Một nhạc sĩ tiền bối của nền âm nhạc Việt Nam đã ra đi…

(Dân trí) - Nhà anh Nguyễn Đức Toàn bé tẹo, nên hôm đến thăm anh mọi người loay hoay mãi mới bố trí được chỗ ngồi chụp ảnh kỷ niệm. Có ngờ đâu đó lại là bức ảnh cuối cùng với anh, người nhạc sĩ đa tài, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam…

Năm nào cũng vậy, cứ trong dịp trước Tết Nguyên đán là mấy anh em lãnh đạo Hội Âm nhạc Hà Nội chúng tôi lại tổ chức đi thăm và tặng quà các nhạc sĩ tiền bối của nền âm nhạc Việt Nam. Năm nay, nhân dịp ngày âm nhạc Việt Nam ngày 3/ 9, Chủ tich Hội Âm nhạc Hà Nội - Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh lại có sáng kiến yêu cầu anh em chúng tôi tổ chức đi thăm một số các nhạc sĩ lão thành: Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân, Hồ Bắc, Hồng Đăng và 2 nhạc sĩ nổi tiếng khác mà sức khỏe giảm sút - nhạc sĩ Thế Song và Huy Thục…

Căn hộ hai phòng 80 mét vuông ở nhà A15 nằm sâu trong khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội. Phòng khách bé tẹo của vị đại tá, nhạc sĩ, kiêm họa sĩ khiến 4 anh em chúng tôi, các nhạc sĩ: Trương Ngọc Ninh, Lân Cường, Quang Vinh, Bá Môn loay hoay mãi mới đủ chỗ ngồi và bố trí để chụp ảnh kỷ niệm với anh.

Có ngờ đâu đó lại là bức ảnh cuối cùng với anh, người nhạc sĩ đa tài, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã chút hơi thở cuối cùng lúc 0g50 phút ngày 7/10/2016 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn chụp ảnh kỷ niệm cùng nhạc sĩ Quang Vinh (trái), nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ Lân Cường (phải) vào đầu tháng 9/2016.
Vợ chồng nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn chụp ảnh kỷ niệm cùng nhạc sĩ Quang Vinh (trái), nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ Lân Cường (phải) vào đầu tháng 9/2016.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10/3/1929 tại Hà Nội. Ông quê gốc ở thôn Quế Ổ, xã Chi Lăng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Đức Toàn vốn học vẽ. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội và đã viết ca khúc đầu tiên “Ca ngợi đời sống mới”.

Năm 1946 ông cùng Đỗ Nhuận tham gia đoàn kịch Sao vàng, sau đó lên đường kháng chiến. Có lần đến thăm anh tôi hỏi:

- Em nghe chị nói ngay từ năm 1948, anh đã tham gia Đoàn Văn công vũ trang tuyên truyền của Phòng Dân quân Liên khu I phải không? Ở đoàn kịch ấy anh chơi guitar à?

Ông trợn mắt nhìn tôi:

- “Diễn viên” hẳn hoi chứ. Mình to cao đóng Tây. Đỗ Nhuận đóng vai du kích. Kịch bản đơn sơ do mình và Đỗ Nhuận tự sáng tác ra để diễn cho bộ đội và bà con xem. Khoái nhất là đoạn “du kích Nhuận” bắt được “Tây Toàn” bèn đè ra mổ bụng và lôi ra được một… tấm bản đồ Việt Nam. Sau này chính quy dần đoàn kịch mới tập các vở của nhà thơ Hoàng Cầm như: “Ngày hội tòng quân”, “Người con nuôi”, “Về với Cụ Hồ”, “Lào Cai giải phóng”….

Từ khi làm Phó đoàn Văn công Việt Bắc, Nguyễn Đức Toàn vừa là diễn viên kịch, vừa vẽ minh họa và trình bày báo, vừa sáng tác âm nhạc. Trong kháng chiến chống Pháp, bài “Quê em” của Nguyễn Đức Toàn đã rất nổi tiếng (tuy là bài hát kháng chiến, nhưng Đài phát thanh Pháp Á trong vùng địch tạm chiếm vẫn phát sóng qua song ca của Thái Thanh – Thái Hằng). Một số ca khúc khác như “Chiều hậu phương”, “Lúa mới” và một số ca cảnh được ông viết trong thời gian này.

Hòa bình lập lại, ông vừa chỉ đạo Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính Trị, vừa sáng tác. Trong nền âm nhạc của ta, có lẽ nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là người sáng tác nhiều ca khúc hay nhất về các liệt sĩ. Đó là những ca khúc nổi tiếng đi vào lòng người như: “Biết ơn chị Võ Thi Sáu”, “Ca ngợi Trần Thị Lý”, “Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”…

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và gia đình năm 1957 (Ảnh St)
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn và gia đình năm 1957 (Ảnh St)

Từ năm 1968 – 1970, ông đi tu nghiệp ở Nhạc viện Kiev (Ucraina). Nhiều tác phẩm khí nhạc đã được hoàn thành và dàn dựng ở nước ngoài như Sonate viết cho violon (dàn dựng và xuất bản ở Matxcơva), Tổ khúc giao hưởng Tổ quốc (dàn nhạc Novosibirk). Ông đã để lại cho đời nhiều ca khúc hay và khi nhắc đến tên ông là người ta không thể quên như “Khâu áo gửi người chiến sĩ”, “Mời anh đến thăm quê tôi”, “Bài ca xây dựng”, “Tình em biển cả”, “Hà Nội - một trái tim hồng”…

Và chính ông dường như là một trong những nhạc sĩ thuộc thế hệ kháng chiến chống Pháp lại bắt đầu mở ra một phong cách nhạc nhẹ ở “Chiều trên bến cảng”… Ông còn viết cantata năm chương “Lời ước nguyện 1.000 năm Thăng Long”…

Tôi chơi thân với anh chị Toàn, nên khi nào vẽ xong một bức sơn dầu anh lại gọi tôi đến xem. Tôi thích nhất các bức sơn dầu: “Về phép” (2000), “Chọi trâu” (2000), “82 xuân Hà Nội” (2000), “Bản Soonats số 1” (2010), “Mẹ 1000 năm Hà Nội” (2010), “Thắng thua” (2010)…

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn nguyên là Ủy viên BCH Hội nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam vì vốn ông đã là cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương…Ông còn là tác giả của 2 tập thơ “Trữ tình” và “Gió”.

Với những đóng góp to lớn của ông – Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã được Nhà nước phong tặng: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật năm 2000, Nghệ sĩ Ưu tú, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba và nhiều huân huy chương khác.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn qua đời để lại nhiều tiếc thương cho người thân, bạn bè và người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn qua đời để lại nhiều tiếc thương cho người thân, bạn bè và người yêu nhạc.

Thương xót ông vô cùng, người nghệ sĩ đa tài, nhưng khiêm tốn, trung thực lại bình dị lạ thường. Có một kỷ niệm mà tôi không sao quên được… Cách đây 8 năm, một lần đến thăm ông, kéo tôi ngồi xuống ghế ông nháy nháy mắt rồi nghiêm giọng nói:

- Cậu trả tiền… bản quyền cho tớ đi.

Tôi ngớ ra không hiểu chuyện gì … Ông lại tiếp:

- Đừng giả vờ. Nhạc “Quê em” là của ai?

Tôi phá lên cười và hiểu ra. Không hiểu ai đã “mách lẻo” với ông…. Vào cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tôi đang là thực tập sinh ở Viện Hàn lâm Liên xô (cũ). Để phê phán chuyện buôn bán của anh em Việt Nam ở Viện Hàn lâm, tôi đã viết lời chế “Đôm anh, Đôm em” dựa theo giai điệu bài “Quê em” của ông. Bài hát được mọi người thích thú và đã được 2 tác phẩm văn học trích dẫn. Ông cười khà khà rồi nói:

- Cậu khá thật đấy… Lại dám phê phán cả mấy cậu Việt Nam ở Sứ quán…

Hôm nay anh đã đi xa, nhưng chúng tôi những người ở lại sẽ mãi nhớ tới anh - một tấm gương sáng về nhân cách, một nghệ sĩ tài ba… Xin chia buồn với Nghệ sĩ kịch nói Hoàng Thúy Nga - người bạn đời chung thủy của ông, cùng các con cháu của Nhạc sĩ!

Nhạc sĩ Lân Cường

Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm