Mẹ đảm "mát tay" chia sẻ bí quyết trồng ổi trên sân thượng cho quả sai trĩu
(Dân trí) - Với kinh nghiệm làm vườn trên sân thượng nhiều năm qua, chị Trân "thuộc lòng" các kiến thức chăm bón cây. Với cây ổi, mẹ đảm bật mí bí quyết quan trọng nhất là chọn giống, chậu trồng và cách tỉa trái.
Chị Lê Thị Ngọc Trân (quận Phú Nhuận, TPHCM) có vườn trên sân thượng rộng 20m2 trồng rất nhiều loại rau trái.
Dưới đây là những "bí kíp" trồng ổi cho quả sai quanh năm của mẹ đảm TPHCM.
Chọn giống cây ổi và chọn chậu trồng
Chị Trân chọn trồng các giống ổi như ổi Đài Loan, ổi nữ hoàng hay ổi lê, do các giống này có sức sinh trưởng khá mạnh và dễ chăm sóc. Để cây ổi trồng trong chậu nhanh có trái nên chọn cây giống từ chiết cành, từ lúc trồng vào trong chậu đến khi ra trái chỉ mất 4-6 tháng. Nếu trồng cây ổi bằng hạt thì phải mất 3-4 năm mới cho trái.
Tuy nhiên cây giống có nguồn gốc từ chiết cành sẽ nhanh bị suy yếu nếu chúng ta để trái quá nhiều trên cây.
Chậu trồng cây ổi tại nhà phải có kích thước tương đối đủ để cây có trái thường xuyên. Chọn chậu sành hay thùng nhựa với kích thước đường kính chậu từ 30-40cm, chiều cao chậu từ 35-50 cm, chậu càng to cây càng lớn cho nhiều cành nhánh, sau 6 tháng và thu hoạch được hai đợt trái thì sang chậu với kích thước tăng thêm 10 cm (ưu tiên tăng về đường kính miệng chậu). Mỗi năm tăng dần kích thước chậu theo tốc độ sinh trưởng của cây.
Bón phân và chăm sóc cây ổi trồng chậu
Chị Trân cho biết, nhìn chung giống ổi không kén đất, tuy nhiên do trồng trong chậu nên cần lưu ý chọn đất tơi xốp, thoát nước tốt và bổ sung thêm phân hữu cơ hoai mục, tốt nhất nên chọn phân trùn quế để rễ cây không bị nấm bệnh.
Trộn đất theo tỉ lệ: 2bao đất sạch Tribat, ½ bao phân bò, ½ giá thể xơ dừa, 0,5kg phân trùn quế.
Cho đất trồng cây vào 2/3 chậu, sau đó trồng cây ổi giống vào, nhớ tháo bỏ lớp nilon bao rễ, dùng tay chèn nén chặt quanh cổ cây không cho cây lung lay khi tưới. Đặt chậu nơi có ánh sáng đầy đủ hay có thời gian chiếu sáng hoàn toàn từ 5-6 giờ để cây quang hợp và ra hoa ra trái. Thường xuyên tưới nước và luôn giữ cây ổi trồng chậu đủ ẩm.
Lưu ý dùng vật kê cao đáy chậu để chống úng cho cây khi tưới nước.
Phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc tự chế
Cây ổi trồng trong chậu tại nhà ít khi bị sâu bệnh, Khi có trái cần phải bao lại bằng túi ni lon (cắt lỗ đáy) để tránh bị côn trùng hút chích làm thối quả.
Có thể dùng chế phẩm sinh học tự chế từ nước tỏi và ớt phun cho cây ổi nhằm xua đuổi côn trùng không tới gần.
Cách làm chế phẩm phun phòng sâu bệnh cho cây: Chọn mua 1kg ớt tươi, 1 kg tỏi, 1kg gừng. Nên chọn các loại ớt, tỏi, gừng càng cay càng tốt. Giã hoặc xay nhuyễn hỗn hợp tỏi, ớt, gừng.
Ngâm 3kg nguyên liệu với 3 lít rượu trong hộp, thùng kín. Trong suốt quá trình ngâm ủ, chỉ được để thùng ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Ngâm trong khoảng 15-20 ngày để cho tinh dầu cay của nguyên liệu ngấm đều với rượu rồi lọc bã. Lấy khoảng 50ml hỗn hợp hòa vào 1 lít nước rồi phun đều lên bề mặt lá.
Lưu ý: Khi phun cần đứng theo chiều gió, đeo mắt kính và khẩu trang để tránh thuốc bay ngược vào mắt gây đau rát.
Bí kíp để ổi sai quả, trái to đạt năng suất cao
Khi thấy cây ổi bắt đầu ra trái nhỏ thành từng cặp thì tỉa bỏ bớt trái để dưỡng cho trái ổi còn lại mau lớn, mỗi cành chỉ để 1-2 trái phía gần thân chính, ngắt bỏ trái phía gần ngọn.
Lứa quả đầu tiên, mỗi cây chỉ nên nuôi từ 3-4 trái. Nếu để quá nhiều trái, cây không đủ dinh dưỡng nuôi nên trái dễ bị rụng. Khi cây ổi cho vài đợt trái và thấy hiện tượng cây bắt đầu suy yếu như thưa lá, lá mới ra nhỏ dần thì tiến hành cắt tỉa thu gọn bớt tán cây, bón phân đầy đủ để cây ổi bắt đầu cho đợt trái mới.
Cắt bỏ những cành khô sâu bệnh, cành yếu nằm phía trong không có ánh sáng để làm thông thoáng tán cây và đảm bảo các cành lá đều có đầy đủ nắng để quang hợp. Lưu ý giữ bấm ngọn để tạo khung tán cho cây ổi phát triển theo hình cây nấm.