Một chút nghĩ ngợi chuyện 300.000 đồng/cặp vé xem kịch

Có rạp riêng, tự vận hành hệ thống, chẳng mấy khi phải đi thuê ở những trung tâm thương mại đắt tiền, nhưng các rạp hát luôn bán vé xem kịch đắt hơn nhiều so với những tác phẩm "bom tấn".

Lâu nay xã hội mặc nhiên thừa nhận rằng các sân khấu truyền thống ở TP.HCM "sống" tốt hơn nhờ người dân luôn dành thời gian thưởng thức nghệ thuật vào cuối tuần, nghỉ lễ. Nhưng chắc chắn, chưa có một cuộc đánh giá chính thức nào chứng minh người dân ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, thờ ơ với các nhà hát.

Vẫn chỉ có những nhận định chung chung là, đối tượng đến rạp chủ yếu là người lớn tuổi, rằng kịch ở miền Bắc "cứng" hơn miền Nam nên khó hút khán giả... Đa số đều cảm tính và chưa có một nghiên cứu chính thức nào. Do đó, có lẽ nên bắt đầu bằng những con số cụ thể: 300.000 đồng là một cặp vé xem kịch Lưu Quang Vũ vào trung tuần tháng 8 vừa qua, ở Nhà hát Tuổi Trẻ.

Một chút nghĩ ngợi chuyện 300.000 đồng/cặp vé xem kịch

Dẫu kịch hay đến mấy thì với mức giá như hiện tại cũng khó "lôi" khán giả đến rạp đều đặn. Ảnh: Hoàng Xuân

Ai bỏ 300.000 đồng mua cặp vé?

Hà Nội tập trung đến gần 20 nhà hát, đoàn sân khấu với đủ các thể loại: Tuồng, chèo, cải lương, kịch nói... nhưng hiếm hoi lắm mới điểm được một rạp thường xuyên đỏ đèn.

Có một thực tế đáng buồn của sân khấu phía Bắc mà ai cũng hiểu đó là đối tượng khán giả vẫn chủ yếu mang hơi hướng “bao cấp”. Nghĩa là các nhà hát chủ yếu trông chờ vào việc bán vé cho các cơ quan, tổ chức cho nhân viên đi xem chứ không phải khán giả “thực” theo đúng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, chấp nhận bỏ tiền túi ra mua vé.

Là một trong những nhà hát có tiếng là “giữ giá” nhất ở phía Bắc, Nhà hát Tuổi trẻ cũng đang lay lắt trước nhiều khó khăn chinh phục khán giả.

Nhiều ý kiến cho rằng, giá vé từ 120.000 – 150.000 đồng của Nhà hát Tuổi trẻ tuy không phải là cao nhưng so với thu nhập bình quân thì là mức tiền khiến công chúng phải đắn đo. Bên cạnh đó, nếu nhìn ra thế giới, cái giá để thưởng thức nghệ thuật ở ta dường như vẫn chưa phù hợp.

Cạnh tranh trực tiếp với nhà hát hiện nay là nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí. Cụ thể nhất là các rạp chiếu phim, ngay cả những trung tâm lớn tại Hà Nội như: Trung tâm chiếu phim quốc gia, Megastar, Lotte, Platium, Fansland… giá vé cũng chỉ dao động từ 40.000 – 70.000 đồng, riêng phim 3D dao động trên dưới 100.000 đồng dù giá thuê mặt bằng, dịch vụ ở các địa điểm này là hết sức đắt đỏ.

So sánh kịch với phim thì khó tương đồng nhưng sản phẩm nào đến tay công chúng cũng đều phải qua những chi phí sản xuất, phân phối và trình diễn. Các rạp hát không những bớt được khâu phân phối mà còn chẳng mất tiền để thuê địa điểm, nhân sự tại các trung tâm thương mại lớn.

Vở kịch Mùa hạ cuối cùng sẽ được diễn miễn phí 100 buổi

Vở kịch "Mùa hạ cuối cùng" sẽ được diễn miễn phí 100 buổi

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH về vấn đề này, NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: “Không phải nhà hát chúng tôi cứ bán được vé là chia nhau tiền. Trên thực tế, đời sống anh em nghệ sỹ không thể chỉ trông chờ vào chuyện đứng trên sân khấu. Với một đêm diễn họ chỉ nhận được thù lao từ 120.000 – 200.000 đồng".

"Vậy câu hỏi đặt ra sẽ là họ sống bằng gì? Đó là do họ tự bươn chải thêm những lúc không đứng trên sân khấu. Tôi nghĩ giá vé đó không phải cao. Vấn đề là khán giả có vượt qua được những sự tính toán nhỏ nhặt để đến với tình yêu sân khấu hay không. Một khi đã không có đam mê thì ngay cả mở cửa miễn phí vẫn ế như thường! Nói riêng về kinh phí, như seri kịch Lưu Quang Vũ tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, chúng tôi phải chi trả giá thuê hội trường rất đắt trong khi giá vé vẫn chỉ có thế. Cũng chính tại nơi đây, nhiều đêm nhạc còn có giá vé “khủng” hơn gấp bao nhiêu lần mà người xem vẫn rất đông”, ông Trung nói.

Hiện tại, Nhà hát Tuổi trẻ đang thực hiện dự án chiếu miễn phí 100 buổi vở “Mùa hạ cuối cùng” của Lưu Quang Vũ cho học sinh, sinh viên các trường đại học, THPT trên địa bàn Hà Nội. Nhưng ngay cả khi diễn miễn phí, Nhà hát cũng vẫn vừa làm vừa… run bởi lo lắng chẳng biết khán giả trẻ và nhà trường có “yêu” mình cho đến hết dự án hay không.

Sức “ì” từ đâu?

Nhưng ngay cả khi các rạp bán với mức giá "xót ruột" đó, chất lượng các vở diễn đã không chắc đã tương đồng. Và một cách logic, không ai muốn bỏ ra 300.000 đồng/cặp vé cho những vở kịch không làm họ "sướng". Như vậy, việc khán giả đều đặn đi xem kịch là một điều không tưởng, trong khi họ luôn theo dõi có phim gì mới để đi thưởng thức, có ca sĩ nào hát ở đâu để tới coi.

Theo dõi sân khấu Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây sẽ thấy xuất hiện 2 thực trạng: Trong khi sân khấu phía Bắc “vắng như chùa bà Đanh” thì phía Nam luôn tất bật với guồng quay dựng – diễn.

Tâm lý cởi mở của người miền Nam đã hình thành thói quen ra khỏi nhà vào buổi tối để đến với các nhà hát, các sân khấu kịch. Điều cuốn hút họ và kéo họ trở lại ở chính các vở diễn. Đa phần những vở kịch phía Nam là yếu tố hài hước kể cả với các vở chính kịch.

Giới chuyên môn cho rằng, lý do chính khiến các nhà hát chưa thu hút được người xem là bởi quá khan hiếm kịch bản hay, những đề tài mang hơi thở đương đại.

Bên cạnh đó, đội ngũ những người viết kịch bản cho sân khấu ở ta không ít, nhưng đa số lại là các “lão làng” trong khi quan niệm sống và cách nhìn của họ khác hẳn với thế hệ hôm nay. Một lý do nữa chính là lối diễn xuất “vô hồn” của một bộ phận diễn viên và xu hướng xa rời sân khấu của khán giả.

“Vòng phấn Kavkaz” làm nên hiện tượng đắt khách hiếm hoi

“Vòng phấn Kavkaz” làm nên hiện tượng đắt khách hiếm hoi

Gần đây, vở kịch “Vòng phấn Kavkaz” - tác phẩm kinh điển của Bertolt Brecht đã trở thành “hiện tượng sân khấu” tại Hà Nội. Khán giả đội mưa đến lấp đầy 700 chỗ ngồi suốt 4 đêm diễn tại Nhà hát Tuổi trẻ. Riêng đêm cuối cùng vào ngày 19/9, nhiều người không ngần ngại đứng bất cứ chỗ nào còn trống trong rạp hát để không bỏ lỡ vở kịch.

Điều gì đã khiến “Vòng phấn Kavkaz” nóng đến thế? Đó chính là việc đạo diễn đã mạnh tay loại bỏ những khung “truyền thống” của sân khấu cũ để chinh phục những khán giả đương đại. Cách đạo diễn cố tình “mắc lỗi”, đánh lận ký ức với hiện tại, sân khấu với đời thực đã khiến khán giả không thể lãnh đạm với sân khấu.

Thiết nghĩ, sự co cụm, bảo thủ hay ồn ào nhưng nhạt nhẽo, nông cạn đều thể hiện sự loay hoay để tìm cho ra một con đường chinh phục khán giả. Và câu hỏi ấy dường như vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Theo Thùy Phương
Gia đình & Xã hội