Mức cát- sê “khủng“ có xứng với sự cống hiến của “sao“?
Vụ việc ầm ĩ về cát- sê của ca sĩ Mỹ Tâm tại Đà Nẵng cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ để biết ai đúng, ai sai nhưng cũng khiến công chúng một lần nữa giật mình nhìn lại mức cát - xê "khủng" của một bộ phận nghệ sĩ hiện nay.
Choáng váng cát- sê
Tuy chưa được công khai với một "bảng báo giá" cụ thể, thế nhưng cát - xê ca sĩ đã luôn được truyền miệng rằng đó là những cái giá "trên trời". Thông tin Mỹ Tâm "hét" 6.000 USD - tức 120 triệu đồng Việt Nam - cho một bài hát trong đêm diễn mừng Đà Nẵng, quê hương của chính cô, khiến dư luận bàng hoàng, sốc. Nhưng với nhiều "bầu sô", đơn vị tổ chức biểu diễn thì những mức giá như thế là "chuyện thường".
Nói "chuyện thường", bởi Mỹ Tâm thuộc về một số không nhiều những ca sĩ có mức cát- sê cao hàng đầu trong nước hiện nay, cùng với các Diva như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh… Trong số đó còn có Thu Minh, "ông hoàng nhạc Việt" Đàm Vĩnh Hưng... với cát- sê hàng trăm triệu một đêm diễn có quy mô lớn và trên 50 triệu cho những sự kiện, đêm diễn tầm tầm.
Giám đốc một Công ty (Cty) tổ chức biểu diễn khá có tiếng tại TP HCM cũng cho biết, mức giá mà Mỹ Tâm đưa ra (nếu có) hoàn toàn phù hợp với "bảng giá" ngầm của giới ca sĩ đình đám hiện nay.
Cụ thể, showbiz chia ra nhiều thứ hạng A, B, C... trong đó, sao hạng A (trong nước và hải ngoại về Việt Nam) tầm trên 120 triệu cho một sự kiện hoành tráng có tài trợ, hoặc diễn vũ trường, sàn nhảy. Các sự kiện bán vé thì khoảng 70-80 triệu đồng. Sao hạng B, tức nổi ở mức độ "vừa vừa", cát- sê tầm 30- 40 triệu đồng.
Không chỉ riêng ca sĩ, mà giới MC giá cũng đắt đỏ không kém. Một MC mới nổi như Tr.T, dẫn một sô vừa phải thì cát- sê cũng trên 50 triệu đồng.
Tất nhiên, bảng giá này chỉ mang tính tương đối và tham khảo, ngoài ra còn tuỳ vào mục đích sô diễn, mối quan hệ quen biết... mà cát- sê có khác đi nhưng nói chung là "khủng"- vị giám đốc này chia sẻ.
Những giá trị ảo
Chấp nhận những cát- sê cao ngất vì khán giả đang có nhu cầu, đó là một trong những nguyên nhân đẩy mặt bằng cát- sê lên tới mức "trên trời" như hiện nay. Một đơn vị tổ chức biểu diễn cho biết, có những sự kiện mà đối tác đòi bằng được có ca sĩ A thì mới chi tiền tài trợ, trong khi ca sĩ A rất làm cao, kêu giá "khủng" hoặc đang bận dự án này nọ, mà nhà tổ chức vẫn ráng "đu" theo để làm hài lòng đối tác.
Một nguyên nhân khác, đó là sự cạnh tranh của các bầu sô. Đã tổ chức sô ca nhạc, ai cũng muốn chương trình của mình ngon lành, hoành tráng, bán đắt vé. Mà như vậy thì phải mời ca sĩ đang nổi. Khổ nỗi là sao đang nổi thì nhiều bầu săn đón, bởi vậy mới có không ít trường hợp một sao bị hai - ba bầu sô chèo kéo, mời mọc và để chứng tỏ đẳng cấp của mình, bầu nào cũng hét giá lên để kéo sao về mình.
Cuối cùng, cát- sê bị nâng lên vô tội vạ, còn bầu có được sao cũng méo mặt vì đã lỡ ra cái giá cát xê ấy thì về sau "cứ thế mà làm". Vì là mối quan hệ cộng sinh, thiếu bầu thì sao vắng lịch diễn, thiếu sao bầu sô khó kiếm tiền, nên cát- sê đến đâu thì bầu sô cũng phải cố gắng, cho dù đôi khi phải bớt thời lượng chương trình, giảm chất lượng sân bãi, âm thanh...
Đã xảy ra bao nhiêu câu chuyện chẳng hay ho gì liên quan tới tiền cát- sê trong giới showbiz làm phật lòng công chúng, nào là ca sĩ hét giá qúa cao trong các chương trình từ thiện, sở thích khoe hàng hiệu, khoe lối sống ăn chơi xa xỉ, hay chuyện lấy cát- sê làm đẳng cấp để "đấu" nhau, nhưng đến lúc đụng đến thuế thu nhập thì trốn thuế...
Phải chăng, đã đến lúc cần có một sự nhìn nhận nghiêm túc và thực tế về thu nhập của các ngôi sao? Phải chăng, cũng đã đến lúc xã hội đưa họ trở về giá trị tinh thần thật sự mà họ đã tạo nên, chứ không phải sống trên những ảo tưởng, hào quang và nhận thu nhập "trên trời", xa rời nhu cầu công chúng?
Theo Ngọc Mai
Pháp Luật Việt Nam