Hồi hương cổ vật như Hoàng đế chi bảo đối diện nhiều thủ tục hành chính
(Dân trí) - Đại biểu tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết việc hồi hương các cổ vật như "Hoàng đế chi bảo" phải tuân thủ nhiều thủ tục, quy định gây chậm trễ, khó khăn.
Tại hội thảo Văn hóa 2022 sáng 17/12, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trình bày tham luận về "Chính sách và nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở tỉnh Thừa Thiên - Huế".
Theo ông Bình, một trong những vấn đề nổi bật nhất hiện nay là khó khăn huy động các nguồn lực để hồi hương các di vật, cổ vật, bảo vật có nguồn gốc từ Việt Nam bị lưu lạc ra nước ngoài.
Đây là nội dung được tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm, cùng các Ban, Bộ, ngành tham gia để hồi hương các hiện vật.
"Vừa qua, chúng tôi rất cảm ơn Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã can thiệp kịp thời, có tác động để hồi hương ấn 'Hoàng đế chi bảo'. Đây là hiện vật rất quan trọng", ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, hiện nay chưa có một điều luật hay một văn bản dưới luật nào quy định và hướng dẫn cụ thể việc đưa cổ vật của Việt Nam về nước. Do đó, khi các tổ chức, cá nhân muốn đưa cổ vật hồi hương, phải đối diện với nhiều thủ tục hành chính, nhiều khi còn là sự quản lý chồng chéo của các ngành hải quan, thuế, quản lý văn hóa…
"Tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương đầu tiên tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài cách đây hàng chục năm, có cả thất bại và thành công. Chúng tôi phải tuân thủ nhiều thủ tục, quy định như: Thành lập hội đồng xét duyệt, thẩm định giá trị, niên đại, lai lịch của hiện vật, đàm phán về mức giá… tạo nên sự chậm trễ, khó khăn trong quá trình sưu tầm, đấu giá để đưa các cổ vật về nước cũng như khuyến khích, huy động hiệu quả các cá nhân, tổ chức cùng tham gia vào công tác hồi hương các di vật, cổ vật, bảo vật có nguồn gốc từ Việt Nam bị lưu lạc ra nước ngoài", ông Bình phát biểu.
Từ thực tiễn trên, ông Nguyễn Thanh Bình kiến nghị bổ sung nội dung khuyến khích hồi hương cổ vật; xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích... để đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội.
Trước đó, ngày 19/10, website của hãng đấu giá Millon (Paris, Pháp) đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) (lô số 101) thuộc sưu tập "Nghệ thuật Việt Nam" vào 11 giờ ngày 31/10/2022 (giờ Paris).
Sau đó, hãng Millon hai lần thông báo dời lịch đấu giá ấn vàng nhằm tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua trực tiếp.
Đến tối 14/11, đại diện Lãnh đạo Cục Di sản Văn hóa xác nhận hãng Millon đã đồng ý chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cho Việt Nam. Theo đó, Bộ VHTTDL đã tổ chức đoàn công tác liên ngành tiến hành đàm phán, thương thảo trực tiếp với hãng Millon thực hiện các bước trong lộ trình hồi hương ấn vàng.
Đoàn công tác đã nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và tính xác thực của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hiện đang lưu giữ tại văn phòng hãng đấu giá Millon.
Kết quả nghiên cứu và đối sánh tư liệu, có thể xác định ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" hiện đang rao bán tại hãng đấu giá Millon là hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (năm 1823) như ghi chép trong sử sách (Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ) và trong Biên bản, hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền Thực dân Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8/3/1952 hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.
Trên cơ sở kết quả xác định được tính xác thực của ấn vàng, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp.
Đồng thời, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý liên quan để có thể hồi hương ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của Việt Nam và Pháp.
Ngày 6/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sự kiện đàm phán thành công hồi hương ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đề cử sự kiện văn hóa nổi bật.