Một chút tri âm với Trần Đăng Khoa - “Biển một bên...”

Không ít người nói không biết lúc nào Trần Đăng Khoa nói thật, lúc nào Trần Đăng Khoa nói đùa, vì nhiều khi anh đùa như thật, mà có lúc thật lại như đùa. Nhưng có một điều, khi nói về lính, và đặc biệt về lính biển, Trần Đăng Khoa chưa bao giờ tếu táo.

 

Một chút tri âm với Trần Đăng Khoa - “Biển một bên...” - 1
Trần Đăng Khoa bây giờ

 

Chợt nhớ lần đầu tiên gặp anh ở bệnh viện quân đội 103 hồi năm 1984, thời mà bài thơ “Thơ tình của người lính biển” vừa mới được Hoàng Hiệp phổ nhạc, rất nổi tiếng. Người ta nói anh vào viện để chữa mắt, dưỡng mắt vì  “lênh đênh trên biển lâu ngày, thiếu Vitamin C nên mắt bị hỏng nặng”.

 

Ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy Trần Đăng Khoa với bộ đồ lính, ngồi trên giường bệnh viện có ba lô bộ đội và  cả bộ chăn màn màu xanh gấp ngay ngắn, trông anh chẳng giống chút xíu nào với hình ảnh thần đồng thơ trong tưởng tượng của tôi. Lúc đó, hỏi những bài thơ viết về đảo, Khoa chỉ cười hiền hiền, nói vài câu, đại ý - mà giờ đây tôi mới hiểu hết vì sao anh lại nói thế: “Thơ là thơ. Thực tế còn lãng mạn và dữ dội hơn mà người chưa ra biển, không ở đảo thì  không thể hình dung được”.

 

25 năm sau, đọc lại bài thơ “ Đợi mưa trên đảo Sinh tồn”, có lẽ tôi mới cảm nhận được phần nào ý chí, tâm hồn của người lính đảo được thể hiện qua những con chữ của lính biển - nhà thơ Trần Đăng Khoa

 

Khi ở giữa đại dương mênh mông sóng vỗ, sự kiên trung của người lính biển như được hun đúc thêm bởi ý chí quật cường của dân tộc Việt hàng ngàn năm. Và mỗi khi biển Đông không bình yên, lại thấy những câu thơ như thế này của Trần Đăng Khoa như là một điềm báo, và vô cùng sâu sắc:

 

...Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên

Bão táp chưa ngưng  trong những vành tang trắng

 

...Vòm trời kia có thể sẽ không em

Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ

Cho dù thế thì anh vẫn nhớ

Biển một bên và em một bên...

 

Trần Đăng Khoa là nhà văn, đồng thời cũng là người lính biển - người cầm súng, có mặt rất sớm ở Trường Sa. Chính thời gian ở biển, đảo đã làm nên một Trần Đăng Khoa trong cả văn và thơ, một thành công đáng kể của anh ở tuổi trưởng thành. Một thành công có thể sánh ngang với thành tựu của Trần Đăng Khoa thần đồng mấy chục năm trước, có phần lại còn đa dạng hơn, phong phú và sâu sắc hơn...

 

Trần Đăng Khoa thần đồng đã trở thành lính biển như thế nào?

 

Mùa xuân 1975 có đợt tổng động viên trong cả nước, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Khoa đang học dở lớp 10 (tương đương lớp 12 bây giờ) thì vào lính, như bất cứ mọi thanh niên nào ở làng quê anh. Lớp anh có 54 học sinh, thì 49 người nhập ngũ. Con trai đi, con gái cũng đi. Sau nhiều lớp huấn luyện, sử dụng thành thạo tất cả các loại vũ khí, Khoa được chuyển qua Bộ tư lệnh Hải quân.... Anh đã đi  qua 25 đảo. Anh là một người lính thực thụ chứ không phải là một nhà văn đi thực tế.

 

Tại sao ngày đó, biển đảo chưa phải là đề tài nóng mà nhà  thơ Trần Đăng Khoa đã biết chọn đại dương là mảnh đất lập danh cho mình ở tuổi trưởng thành?

 

Tôi đâu có chọn. Đó là việc tất yếu của người lính. Đã là lính thì nhiệm vụ nó chọn mình chứ mình làm sao mà chọn được nhiệm vụ. Biển mênh mông nước nhưng lại không có nổi một giọt nước ngọt nuôi sống người lính. Biển rất kỳ vĩ, nhưng không thể chở che. Lính bộ binh có cây lá ngụy trang, có đất làm chiến hảo, làm những căn hầm che chở. Nhưng lính biển chẳng có nơi nào ẩn nấp khi có địch đến. Che chở cho mình lại chính là lòng dũng cảm của chính mình thôi. Không có hình ảnh nào lãng mạn như hình ảnh người lính hải quân trước sóng gió. Nhưng cũng không có hình ảnh nào dữ dội như sự hi sinh của người lính trên biển. Người ta nói chết thì “mồ yên mả đẹp” nhưng với lính biển thì không. Không có cả mộ. Và ngay cả khi đã chết rồi, dù chỉ còn mảnh xương tàn, thì mảnh xương ấy cũng vẫn phải tiếp tục vật lộn với sóng gió, bão táp.

 

Biển đảo là một đề tài lớn, rất lớn, nhưng lại ít người khai thác, và có khai thác được cũng không dễ thành công. Mà có thành công cũng ít được chú ý. Hình như đó vẫn là một vùng đất hẻo lánh nhưng rất màu mỡ, luôn  tiếp tục thu hút, thử thách nhiều sức vóc đến cày xới, khám phá, sáng tạo. Tất nhiên, bình tĩnh, rỗi rãi thì nghĩ thế, còn thực sự ở trong cuộc lại thấy mọi sự nhẹ tênh. Tôi cũng như nhiều người lính biển khác, về hải quân, ra biển đảo là để làm lính chứ không phải làm thi sĩ, văn sĩ...

 

Khi là lính biển, anh có chứng kiến sự hi sinh nào thực sự ám ảnh  không?

 

Nhiều. Sự hi sinh đa dạng lắm. Bệnh tật. Sóng gió. Rồi những trận đánh giáp lá cà, không nổ súng. Và hoàn toàn im lặng. Chỉ có trời biết. Biển biết. Và người hy sinh biết mà thôi. Rồi cả những cái chết rất vu vơ. Ngay trong chuyến đi Trường Sa đầu tiên của tôi, có cả bộ đội và dân sự. Một anh kỹ sư thủy sản. Anh ra đảo nghiên cứu việc nuôi và khai thác hải sâm ở Trường Sa. Tôi còn nhớ gương mặt anh: trẳng trẻo, thư sinh, đôi mắt ngơ ngác sau cặp kính cận. Anh đi chuyến xuồng sau tôi và qua mép san hô thi bị lật xuồng. Đây chính là chỗ nguy hiểm nhất. Ngoài khơi ngay cả ngày biển lặng, vẫn có sóng ngầm húc vào vách đảo và cuộn lên thành sóng bạc đầu ngay ở mép san hô. Người bị lật xuồng có thể bị sóng cuốn, hoặc sống dồi quật vào đá san hô. Anh kỹ sư thủy sản hy sinh như thế. Sau rất nhiều ngày, vẫn chưa tìm được xác...

 

Tất nhiên, hồi ấy yên bình hơn bây giờ. Yên bình nhưng vẫn có tranh chấp. Nhưng là tranh chấp hòa bình. Ví dụ, đảo của ta, ta đang giữ, vậy mà bọn người nhái vẫn lẻn vào rồi bí mật chôn mốc chủ quyền của họ. Rất vớ vẩn và khó chịu...

 

Hồi đó, ở Trường Sa, anh có từng có nghe về trận hải chiến 1974 để bảo vệ Hoàng Sa không?

 

Khi hòn đảo này bị mất năm 1974, tôi còn là học sinh phổ thông chứ chưa phải là lính. Tôi biết tin đó là qua đài của Chính quyền Sài Gòn và Đài Hoa Kỳ. Dẫu Hoàng Sa bị giành giật từ tay ai thì vẫn là đất đai của Tổ quốc mình, vẫn là nỗi đau xót.

 

Với tư cách là một nhà thơ, anh nghĩ thế nào về những chiến sĩ vệ quốc đã hi sinh? Nên tôn vinh thế nào cho công bằng và xứng đáng với những anh hùng giữ nước trong hơn 4000 năm nay của dân tộc Việt?

 

Tôi nghĩ rằng những anh em người Việt của chính quyền Sài Gòn đã bảo vệ Hoàng Sa, chết vì Hoàng Sa, cũng cần được ghi nhận như là những người anh hùng khác đã hi sinh vì toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Và khi chiến tranh đã lùi xa rồi, Tổ quốc đã thống nhất rồi, chúng ta cũng cần có cái nhìn mới hơn đối với những người đã khuất ở phía bên kia.

 

Tất nhiên bảo vệ Hoàng Sa, hi sinh vì Hoàng Sa không chỉ có năm 1974, khi chúng ta bị mất đảo, mà trước đó hàng chục năm, hàng trăm năm, thậm chí từ thế kỷ 17, cha ông chúng ta đã canh giữ Hoàng Sa rồi.  Hiện nay ở vùng đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, vẫn còn tục khao lề thế lính (đó là hình thức dùng hình nhân thế mạng cho lính). Trước biển cả, số phận con người vô cùng mỏng manh. Hồi đó, đồng bào theo lệnh vua ra đảo giữ nước. Ra Hoàng Sa vất vả nhiều bề, lại đi bằng thuyền nan, có đi mà không có về. Nhưng vẫn đi, vì đó là Tổ Quốc, là đất hương hỏa của ông cha, cần phải gìn giữ và bảo vệ bằng tất cả mọi giá.

 

Hoàng Sa mây nước chập chùng

Người đi thì có mà không thấy về…

 

Chúng ta có hàng trăm câu ca dao như thế, nằm rải rác trong dân. Những người dân từng ở đảo truyền kể lại, Hoàng Sa đất đai trù phú, đẹp, có nước ngọt. Ở giữa đảo còn có một pho tượng Phật rất kỳ vĩ do cha ông chúng ta đã xây dựng. Không biết giờ còn không?

 

Tôi đã từng đọc một bài viết của anh về “Cánh rừng Đại tướng”, về “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”,  trong đó có chi tiết mang nỗi xót xa của anh về những mất mát do chiến tranh. Có một nỗi niềm trắc ẩn nào đó từ trái tim của một nhà thơ Trần Đăng Khoa về những người đã ra đi trong hai cuộc chiến, dù bên này hay bên kia...

 

Tôi từng gặp không ít bà mẹ, có người con là liệt sĩ và một người con cũng đã chết trận ở phía bên kia, hai tấm ảnh, cùng nằm chung trên một  ban thờ. Cùng là con của một bà mẹ. Chỉ bà mẹ mới thấu hết nỗi xót xa đau đớn. Nhà thơ Trần Nhuận Minh rất thấm thía nỗi khổ cực của những gia đình ở trong cảnh giằng xé:

 

Ta thì bảo theo địch

Địch lại rằng theo Ta

Thời nào cũng lận đận

Cũng không yên cửa nhà

 

Và cả đến khi đã chết, nỗi đau chia cắt cũng vẫn chưa hết, vì vẫn ở hai chiến tuyến:
 

Hai em trai chết trận

Chiến tranh ở hai đầu

Ảnh thờ  mờ sương khói

Vẫn không nhìn mặt nhau…

 

Đối với bất kỳ dân tộc nào, chiến tranh cũng vẫn là một nỗi bất hạnh. Và khi đã đủ độ lùi thời gian, chúng ta cũng nên xóa những cách ngăn trong lòng người để toàn dân tộc thành một khối, toàn tâm toàn lực bảo vệ non sông, xây dựng đất nước. Chỉ có toàn tâm, toàn lực thì đất nước mới vững mạnh.

 

Tôi không phải là người đầu tiên và duy nhất nghĩ về điều này. Đọc trên báo thấy từ năm 2001, vần đề “tổ chức một lễ cầu siêu cho vong linh những người đã chết trong chiến tranh” ở cả hai phía, đã được nêu lên trong thư của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt. Rồi nhà báo, nguyên Ủy viên TƯ  Đảng, ông Hữu Thọ cũng từng nói tới điều này... Tôi nghĩ, những người bình thường như tôi, như chị, mà nghĩ được thế đã là tốt, dù đó là lòng tốt không có hiệu quả. Nhưng những người lãnh đạo ở cấp cao như ông Kiệt, ông Thọ, đặc biệt là những người đang thực quyền, mà nghĩ đến điều ấy, làm được điều ấy, thì thật may mắn cho dân và quả là một hồng phúc cho dân tộc.

 

Đúng là thống nhất non sông mà chưa thống nhất lòng người thì khó vui được và cũng đâu phải đã thống nhất hoàn toàn, Không có biên giới trên đất đai, nhưng lại có biên giới trong lòng người thì đau xót lắm, đau xót vô cùng. Sự chia cắt ấy, dù bằng cả máu xương cũng đâu đã dễ xóa được

 

Phải xóa cái vết hằn ấy đi, thì dân tộc mới mạnh lên được. Và non sông cũng vững bền hơn. Khi lòng dân là một khối thì chúng ta không ngại bất cứ một thế lực nào. Điều này chúng ta cũng lại phải học Cụ Hồ thôi. Tôi cho rằng, rất nhiều bài toán hóc búa, cứ học Cụ Hồ, ta sẽ tìm ra lời giải. Có những bài toán, chính Cụ đã giải rồi, mà ta vẫn lúng túng, loanh quanh, thậm chí có khi chúng ta còn quên.

 

...Buổi chiều ngày 26/7/2011 có không khí thật đặc biệt trong căn phòng làm việc của  Trần Đăng Khoa -  “Góc sân và khoảng trời” và Trần Đăng Khoa -  “Đảo chìm” “Biển một bên và em một bên”. Một Trần Đăng Khoa trầm mặc hơn. Không sôi động, không hài hước như vẫn có.

 

  anh chợt bật dậy như lò xo khi được hỏi “anh có đang nuôi đề tài nào về biển, đảo và lính biển không?”: “Có chứ! Có chứ! Nếu không viết, tôi không còn là tôi”.

 

Dường như trái tim của anh vẫn canh cánh về biển đảo.

 

Lương Bích Ngọc

Theo Bee.net

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm