.

“Trong số 22 công trình có 5 công trình triển khai trong năm và 17 công trình chuyển tiếp trên một địa bàn trải dài ở hầu hết các điểm di tích. Đây là một nhiệm vụ nặng nề, rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của đơn vị thi công, cán bộ kỹ thuật giám sát, điều hành dự án” – TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho hay.

Sơn son thếp vàng theo phương pháp xưa tại hạng mục trùng tu trong Thế Miếu cuối năm 2014
Sơn son thếp vàng theo phương pháp xưa tại hạng mục trùng tu trong Thế Miếu cuối năm 2014

Được biết việc tu bổ trùng tu này mang tính chất quan trọng ở 5 công trình mới là: Dự án tu bổ, phục hồi Phu Văn Lâu (từng bị đổ sập một góc trong năm 2014 do thời gian quá lâu) - Nhật Thành lâu; Dự án bảo tồn tôn tạo hệ thống Kinh thành; Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi lăng vua Tự Đức; Dự án bảo tồn, phục hồi thích nghi vườn thượng uyển Thiệu Phương.

Bên cạnh đó, các công trình chuyển tiếp cũng là các hạng mục điểm nhấn của bộ mặt di tích Huế. Quan trọng nhất là Ngọ Môn. Tiếp đến là Xung Khiêm Tạ, Dũ Khiêm Tạ, Khiêm Cung Môn ở lăng vua Tự Đức; Thái Bình Lâu; Triệu Tổ Miếu (khu vực Thế Miếu); Tả Tùng Tự - Thế Miếu; Lầu Tàng Thơ; các hạng mục còn lại của Dực Lang 3B Tử Cấm Thành; Điện Ngưng Hy lăng vua Đồng Khánh; Hành lang 2B, điện Gia Thành lăng vua Gia Long; Tả - Hữu Tùng viện lăng vua Thiệu Trị; vườn sưu tập nhân giống và bảo tồn các giống cây di tích…

Ngay trong quý I/2015, Trung tâm sẽ đưa vào bàn giao và sử dụng một số công trình quan trọng trong số 22 công trình trên để tăng cường chất lượng phục vụ cho khách tham quan như: Thái Bình lâu; Tả Tùng tự - Thế Miếu; Xung Khiêm Ta, Dũ Khiêm Tạ ở lăng vua Tự Đức.

Sơn son thếp vàng theo phương pháp xưa tại hạng mục trùng tu trong Thế Miếu cuối năm 2014

Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ- 2 nhà thủy tạ đầy chất thơ ở lăng vua Tự Đức sẽ được đưa vào phục vụ du khách quý I/2015 sau thời gian trùng tu kỹ lưỡng.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng sẽ chú trọng vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học – hướng dẫn thuyết minh - trưng bày triển lãm năm 2015. Như: Xây dựng thực hiện dự án Thư viện ở Lầu Tàng Thơ giai đoạn 1; Thực hiện dự án Ngân hàng dữ liệu di tích triều Nguyễn (giai đoạn 2 – di tích lăng Thiệu Trị); Dịch thơ văn và câu đối bài trí vườn Thiệu Phương; Dịch và xuất bản sách “Văn thơ di tích lăng Minh Mạng”; Xuất bản sách “Cơ cấu tổ chức Bộ Lễ dưới triều Nguyễn”; Tổ chức hội thảo về Di sản tư liệu thơ văn trên di tích cung đình Huế; Số liệu hóa thơ và văn bia trên di tích Huế giai đoạn 1; Cắm mốc lăng Gia Long, lăng Đồng Khánh; Khảo cổ học Điện Kiến Trung, Nhật Thành Lâu; Hoàn chỉnh hồ sơ khoa học Hải Vân Quan, lăng bà Từ Dũ, lăng Tự Đức, Lầu Tàng Thơ, Vườn Cơ Hạ; thử nghiệm nối kết tuyến du lịch lăng vua Tự Đức – Đồng Khánh – Thiệu Trị; Xây dựng tuyến tham quan mới ở Thượng Thành – Kỳ Đài và phục vụ điểm tâm sáng ở Đông Khuyết Đài; Trưng bày trên Thượng Thành Kinh thành Huế chủ đề quân sự Việt Nam dưới thời Nguyễn; Tái hiện không gian đọc sách của vua tại Thái Bình Lâu; Mô phỏng cuộc sống của Hoàng Thái hậu Từ Cung ở nhà 79 Phan Đình Phùng; Phối hợp với các trường ĐH trong tỉnh về việc tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cộng tác viên phục vụ mùa cao điểm…











Đại Dương