Một năm thất thoát bản quyền trong lĩnh vực biểu diễn

Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chi nhánh phía Nam, tổng số hợp đồng mà VCPMC phía Nam đã ký trong năm 2015 là 3.171 hợp đồng, tương ứng với số tiền đã thu là hơn 44,688 tỉ đồng, vượt 7% so với chỉ tiêu và tăng 12,7% so với năm 2014. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều lĩnh vực trước đây đạt doanh thu cao lại bị thất thoát về tác quyền, điển hình là lĩnh vực biểu diễn giảm 35%.


Chương trình Escape Summer- Rain Forest 2015 bị thất thoát tiền tác quyền.

Chương trình Escape Summer- Rain Forest 2015 bị thất thoát tiền tác quyền.

Nhiều chương trình “lọt lưới” bản quyền

Bên cạnh biểu diễn, những lĩnh vực thất thoát tác quyền cao khác là vũ trường, phòng trà (giảm 26%), website, ứng dụng nhạc (giảm 12%), nhạc chuông, nhạc chờ (giảm 9%). Trong khi đó, một số lĩnh vực khác mới đưa vào khai thác lại đạt doanh số cao như karaoke file midi (đạt 8,8 tỉ đồng), phòng karaoke - phòng thu âm (7,5 tỉ)...

Trung tâm VCPMC cho biết, năm qua, sở dĩ lĩnh vực biểu diễn thất thu nhiều nhất là do hàng loạt chương trình quy mô lớn với số lượng và mức giá cao, bao gồm nhiều live show, sự kiện DJ lại không trả tác quyền. Cụ thể như: Chương trình Sungha Jung Live, Disney Live Mickey’s Music, Đại nhạc hội Unilever, chương trình Standpoint Theories Legends of Vietnam Remix, chương trình Lễ hội “Mật ngữ 12 chòm sao”, Escape Summer 2015 - Lễ hội mùa hè 2015... Đây cũng chính là lý do tạo hiệu ứng dây chuyền tiêu cực khiến nhiều đơn vị tổ chức chương trình nghệ thuật ngày càng lảng tránh thực hiện nghĩa vụ.

Việc thu tác quyền từ các lĩnh vực này vốn đã khó khăn, nay lại sụt giảm đáng kể. Một phần là do trong thời gian qua, Nghị định 79/2012/NĐ-CP chưa phù hợp và đáp ứng yêu cầu của việc thực thi quyền tác giả trong biểu diễn nghệ thuật và băng đĩa nhạc theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Cục Bản quyền tác giả, còn nhiều kẽ hở khiến nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn tìm cách né tránh, không xin phép và trả tác quyền.

Trước đây, để có được giấy phép biểu diễn, hồ sơ cấp phép của các đơn vị tổ chức biểu diễn phải có hợp đồng về quyền tác giả hay giấy chấp thuận cho phép sử dụng tác phẩm của tác giả. Thế nhưng, với sự “thông thoáng” của Nghị định 79, yêu cầu này đã được xóa bỏ, thay vào đó là cam kết thực hiện nghĩa vụ sau khi chương trình kết thúc. Và hệ quả tất yếu là các công ty quỵt tiền bản quyền…

Ngoài ra, nhiều Sở VHTTDL chưa tìm được phương án hợp lý nhằm bảo đảm việc thực thi quyền tác giả trong quá trình cấp phép biểu diễn, dẫn đến nghịch lý là các tác phẩm mà Sở cấp phép lại hoàn toàn thuộc về tài sản cá nhân của các nhạc sĩ, mà theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì phải “xin phép và trả tiền thù lao, nhuận bút” cho tác giả - chủ sở hữu quyền tác giả nếu tác phẩm được sử dụng.

Ở lĩnh vực phát thanh truyền hình, đến nay, vẫn còn một số đài PTTH, đơn vị truyền hình cáp vẫn chưa thực hiện quyền tác giả, như: Truyền hình cáp SCTV, HTVC, Đài PTTH Ninh Thuận, Đài PTTH Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các nhạc sĩ tự “làm khó” mình

Năm 2015, lĩnh vực truyền thông có nhiều biến động về hình thức sử dụng, các lĩnh vực nhạc chuông, nhạc chờ đang ở mức bão hòa, do vậy nguồn thu này giảm đáng kể so với hai năm trước. Lĩnh vực ứng dụng nghe nhạc trên thiết bị thông minh bắt đầu phổ biến và phát triển mạnh, tuy nhiên, nguồn thu chưa cao, do các ứng dụng, các website mới ký như YouTube, Guvera đang trong thời gian thử nghiệm, bắt đầu kinh doanh có thu phí từ năm 2016 trở đi.

Thời gian qua, có tình trạng một số tác giả đã ký hợp đồng ủy quyền với VCPMC để khai thác quyền tác giả ở tất cả các lĩnh vực, nhưng lại đồng thời bán độc quyền, hoặc ký hợp đồng ủy quyền cho các website âm nhạc, các đơn vị kinh doanh nhạc chờ. Tiếp đó, các đơn vị này lại tiếp tục bán lại cho đơn vị khác gây rối loạn. Theo VCPMC, đây là vấn đề hết sức bất lợi cho các tác giả vì không kiểm soát hết các hình thức sử dụng và khai thác tác phẩm của các đơn vị này trên thị trường, đồng thời gây khó khăn cho trung tâm này trong quá trình cấp phép và đàm phán.

Trong lĩnh vực file-midi karaoke, mặc dù số tiền tác quyền thu được tăng cao, nhưng còn xảy ra tình trạng một số đơn vị sản xuất, kinh doanh cố ý vi phạm hợp đồng. Họ tự ý phân phối, bán đĩa cho nhiều thương hiệu đầu máy khác khi chưa hề có thỏa thuận, hợp đồng với VCPMC về quyền phân phối, đơn cử trường hợp vi phạm hợp đồng của Công ty Đông Hải và Công ty I-Music. Mặc dù VCPMC đã gửi văn bản yêu cầu các đơn vị này chấm dứt việc vi phạm hợp đồng nhưng tình trạng trên vẫn tiếp tục xảy ra.

Theo Minh Thi
Lao Động

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm