MC Quyền Linh: “Tôi từng phải đi bán bánh đúc, bánh lọt, rao khản cả cổ”

(Dân trí) - “Tôi từng phải đi bán bánh đúc, bánh lọt 5, 6 năm trời dưới quê và rao đến khản cả cổ. Lúc nào khỏe thì tôi rao đầy đủ "ai bánh đúc, bánh lọt không", còn yếu thì rao thành  "ai đúc lọt không", Quyền Linh chia sẻ về quá khứ nghèo khó.

Xuất hiện trong tập 7 “Ký ức vui vẻ” với vị trí đội trưởng đội thập niên 80, thay thế NSND Tự Long; MC Quyền Linh vẫn chiếm trọn thiện cảm của khán giả với cách trò chuyện gần gũi, chân chất vốn có.

MC Quyền Linh: “Tôi từng phải đi bán bánh đúc, bánh lọt, rao khản cả cổ” - 1

MC Quyền Linh thay NSND Tự Long đảm nhận vị trí đại diện đội thập niên 80 ở tập 7.

Khi chương trình gợi nhớ ký ức khán giả với tiếng rao đường phố và MC Lại Văn Sâm giới thiệu: "Mỗi lần nhìn thấy những hình ảnh này, ai trong chúng ta cũng đều nhớ tới những gánh hàng rong. Ở ba miền Bắc, Trung, Nam đều có cả. Nó đi sâu vào đời sống của người dân Việt Nam tới mức, đến bây giờ chúng ta đôi khi cảm thấy nhớ nó.

Ở Hà Nội bây giờ đâu đó vẫn còn tiếng rao, nhưng tiếng rao này hiện đại quá vì được thu âm qua loa. Tôi cứ về đến ngõ nhà tôi là lại nghe thấy một cái xe đạp vừa đi vừa rao: "Ai dừa xiêm Bến Tre đây, dừa xiêm Bến Tre vừa lành vừa mát này". Nó cứ đều đều như thế thôi.

Ngày xưa, tôi nhớ mỗi khi đêm đến được nghe tiếng rao là thích lắm. Trẻ con chúng tôi còn đố nhau rằng: "Đố mày xem hôm nay bà ấy bán được nhiều hay ít". Tiếng rao ảnh hưởng nhiều từ cảm xúc người rao. Người mà rao vui vẻ chắc là bán được hàng, còn cảm thấy mệt mỏi, rời rạc thì là hôm đó bán ế lắm. Còn bây giờ, tôi không cảm nhận được cảm xúc tiếng rao vì đều qua loa phát hết".

MC Quyền Linh, Hồng Vân xúc động nhớ lại những tiếng rao tuổi thơ.

MC Thanh Bạch thì lại đưa ra góc nhìn riêng về tiếng rao: "Tiếng rao này không phải ai cũng rao được. Tiếng rao mà ngọt thì mới đắt hàng, còn rao mà cục, khó nghe thì rất khó bán. Tiếng rao đòi hỏi phải có hồn. Nếu bảo người bán hàng rong hát chắc họ sẽ hát hay vì tiếng rao của họ có âm hưởng của vọng cổ, cải lương trong đó.

Ngày xưa, thành phố rất yên vắng, giữa khuya vẫn nghe được tiếng rao từ xa. Còn bây giờ xã hội phát triển, ồn ào thì thành ra tiếng rao không vang đi được nữa mà phải phát qua loa người ta mới nghe được. Những tiếng rao nghe qua loa cứ giống nhau khiến cho mình bị đơ, mất cảm xúc".

Nghe MC Thanh Bạch nói vậy, NSƯT Văn Báu không đồng tình. "Tôi nhớ thời kì đầu của miền Bắc khi chúng tôi lớn lên, tiếng rao không ngọt ngào như anh Thanh Bạch nói đâu. Ở ngoài Bắc, tiếng rao là thuần chất của những người lao động, là những người không biết buôn bán, không biết làm gì khác ngoài việc nấu một món gì đó rồi thuê vài đứa trẻ rao khắp phố...", nam diễn viên gắn liền với serie phim “Cảnh sát hình sự” nói.

NSND Hồng Vân cũng cho rằng tiếng rao ở miền Nam cũng có tiếng nghe dễ sợ, không phải tiếng rao nào cũng êm đềm, ngọt ngào. “Lúc trước có một cô bán xôi bắp gần nhà nhưng không hiểu sao mỗi lần rao thì cô này luôn rao là "ăn…cắp" nên lúc nào cũng làm tôi giật mình”, nữ nghệ sĩ hóm hỉnh nói.

MC Quyền Linh: “Tôi từng phải đi bán bánh đúc, bánh lọt, rao khản cả cổ” - 2

Nhắc đến tiếng rao, MC Quyền Linh lại nhớ đến quá khứ nghèo khó của mình. Anh "khoe" mình từng có khoảng thời gian dài mưu sinh bằng nghề bán bánh đúc, bánh lọt nên “tiếng rao” cũng là một phần trong cuộc đời của mình.

"Khi nhắc tới tiếng rao, tôi chợt nhớ vì chính tôi đã phải đi rao. Tôi từng phải đi bán bánh đúc, bánh lọt 5, 6 năm trời dưới quê và rao đến khản cả cổ. “Ai bánh đúc, bánh lọt, nước cốt dừa không?” Tôi cứ rao mãi trong suốt 6 năm như thế. Lúc khỏe thì tôi rao đầy đủ, còn đến chiều mệt thì rao thành"ai đúc, lọt không?”, Quyền Linh kể lại.

Không phải bây giờ, khán giả mới biết đến quá khứ cực khổ của nam MC kiêm diễn viên nổi tiếng. Trước đây, gia cảnh khó khăn đã được Quyền Linh chia sẻ: “...Ba bỏ má đi từ lúc tôi chưa biết gì, hai đứa em còn khóc cười ngơ ngác.... Tôi lên thành phố, cũng chưa bớt dãi dầu. Cái mùng má gói theo lúc đi, tôi chưa bao giờ dám mắc lên, bởi không thể đếm hết bao nhiêu mảnh vá, bao nhiêu màu vải. Thằng thanh niên nào ở tuổi đó mà không sĩ diện. Tôi thiếu ăn, người ốm nhách, bạn bè gọi chết tên là Linh ống hút. Tôi để dành tiền mua cái ống bơm làm nghề bơm xe đạp dạo. Sau, thấy không làm ăn được lại chuyển sang lượm ve chai, lông vịt. Nhiều lúc nuốt miếng cơm chan với nước vịt quay xin ở mấy tiệm bên Cầu Bông mà thấy chát...”

Cũng trong tập này, hình ảnh của cố NSND Phùng Há bất ngờ xuất hiện trong thử thách riêng của đội thập niên 70 như một cách chương trình tri ân và tôn vinh tài năng, sự cống hiến của một vị tổ nghiệp bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ.

MC Quyền Linh: “Tôi từng phải đi bán bánh đúc, bánh lọt, rao khản cả cổ” - 3
MC Quyền Linh: “Tôi từng phải đi bán bánh đúc, bánh lọt, rao khản cả cổ” - 4

Quyền Linh và các nghệ sĩ thưởng thức món ăn đường phố ngay tại sân khấu. (Ảnh: Nhân Lê)

Là bà tổ bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ, cố NSND Phùng Há luôn có một vị trí quan trọng trong lòng tất cả anh chị em nghệ sĩ đam mê nghệ thuật ở miền Nam. Cùng với nghệ sĩ Bảy Nam, NSND Phùng Há đã để lại rất nhiều vai diễn kinh điển như: Dương Quý Phi, An Lộc Sơn, Nguyệt Nga, … Và không thể không nhắc tới đó chính là vai Lữ Bố trong vở “Phụng Nghi Đình”, bà cũng chính là người tiên phong đầu tiên trong trào lưu Đào đóng vai Kép.

Không chỉ nổi tiếng với lối diễn sâu sắc và giọng hát trời phú trên sân khấu, cố NSND Phùng Há còn đào tạo và truyền lửa cho những thế sau như NSƯT Thanh Nga, NSƯT Bạch Tuyết…

Xem lại một số hình ảnh, trích đoạn về bà, nghệ sĩ Bạch Long bồi hồi chia sẻ: “Thấy hình của NSND Phùng Há, Bạch Long phải dành một sự kính trọng cao lớn đến với bà”. Chưa ngừng ở đó, nghệ sĩ Bạch Long chia sẻ trong những năm 60 phong trào hát Bội ở Việt Nam đang thoái trào và chính má Bảy Phùng Há là người đi học hỏi và sáng tạo nên bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ. Bà thành lập nên đoàn Phụng Hảo và thời kỳ đó bộ môn cải lương cũng bắt đầu thăng hoa.

Không giấu được xúc động, MC Quyền Linh nghẹn ngào khi nhớ lại “má Bảy” Phùng Há từng xoa đầu anh và nhắc phải giữ đạo đức nghề nghiệp: “Má nói với tôi: làm nghệ sĩ khó lắm con, tụi con có đẹp hay có gì đi nữa nhưng quan trọng nhất vẫn là đạo đức. Và phải luôn nhiệt tình, đam mê thì tụi con sẽ luôn thành công”.

Có lẽ cũng chính vì lẽ đó, chính vì những lời dạy của “má Bảy” Phùng Há đã làm nên tính cách của một Quyền Linh rất chân chất và mộc mạc...

Nguyễn Hằng