Múa rối cạn làng Bảo Hà - những cái “độc” có một không hai

(Dân trí) - Nói đến rối cạn làng Bảo Hà, phải dùng đến từ “độc nhất” mới nói được hết cái chất. Khác với phường rối khác thường múa “tay ngoài", chỉ từ một que gỗ được gọi là “tay trong", các nghệ nhân đã điều khiển được con rối nhưng không làm mất đi sự uyển chuyển, linh hoạt.

Làng Bảo Hà, xưa gọi là làng Linh Động, thuộc địa phận xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Nghề rối cạn ở đây được phát triển và lưu truyền từ 7 đời nay, bắt nguồn từ khoảng thế kỷ 16-17.

Những cái “độc” của rối cạn làng Bảo Hà

Rối cạn làng Bảo Hà đặc sắc bởi nó có sự khác biệt so với nghệ thuật múa rối ở các vùng khác và ở các nước khác trong khu vực.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tươm- Đội trưởng đội múa rối cạn vừa là người tạo hình con rối, vừa kiêm luôn diễn viên. Nói về công việc đã dành cả cuộc đời gắn bó, ánh mắt ông không giấu nổi niểm tự hào: “Nói đến múa rối cạn làng Bảo Hà, phải dùng đến chữ “độc” mới nói được hết cái chất của nó. Nhưng không phải độc đáo, mà là độc nhất”.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tươm- Trưởng đoàn múa rối làng Bảo Hà.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tươm- Trưởng đoàn múa rối làng Bảo Hà.

Ở nhiều nơi, các nghệ nhân dùng que ngoài để điều khiển rối. Tuy nhiên, que ngoài có khuyết điểm là lộ rất rõ, dễ nhìn thấy. Con rối truyền thống của làng Bảo Hà hoạt động được chỉ nhở vào một que duy nhất ở bên trong, nhưng vẫn không mất đi sự uyển chuyển, linh hoạt.

Cái “độc” nữa là về tạo hình. Các con rối khác thường được cách điệu hóa, nhưng các nghệ nhân làng Bảo Hà vẫn theo lối truyền thống của ông cha, luôn tạo hình nhân vật đậm chất dân gian, gần gũi với con người Việt Nam.

Con rối truyền thống của làng Bảo Hà hoạt động chỉ nhờ vào một que duy nhất ở bên trong.
Con rối truyền thống của làng Bảo Hà hoạt động chỉ nhờ vào một que duy nhất ở bên trong.

Vừa qua, “Rối cạn kể chuyện”- sự kiện nằm trong dự án Reimagine The Artist/Artisan – Tưởng tượng lại về nghệ sĩ/ nghệ nhân được tổ chức. “Rối cạn kể chuyện” nhằm mục đích đưa đến cho công chúng một cái nhìn khái quát, chân thực về chuyện nghề, chuyện người của làng rối truyền thống Bảo Hà.

Những trích đoạn “Tứ Linh”, “Đôi ngọc lưu ly” được lần lượt được trình diễn trước sự thích thú của khán giả ở mọi tầng lớp, lứa tuổi. Đặc biệt, sự kiện thu hút sự quan tâm của một số khán giả nước ngoài.

Bằng ánh mắt thích thú, các du khách nước ngoài chăm chú theo dõi màn biểu diễn từ đầu đến cuối. Mặc dù không hiểu hết lời hát, ý nghĩa nhưng họ vẫn dành cho các nghệ nhân sự thán phục và khen ngợi sự chuyển động linh hoạt, khéo léo của những con rối gỗ. Một nữ du khách chia sẻ, đây là cơ hội để cô hiểu thêm về những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Một cảnh trong trích đoạn “Đôi ngọc lưu ly”. Các nghệ nhân tâm sự, họ không mất quá nhiều thời gian để tập một vở diễn, bởi đã quá quen, quá thân thuộc với nhân vật của mình.
Một cảnh trong trích đoạn “Đôi ngọc lưu ly”. Các nghệ nhân tâm sự, họ không mất quá nhiều thời gian để tập một vở diễn, bởi đã quá quen, quá thân thuộc với nhân vật của mình.

Chứng kiến sự góp mặt của rất nhiều các bạn trẻ và người nước ngoài có niềm quan tâm với bộ môn nghệ thuật này, nghệ nhân Nguyễn Văn Tươm xúc động chia sẻ: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm của nhiều người, thậm chí của cả những khán thính giả trẻ. Tôi mong đây sẽ là tín hiệu đáng mừng cho bước phát triển của rối cạn trong tương lai”.

Tiền thù lao chỉ đủ xăng xe vẫn quyết tâm giữ nghề

Tình yêu đối với múa rối cạn của nghệ nhân Nguyễn Văn Tươm được nhen nhóm từ khi ông còn nhỏ. Vốn được sinh ra ở “đất” nghề điêu khắc, sơn mài, lại có niềm yêu thích các làn điệu chèo, dân ca, nên ngay từ năm 10 tuổi, ông đã nghe các cụ trong làng hát và tập theo.

Đến năm 17 tuổi, ông bắt đầu tham gia vào đội văn nghệ và liên tục duy trì đến nay. “Từ lúc ấy đến giờ, niềm đam mê trong tôi chưa bao giờ nguội tắt”, ông nói.

Các con rối đang trong quá trình hoàn thiện.
Các con rối đang trong quá trình hoàn thiện.

Các con rối được làm ra bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng Bảo Hà.
Các con rối được làm ra bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân làng Bảo Hà.

Nghệ sĩ Nguyễn Thị Oanh, người sắm vai Thị Phương trong trích đoạn chèo “Đôi ngọc lưu ly” cũng bồi hồi nhớ về cái duyên đến với nghề của mình. Chị ham thích văn hóa, văn nghệ từ “thuở lên ba” và đã sớm xác định sẽ đi theo con đường nghệ thuật truyền thống.

Tuy có một thời gian chị phải dừng đi diễn, nhưng: “Ai đã yêu, đã đam mê thì không thể dứt được. Kể cả như tôi, vì lí do cá nhân mà phải tạm dừng một thời gian, nhưng sau đó nhớ nghề vẫn phải quay trở lại”.

Tuy làng được biết đến với bề dày truyền thống tạc tượng và múa rối cạn, nhưng theo những nghệ nhân lớn tuổi, việc gìn giữ và phát huy những giá trị này là vô cùng khó khăn.

Quyển sổ ghi chép vở chèo cổ Thạch Sanh được lưu giữ từ xa xưa.
Quyển sổ ghi chép vở chèo cổ Thạch Sanh được lưu giữ từ xa xưa.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tươm tâm sự, ngày trước đoàn còn có hỗ trợ về kinh tế của địa phương nên cũng đỡ đi phần nào nỗi lo cho những người làm nghề. Nhưng hiện tại, đoàn phải tự lo mọi việc, không còn trợ cấp nên khá vất vả để phát triển rối cạn. “Cái chính là mình đam mê nên cố gắng theo nó, chứ để kiếm sống bằng nghề này thì không thể”

Đoàn biểu diễn rối cạn làng Bảo Hà.
Đoàn biểu diễn rối cạn làng Bảo Hà.

Mỗi buổi đi diễn xa, tiền thù lao chỉ vừa đủ xăng xe, trang phục và một chút tiền bồi dưỡng ở mức “bình dân” cho các nghệ nhân, có khi chỉ 100.000-200.000đ. Thậm chí những lễ hội ở đình làng, đoàn diễn còn không yêu cầu catse mà đều do các cụ “tùy tâm”. Chính vì vậy, phải là những người thật sự yêu nghề thì mới có thể duy trì.

Các nghệ nhân chuẩn bị trước giờ lên biểu diễn.
Các nghệ nhân chuẩn bị trước giờ lên biểu diễn.

Những nghệ nhân của làng Bảo Hà luôn đau đáu nỗi niềm tìm kiếm người có tâm, có tình với rối cạn để họ “truyền lửa”. Ở làng, không phải thế hệ trẻ đã hết quan tâm tới nghề truyền thống. Họ vẫn làm những việc như tạc tượng, điêu khắc, nhưng “chủ yếu là vì kinh tế”. Còn nếu nói đến nghệ thuật múa rối thì hiện đang thiếu nhân lực, thiếu những người trẻ để tiếp tục giữ lửa cho tương lai.

Hoàng Ngọc