Pháp:

Mua đi bán lại cổ vật giá chênh lệch 28.000 lần, nhà buôn có lừa đảo?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Một thương gia chuyên buôn bán cổ vật và tác phẩm nghệ thuật tại Pháp đã bị kiện ra tòa với cáo buộc lừa đảo. Đôi khi, việc "mua may bán đắt" cũng không phải chuyện tốt đẹp.

Một vụ kiện tại thành phố Nimes (Pháp) đang thu hút nhiều sự chú ý. Nguyên đơn là một cặp vợ chồng cao niên đã ở tuổi 81 và 88. Cặp đôi này từng quyết định dọn dẹp lại nhà cửa hồi năm 2021 và bán đi một số món đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật. Một nhà buôn nghệ thuật đã được mời tới để xem các món đồ mà cặp vợ chồng cao niên muốn bán.

Người này quan tâm tới một chiếc mặt nạ có xuất xứ từ Châu Phi. Ông ta đề nghị mua chiếc mặt nạ với giá 150 euro (tương đương 3,9 triệu đồng), để rồi sau đó âm thầm bán lại với giá... gần 4,2 triệu euro (tương đương 109 tỷ đồng). Mức chênh lệch về giá giữa lúc mua và lúc bán lên tới... 28.000 lần.

Mua đi bán lại cổ vật giá chênh lệch 28.000 lần, nhà buôn có lừa đảo? - 1

Chiếc mặt nạ có xuất xứ từ Châu Phi là tâm điểm của vụ kiện (Ảnh: Daily Mail).

Cặp vợ chồng cao niên chỉ biết về giá trị thật sự của chiếc mặt nạ sau khi đọc được thông tin về một cuộc đấu giá diễn ra ở thành phố Montpellier (Pháp). Bên bán chính là nhà buôn nghệ thuật đã mua chiếc mặt nạ từ cặp vợ chồng cao niên. Lúc này, thông tin về chiếc mặt nạ mới trở nên rõ ràng hơn.

Đây là một tác phẩm thủ công có niên đại từ thế kỷ 19, chất liệu của chiếc mặt nạ là gỗ cây gáo vàng có phủ một lớp đất sét trắng. Chiếc mặt nạ này là một món đồ cổ có giá trị văn hóa và nghệ thuật. Những chiếc mặt nạ dạng này trước đây thường được sử dụng trong các nghi thức ma chay, cưới hỏi và các sinh hoạt cộng đồng tại Gabon - một quốc gia ở Trung Phi.

Hiện tại, trên thế giới, chỉ còn khoảng một chục chiếc mặt nạ cổ dạng này đang được cất giữ tại các viện bảo tàng.

Chiếc mặt nạ đã được lưu giữ trong gia đình cặp vợ chồng cao niên qua nhiều thế hệ. Trước đây, một thành viên trong gia đình từng sinh sống tại Châu Phi hồi thế kỷ 19 đã mang chiếc mặt nạ này về Pháp như một món đồ kỷ vật.

Qua thời gian, các thành viên trong gia đình không còn biết rõ thông tin về chiếc mặt nạ. Đến khi được một nhà buôn nghệ thuật hỏi mua lại với mức giá "bèo", họ đã đồng ý bán.

Mua đi bán lại cổ vật giá chênh lệch 28.000 lần, nhà buôn có lừa đảo? - 2

Hiện tại, trên thế giới, chỉ còn khoảng một chục chiếc mặt nạ cổ dạng này đang được cất giữ tại các viện bảo tàng (Ảnh: Daily Mail).

Tới khi đọc bài báo xoay quanh chiếc mặt nạ được bán ra tại một cuộc đấu giá, họ cho rằng mình đã bị "lừa". Một đơn kiện đã được cặp vợ chồng gửi ra tòa. Ngay lập tức, hoạt động mua bán liên quan tới chiếc mặt nạ liền bị dừng lại, để phục vụ các hoạt động pháp lý sẽ diễn ra.

Theo cặp vợ chồng, nhà buôn nghệ thuật đã lợi dụng lòng tin và sự tín nhiệm của họ để lừa đảo, đưa ra mức giá sai lệch quá lớn so với giá trị thật của món đồ. Rõ ràng, nhà buôn này đã biết về giá trị thật của chiếc mặt nạ, nhưng ông ta không nói cho cặp vợ chồng cao niên biết.

Sau khi đã mua được chiếc mặt nạ, ông ta cũng không trưng bày món đồ trong cửa hiệu của mình để bán, mà âm thầm liên hệ với các nhà đấu giá tại Pháp để nhận được ước tính về giá trị món đồ. Các nhà đấu giá đều đưa ra mức giá lên tới hàng trăm nghìn euro, nhưng khi món đồ thực sự được đem ra đấu giá, con số đạt được còn lớn hơn thế.

Khi biết rằng mình sẽ bị kiện, nhà buôn nghệ thuật đã đề nghị trả cho cặp vợ chồng cao niên số tiền 300.000 euro, nhưng không được chấp nhận.

Theo Daily Mail