Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012

(Dân trí)- Những bức ảnh này đoạt giải Ảnh của năm do Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc bình chọn. Đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện khiến chúng ta phải lặng đi..

Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc UNICEF định kỳ mỗi năm đều tổ chức giải Ảnh của năm. Những bức ảnh xuất sắc nhất khắc họa cuộc sống của thiếu niên, nhi đồng trên thế giới trong năm đó sẽ được tôn vinh.

Giải nhất, nhiếp ảnh gia Alessio Romenzi, người Ý

Tít ảnh: Giữa hai bờ chiến tuyến (chụp tại Syria)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Trong ảnh, một em bé xinh xắn đứng trên sàn gạch trắng nhuốm máu của bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Aleppo, Syria - đất nước đang diễn ra những cuộc xung đột đẫm máu. Xung quanh em là những người đàn ông có vũ trang, em nắm chặt tay cha để chờ tới lượt được vào khám.

Giải nhì, nhiếp ảnh gia Abhijit Nandi, người Ấn Độ

Tít ảnh: Cuộc sống như đi trên dây (chụp tại Ấn Độ)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Nhiếp ảnh gia Abhijit Nandi khắc hoạ lại cuộc sống của những trẻ em Ấn Độ phải sống trong nghèo đói. Các em phải làm việc vất vả, cực nhọc, thậm chí mạo hiểm cả bản thân để kiếm sống nhưng ăn vẫn không đủ no và không được tới trường. Có những em phải hoàn toàn tự lập ngay từ nhỏ, phải cố gắng vật lộn để sinh tồn với những nghề nghiệp lao động chân tay. Em bé trong ảnh được thu nhận vào một đoàn xiếc dạo, em tập luyện với những đạo cụ thô sơ và chẳng có bất cứ thiết bị bảo hiểm nào.

Giải ba, nhiếp ảnh gia Andrea Gjestvang, người Nauy

Tít ảnh: Ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời (chụp tại Nauy)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Ngày 22/7/2011, kẻ sát nhân Anders Breivik làm phát nổ một chiếc xe ô tô có chứa bom làm 8 người thiệt mạng. Sau đó, hắn xả súng vào khu cắm trại của thanh thiếu niên gần đó làm 69 người nữa thiệt mạng. Nhiếp ảnh gia Andrea Gjestvang đã đi khắp đất nước để chụp lại chân dung của 43 trong tổng số 495 người sống sót sau vụ việc kinh hoàng đó. Đa số họ đều là những thanh niên trẻ. Sau vụ việc này, tất cả họ đều phải chiến đấu với nỗi sợ hãi, có người phải sống sót với thương tật vĩnh viễn.

Cuộc sống của Cecilie, cô gái xuất hiện trong ảnh đã hoàn toàn thay đổi kể từ đó. Một người bạn của Cecilie đã không thể thoát khỏi họng súng của kẻ sát nhân điên loạn. Cecilie cũng bị thương nặng. Cô mất một cánh tay và bị một viên đạn bắn trúng răng. Dù bị thương nặng như vậy, nhưng cô gái 17 tuổi cho biết sau sự việc đó cô thực sự trân trọng cuộc sống của mình hơn trước.

Giải tư, nhiếp ảnh gia Laerke Posselt, người Đan Mạch

Tít ảnh: Những đứa trẻ xinh xắn (chụp tại Mỹ)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Nhiếp ảnh gia Posselt chụp lại hai em bé trong hậu trường của một cuộc thi bé khoẻ bé đẹp được tổ chức rầm rộ ở Mỹ. Những bé gái còn rất nhỏ này được ăn vận và trang điểm, thậm chí đi tắm nắng, làm tóc và học đi trên sàn catwalk như những người mẫu chuyên nghiệp. Những chương trình truyền hình làm về các cuộc thi nhan sắc nhí như vậy thường có tỉ lệ người xem rất cao nhưng đồng thời cũng gây tranh cãi về những ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ.

Ngoài ra, còn có 8 bức ảnh khác được vinh danh:

Nhiếp ảnh gia Daniel Berehulak, người Úc

Tít ảnh: Nỗi ám ảnh nghèo đói (chụp tại Ấn Độ)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Rất khó để có thể hình dung những gì mà những đứa trẻ này phải trải qua, hàng ngày chúng phải làm quần quật trên những kênh đào có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Các em mạo hiểm cả bản thân để kiếm được vài vốc than đá đem đi bán lấy vài rupi giúp bố mẹ.

Nhiếp ảnh gia Andrea Diefenbach, người Đức

Tít ảnh: Trẻ em bị bỏ lại ở nhà (chụp tại Moldova)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Những đứa trẻ này phải tự lo liệu cho mình, đứa lớn trông đứa bé. Gần 1/3 trẻ em ở Cộng hoà Moldova không sống cùng cha mẹ. Thường các em chỉ được gặp cha mẹ vài tháng một lần hoặc thậm chí cả năm hoặc nhiều năm.

Số tiền mà cha mẹ các em kiếm được ở nước ngoài tại các trại dưỡng lão hay trên các nông trại không đủ để họ có thể thường xuyên về nhà thăm con. Nhiếp ảnh gia Andrea Diefenbach cũng đã từng thực hiện một cuốn sách ảnh với chủ đề “Đất nước vắng bóng những ông bố bà mẹ”.

Nhiếp ảnh gia Hossein Fatemi, người Iran

Tít ảnh: Chiến tranh liên miên, nạn đói và chết chóc (chụp tại Somali)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Nhiếp ảnh gia người Iran Hossein Fatemi đã cho thấy chiến tranh ảnh hưởng tới trẻ em như thế nào tại Somali. Những bức hình của anh cho thấy cuộc chiến sinh tồn mỗi ngày của người dân nơi đây trước bạo lực và nạn đói. Cuộc sống của họ luẩn quẩn trong những trại tị nạn và không có tương lai. 

Nhiếp ảnh gia Diana Markosian, người Nga

Tít ảnh: Trở về với tôn giáo (chụp tại Chechnya)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Gần đây, chính quyền Chechnya khôi phục lại những quy chuẩn đạo đức tôn giáo truyền thống. Theo đó, phụ nữ Chechnya phải choàng khăn đội đầu khi đi học và đi làm. Việc cầu nguyện hàng ngày đã trở thành một phần trong lịch trình sinh hoạt. Những mối quan hệ nam nữ bị quan tâm sát sao hơn bao giờ hết. 

Trong ảnh, cô nữ sinh 17 tuổi đang trong phòng cầu nguyện. Sự đối lập giữa trang phục truyền thống và đôi giày cao gót thời trang trong ảnh đã ngầm kể câu chuyện về sự mâu thuẫn giữa những quy chuẩn đạo đức khắt khe và đã lỗi thời trước một nhịp sống hiện đại, thay đổi nhanh đến chóng mặt.

Nhiếp ảnh gia Alex Masi, người Ý

Tít ảnh: Thảm họa hôm qua là bi kịch hôm nay (chụp tại Ấn Độ)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Tháng 12/1984, một bình gas nổ ở xưởng sản xuất thuốc trừ sâu tại thành phố Bhopal, Ấn Độ làm phát ra 40 tấn chất độc vào không khí. Hàng ngàn người đã chết ngay sau vụ tai nạn và vô số những người khác bị mù, bị tổn hại thần kinh, bị liệt, phù phổi… Nhưng những hậu quả lâu dài mới thật đáng sợ khi những đứa trẻ dị dạng ra đời, có những em bị thiểu năng. Ngày nay, tại khu vực này, những thông số môi trường cho thấy các chất độc hóa học vẫn tiếp tục ngấm sâu vào đất và nước ở đây. 

Nhiếp ảnh gia Michelle Sank, người Anh

Tít ảnh: Cơ thể tôi thuộc về tôi (chụp tại Anh)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Ở độ tuổi nào thì trẻ vị thành niên nên được tự do thể hiện bản thân? Cô gái xuất hiện trong ảnh đã sử dụng botox để thẩm mỹ mặt từ khi 15 tuổi. Botox có thể gây ngộ độc thần kinh. Những cô gái khác ở Anh cũng muốn được làm phẫu thuật thẩm mỹ từ độ tuổi 15, 16. Thậm chí ở tuổi này, có những bạn trẻ đòi tiến hành chuyển giới. Trong xã hội hiện đại, các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục nên làm thế nào khi con cái đòi hỏi sự tự do quyết định đối với bản thân và cuộc đời chúng từ quá sớm.

Nhiếp ảnh gia Asa Sjostrom, người Thụy Điển

Tít ảnh: Đứa con của phù thủy (chụp tại Ghana)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Một số khu vực ở Châu Phi mãi luẩn quẩn trong bạo lực, nghèo đói, bất ổn, thiên tai khiến người dân cảm thấy lo sợ. Họ muốn tìm ra lời giải thích cho những hiện tượng đó. Ở một số nơi, họ đổ lỗi cho phù thủy. Năm 2011, nhiếp ảnh gia Sjostrom đã gặp một nhóm phụ nữ bị cho là phù thủy. Họ phải sống trong một khu lều lán tạm bợ, không điện nước. Họ sống xa lánh mọi người vì thường xuyên bị đánh đập, đe dọa và sỉ nhục. Đứa trẻ này là con của một người phụ nữ đáng thương như thế.

Nhiếp ảnh gia Christian Werner, người Đức

Tít ảnh: Nghi thức cắt bao quy đầu (chụp tại Thổ Nhĩ Kỳ)

Một khoảng lặng với trẻ em thế giới năm 2012



Mỗi năm, khoảng 1,5 triệu bé trai Thổ Nhĩ Kỹ phải thực hiện nghi lễ này. Đa số các em đều cảm thấy rất ngại ngùng nhưng nó được coi là nghi thức vô cùng quan trọng đối với một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ. Vào ngày trọng đại đó, các em được ăn vận như những vị hoàng tử để bước vào phòng phẫu thuật. Đương nhiên sau cuộc phẫu thuật đó, em nào cũng phải chịu đựng sự đau đớn.

 
Pi Uy
Theo UNICEF