Môi trường sáng tác bất lợi khiến nạn “đạo” thơ văn nở rộ

(Dân trí) - “Tại sao lại đặt vấn đề tranh cãi xem bài thơ này ai là người viết trước. Một xã hội văn minh không ai lại cãi nhau như thế mà cần hỏi, ai là người công bố, đăng ký bản quyền với tác phẩm trước” - Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trao đổi với PV Dân trí về tình trạng “đạo” nở rộ.

Câu chuyện đạo thơ một lần nữa lại vừa xảy ra với một người cầm bút được đánh giá là có tài, có vị trí không thấp trên văn đàn. Đi tìm nguyên nhân sau sự việc đáng buồn này, nhiều người cho là do đạo đức xuống cấp thì mới có chuyện ngay cả những người mà đáng ra lòng tự trọng phải rất cao thì lại có hành xử như vậy. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đạo đức xã hội cũng là một phần. Tất nhiên rồi, vì những người có lòng tự trọng thì không ai người ta thực hiện một hành động mà bị lên án về mặt đạo đức cũng như rõ ràng là vi phạm quy định pháp luật như thế. Tuy nhiên cũng còn nhiều khía cạnh khác phải xem xét, đối chiếu.

Trước hết, bản thân xã hội ta cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề bản quyền tác giả. Thế nào là “đạo” văn? Nhiều khi chúng ta quy kết thế này, thế kia là “đạo” một cách rất hình thức, có thể về bản chất tác phẩm như vậy không phải là “đạo” nhưng dư luận vẫn quy “tội” như thế chỉ vì người này người kia cứ kháo nhau là chi tiết này giống quá, chi tiết kia na ná… Việc này cũng cần phải được quy định thành những tiêu chí rõ ràng.

Một xã hội lành mạnh thì cũng phải là một xã hội ý thức và tôn trọng rất cao bản quyền tác giả hay sở hữu trí tuệ. Xã hội ta hiện tại chưa có được nền tảng đó hay ít nhất là cũng không nêu gương về vấn đề đó. Việc phân xử khó là vì thế.

GS.TS Đào Trọng Thi hiện là Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
GS.TS Đào Trọng Thi hiện là Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Đây cũng là một điểm vướng mà các nước đã phát triển, tiên tiến cho là cản trở nhất, khó nhất khi hợp tác, làm việc với Việt Nam. Xã hội chưa tôn trọng và người dân ta cũng vẫn gần như không phản ứng với việc vi phạm quyền tác giả. Hiện tượng người này vô tư sử dụng tác quyền của người khác tương đối phổ biến và xã hội cũng không lên án những việc làm vi phạm một cách quyết liệt, không quản lý chặt chẽ chuyện đó. Chỉ khi có những xung đột, ồn ào lên rồi thì dư luận mới lại lên tiếng phê phán chứ tôn trọng tác quyền chưa trở thành một nếp sống trong xã hội.

Nói chung, có rất nhiều bất lợi trong môi trường sáng tác dẫn đến tình trạng “đạo” văn, “đạo” thơ, “đạo” công trình, sáng tác… xảy ra ở Việt Nam hiện nay.

Như ông nói, pháp luật sở hữu trí tuệ đã có, hệ thống cơ quan quản lý cũng đầy đủ các đơn vị để bảo hộ bản quyền tác giả. Vậy công tác thẩm định tác phẩm như thế nào mà vẫn để lọt những việc “xào”, “đạo”, để rồi chỉ đến khi tác phẩm được in ấn, được công bố, được phát hành và thậm chí được trao giải thưởng thì mới phát hiện, xử lý?

Nói chung, ở Việt Nam, chuyện sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả còn rất nhiều khiếm khuyết. Chính người dân mình, người vi phạm quyền tác giả, sở hữu trí tuệ của người khác không nhận thức được hết hành vi xâm phạm quyền của người khác của mình còn những người được coi là nạn nhân, người bị người khác “đạo” sản phẩm thì cũng chưa có ý thức bảo vệ quyền lợi của mình. Rất nhiều người rõ ràng là bị “đạo” thơ, “đạo” văn, “đạo” ý tưởng, công trình nghiên cứu… nhưng việc phản ứng, bảo vệ bản thân mình rất yếu.

Về việc thẩm định, tôi tự hỏi, tại sao lại đặt ra vấn đề tranh cãi nhau bài thơ này là tôi làm trước hay cô kia/anh kia làm trước. Một xã hội văn minh không ai lại cãi nhau như thế. Người ta cần nói, tôi là người công bố tác phẩm đó một cách chính thức trước và được công nhận trước. Nếu là công bố trước thì kể cả đúng là có người viết bài thơ như thế trước thật thì cũng không thể tranh cãi gì được. Tôi công bố trước, tôi đăng ký bản quyền trước thì tác phẩm là của tôi.

Cụ thể, cần truy trách nhiệm cơ quan nào trong việc thẩm định tác phẩm mà lại để lọt nhiều “đá tảng” chứ không phải “sạn” nữa, thưa ông? Có phải là do Việt Nam chưa có đơn vị thẩm định các tác phẩm như ở nước ngoài Việt Nam có nên mới có chuyện đó?

Với các tác phẩm văn học nghệ thuật, công trình khoa học nói chung, người thẩm định quan trọng nhất chính là nhà xuất bản hoặc các tạp chí, báo. Anh phải có trách nhiệm xác minh với ấn bản in của mình. Vì cũng từ việc tác phẩm được đăng trên tạp chí hay các xuất bản phẩm chính là một hình thức khẳng định, công bố bản quyền đối với tác phẩm của mình. Người ta sẽ căn cứ vào việc tác giả đã đăng bài ở đâu, khi nào, ai đăng trước, ai đăng sau để xác định quyền tác giả đối với tác phẩm thuộc về ai. Xin nhấn mạnh, yếu tố quyết định của việc phát sinh, xác định quyền tác giả là bản thảo được đăng khi nào, đăng trên những phương tiện thông tin chính thức nào. Chính những cơ quan đó cũng phải chịu trách nhiệm thẩm định với những tác phẩm đăng tải của mình.

Có ý kiến cho rằng cần có những chế tài mạnh hơn để cảnh báo, răn đe, hạn chế tình trạng “đạo” thơ văn đang xảy ra ngày càng nhiều?

Chúng ta chưa có nền tảng giáo dục, quy định đủ để người đi “đạo” thấy hết hậu quả xảy ra, thực tế nhiều người không thấy hết được tính nghiêm trọng của vấn đề. Và vì thế, bên cạnh những trường hợp cố ý thì cũng có những trường hợp vô ý vi phạm vì chưa nhận thức một cách đầy đủ về việc thế nào thì thành “đạo” văn, giới hạn để phân biệt “đạo” và không “đạo”. Bởi vậy, rất có thể có những người chưa nhận thức hết được tính nghiêm trọng của vấn đề mà người ta vi phạm khi chưa có sự thận trọng nhất định.

Còn việc cần thiết, theo tôi là phải nâng cao ý thức bảo vệ tác quyền của chính những người sáng tác. Khi bị vi phạm tác quyền, nên khiếu nại đến cơ quan chức năng để yêu cầu tổ chức kiểm tra, đánh giá và thực hiện các quy trình bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

T.P (thực hiện)