Mục sở thị thanh bảo kiếm Bác Hồ tặng "Vua Mèo"
(Dân trí) - Để ghi nhận đóng góp của thủ lĩnh của người H’mông với Cách mạng, năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng ông Vương Chí Sình hai món quà đặc biệt.
Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện đang trưng bày hai hiện vật rất đặc biệt: Áo trấn thủ và thanh gươm quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho “Vua Mèo”. Trong đó, chiếc áo trấn thủ được Bác tặng vào mùa đông năm 1950. Thanh gươm được gửi đến Vua Mèo sau đó 6 năm, khi chiến thắng Điện Biên Phủ xác lập nền hòa bình ở miền Bắc nước ta.
Chiếc áo trấn thủ này được may bằng vải, bên trong lót bông, được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Hải Dương gửi tặng cho Bác vào năm 1950. Trên áo còn thêu ngôi sao vàng với dòng chữ màu đỏ: “Kính tặng Hồ Chủ Tịch, Hội L.H.P.N Hải Dương”. Bác Hồ sau đó đã cho thêu thêm dòng chữ: “Chuyển tặng Vương Chí Thành Đại biểu Quốc hội”. Ký tên Hồ Chí Minh.
Vương Chí Thành là tên Bác đặt cho “Vua Mèo”, lúc bấy giờ là Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1956, Xưởng quân khí Bộ Quốc phòng nhận được chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc rèn một thanh gươm tốt để tặng ông Vương Chí Sình. Gươm được rèn bằng thép tốt, dài hơn 70cm. Chuôi gươm tạo hình bằng sừng, trên có in nổi ngôi sao vàng năm cánh. Bao gươm được làm từ gỗ tốt, có ba đai kim loại bảo vệ. Quai đeo kiếm được làm từ da. Trên thân bao kiếm có 8 chữ Nho do chính tay Bác viết: “Tận tâm báo quốc; Bất thụ nô lệ.”
Sau khi thanh gươm hoàn thiện, ông Bùi Công Trừng, khi đó là Thứ trưởng Bộ Kinh tế được Bác chỉ đạo mang lên thị xã Hà Giang để trao tặng ông Vương Chí Sình trước toàn thể lãnh đạo tỉnh và đồng bào các dân tộc miền cao.
Những món quà này là không chỉ mang giá trị hiện vật mà còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với “Vua Mèo”, với đồng bào dân tộc người H’mông. Đây là sự ghi nhận công lao của đồng bào H’mông sau 9 năm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954.
Tháng 9/1945, ông Vương Chí Sình còn được gọi là “vua Mèo”, từ Hà Giang tìm về Hà Nội để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh – người đứng đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc gặp gỡ lịch sử này đã quyết định đồng bào người H’mông sau đó cùng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, giành độc lập tự do cho dân tộc. Ông Vương Chí Sình từng giữ nhiều vị trí như Chủ tịch huyện Ðồng Văn (gồm ba huyện Mèo Vạc, Ðồng Văn, Yên Minh ngày nay), đại biểu Quốc hội các khóa I, II.
Nguyễn Bắc