“Mở toang” các cuộc thi sắc đẹp, lợi hay hại?
Dự thảo Nghị định mới về các cuộc thi người đẹp với nhiều tiêu chí được nới lỏng. Điều này mang đến nhiều băn khoăn về chất lượng, uy tín ở các cuộc tranh tài nhan sắc này.
Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL) trong năm qua được giao lập ban soạn thảo dự thảo Nghị định mới được cho là mở cánh cửa cho các cuộc thi nhan sắc. Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP đã phát sinh những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực thi. Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTT&DL) trong năm qua được giao lập ban soạn thảo dự thảo Nghị định mới, trên cơ sở kế thừa hai nghị định trước.
Thay vì siết chặt lại 'mở toang' các cuộc thi nhan sắc
Dự thảo Nghị định mới gồm 6 chương, 44 Điều mà theo người đứng đầu Bộ VHTT&DL là sẽ có một số điểm mới nhằm thống nhất hệ thống pháp luật đồng thời khắc phục vướng mắc, bất cập còn tồn tại như cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, nới lỏng tiêu chí tổ chức hoạt động biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu.
Dự thảo Nghị định mới được cho là mở toang cánh cửa cho các cuộc thi nhan sắc. |
Theo dự thảo Nghị định mới, các cuộc thi hoa hậu trong nước sẽ không bị giới hạn số lượng, việc đi thi quốc tế có thể được nới lỏng. Theo đó, với các cuộc thi sắc đẹp trong nước, dự thảo Nghị định theo hướng khoanh vùng các cuộc thi. Cục chỉ cấp phép cuộc thi hoa hậu quốc tế tại Việt Nam hoặc cuộc thi cấp quốc gia. Các cuộc thi do đơn vị, công ty tổ chức tại địa phương sẽ do địa phương cấp phép.
Nếu như Nghị định 79 hiện hành quy định chỉ top 3 người đẹp đạt danh hiệu các cuộc thi trong nước mới được dự thi quốc tế thì dự thảo Nghị định mới, chỉ cần những người này đẹp có giấy mời, đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế sẽ được tham gia.
Thêm vào đó, cơ quan quản lý cũng sẽ không giới hạn số lượng, quy mô các cuộc thi trong nước. Trước đây, mỗi năm chỉ có hai cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia, ba cuộc thi cấp vùng ngành và một cuộc thi cấp tỉnh được cấp phép. Thay vì siết chặt các cuộc thi, dự thảo Nghị định lần này nới lỏng với các cuộc thi cho thấy sự thay đổi cởi mở trong quan niệm của người quản lý nhưng cũng gặp phải không ít những “lăn tăn” từ nhiều phía.
Các đơn vị từng tổ chức các cuộc thi hoa hậu nói gì?
Bà Nguyễn Thị Thuý Nga - Tổng Giám đốc Elite Việt Nam cho hay, kể từ năm 2002 khi lần đầu tiên Việt Nam cử đại diện tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới và sau đó lần lượt rất nhiều đại diện Việt Nam tại các cuộc thi hoa hậu, người mẫu quốc tế đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép, đến nay thủ tục cấp phép đã có một số lần thay đổi và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị đề cử cũng như thí sinh dự thi.
“Với dự thảo lần này cá nhân tôi đánh giá đây là sự tạo điều kiện rất lớn của cơ quan quản lý trong lĩnh vực này bởi nếu chỉ top 3 được quyền tham dự cuộc thi quốc tế thì chúng ta đang lãng phí khá nhiều tài năng ở những em top 5, top 10-15...
Điều kiện của BTC của mỗi cuộc thi đều khác nhau, trước khi BTC quyết định gửi giấy mời thì họ đều yêu cầu đơn vị đề cử phải gửi toàn bộ giấy tờ của thí sinh để xem xét, nếu họ thấy thí sinh đủ tiêu chuẩn mới gửi giấy mời cho thí sinh. Như vậy BTC đã xem xét và chịu trách nhiệm với chất lượng thí sinh mà họ gửi giấy mời”, bà Thuý Nga chia sẻ.
Vấn đề thứ hai là mở rộng số lượng cuộc thi Hoa hậu được tổ chức hàng năm, bà Thuý Nga cũng rất ủng hộ. “Tôi cho rằng chất lượng cuộc thi không phụ thuộc vào số lượng mà phụ thuộc vào năng lực của BTC cuộc thi. Thị trường sẽ quyết định cuộc thi nào phát triển, cuộc nào sẽ bị loại bỏ, giống như bất kể sản phẩm nào trên thị trường. Đơn vị nào đủ năng lực kêu gọi tài trợ để tổ chức ra một cuộc thi có ý nghĩa, cuộc thi đó sẽ tồn tại và phát triển.
Trên thế giới hàng năm có gần 100 cuộc thi hoa hậu lớn và trung bình, nhưng tại sao các cuộc thi uy tín như Hoa hậu thế giới, Hoa hậu hoàn vũ, Hoa hậu quốc tế vẫn tồn tại và phát triển với lịch sử 70 năm, đó chính là uy tín của BTC cuộc thi, chất lượng thí sinh và sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, kịch bản, ở hình ảnh có sức lan toà của hoa hậu bước ra sau cuộc thi.
Với dự thảo mới lần này tôi tin rằng thị trường tổ chức các cuộc thi hoa hậu và người mẫu cũng như chất lượng thí sinh sẽ được tăng lên vì tính cạnh tranh cao, đồng thời hình ảnh Việt Nam trên đấu trường quốc tế cũng được lan toả lớn hơn với sự xuất hiện nhiều hơn của các thí sinh đại diện Việt Nam”, bà Thuý Nga nói.
Dàn Hoa hậu, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam. |
Bà Phạm Kim Dung, Phó Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Tổng Giám đốc công ty Sen Vàng cho rằng, công chúng Việt Nam yêu cái đẹp và thích hoa hậu nên mỗi năm có rất nhiều cuộc thi được tổ chức bên cạnh những cuộc thi chính thống, uy tín. Là một người tổ chức và đồng hành cùng nhiều cuộc thi sắc đẹp, bà Kim Dung khẳng định rằng để tổ chức được một cuộc thi nghiêm túc, bài bản là vô cùng gian nan và rất nhiều vất vả. Mỗi cuộc thi kéo dài từ 2 - 3 tháng nhưng thời gian chuẩn bị phải đến cả năm hoặc hơn thế nữa.
“Việc để mỗi tỉnh thành tự tổ chức một cuộc thi quy mô toàn quốc, tôi nghĩ là không khả thi hoặc nếu có tổ chức sẽ không thể nào chất lượng như mong đợi”, bà Kim Dung cho hay.