MC Lại Văn Sâm day dứt vì một điều chưa thể làm với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

(Dân trí) - Mới đây, Nhà báo - MC Lại Văn Sâm đã lần đầu chia sẻ về điều khiến anh day dứt, tiếc nuối nhiều năm qua vì chưa thể làm được với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc ông còn tại thế.

Ngày 28/2 là ngày sinh nhật thứ 80 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ đã để lại hơn 600 ca khúc cho kho tàng âm nhạc Việt Nam và có ảnh hưởng không nhỏ đến các thế hệ yêu nhạc.

Niềm vui nhân đôi khi ông được Google Doodles vinh danh, đưa biểu tượng hình ảnh lên giao diện tìm kiếm của Google. Đây là lần đầu tiên Google Doodles vinh danh một người Việt Nam. 

trinh_cong_son_01_whqn.jpg

Hình ảnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xuất hiện lúc 0h ngày 28/2 trên Google.

Trong niềm vui chung, Nhà báo - MC Lại Văn Sâm đã chia sẻ một câu chuyện có liên quan tới cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây cũng là điều khiến anh nuối tiếc nhiều năm qua vì chưa làm được đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông còn tại thế.

MC Lại Văn Sâm viết: “Cuối năm 1996, tôi may mắn được anh Phạm Phú Ngọc Trai dẫn đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thần tượng của tôi, tại nhà ông ở Sài Gòn. Chúng tôi đã ngồi nói với nhau về đủ thứ chuyện, và tôi càng thêm kính trọng thần tượng của mình hơn.

Một năm sau, tôi mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tham gia chương trình “Khách của VTV3” với tư cách khách mời đặc biệt. Tối hôm đó ông cũng được mời tham gia một chương trình giao lưu khác tại Nhà hát Lớn Hà Nội cùng nhạc sĩ Văn Cao.

Ông nói với tôi là ông sẽ chỉ làm khách của tôi khoảng 30 phút đầu, rồi sang với cụ Văn Cao. Tôi lại muốn ông cứ sang với cụ Văn Cao trước, xong lúc nào thì sang với chúng tôi, chúng tôi sẽ đợi.

119.jpg

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất thân thiết với nhạc sĩ Văn Cao.

 

Nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dứt khoát không chịu. Lí do rất đơn giản, ông không thể đến dự cùng nhạc sĩ Văn Cao một chốc kiểu “lấy lệ” như thế được, vì nhạc sĩ Văn Cao là đàn anh và vì ông rất kính trọng nhạc sĩ Văn Cao.

Còn tôi thì cũng không muốn ông chỉ dự “lấy lệ” với các bạn sinh viên trong chương trình của mình vì tôi rất kính trọng ông. Vậy là “Khách của VTV3” tiếc vô cùng, không có duyên được có ông trong suốt 2 năm lên sóng.

Ngày ông mất. Tôi chỉ kịp bay vào kính viếng ông một vòng hoa, rồi lại vội vàng bay ra để ghi hình một chương trình đã vào lịch. Cho đến tận hôm nay, vẫn thấy tiếc chưa một lần được cùng làm với ông một chương trình nào, mặc dù trước khi ông mất chỉ khoảng gần một tháng thôi, tôi còn có dự định cùng gia đình anh Phạm Phú Ngọc Trai tổ chức một chuyến lưu diễn xuyên Việt cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại 3 thành phố Sài Gòn - Đà Nẵng - Hà Nội.

Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, chỉ chờ ông khỏe hơn là lên đường. Vậy mà cũng không kịp thực hiện”, Nhà báo - MC Lại Văn Sâm ngậm ngùi chia sẻ.

Cuối cùng, MC Lại Văn Sâm đã dành lời xin lỗi chân thành nhất của mình hướng tới cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn: “Em xin lỗi anh, người nhạc sĩ mà em luôn yêu mến, kính trọng cả tài năng, cả con người anh! Nhớ anh nhiều lắm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn!”.

17554507_1083735085066520_8677398491347956345_n.jpg

Dù đã rời cõi tạm 18 năm nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn sống trong ký ức của người thân, đồng nghiệp và người hâm mộ.

Chị Bích Hiền - một người thân của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng kể, mặc dù cố nhạc sĩ họ Trịnh đã rời cõi tạm 18 năm nhưng có 3 kỷ niệm vẫn in dấu trong lòng chị không thể phai mờ.

Kỷ niệm đầu tiên là khi làm chương trình “Những bài hát còn xanh ở VTV1” mình có được phỏng vấn anh (tức nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) trong cái ghế quen thuộc ở căn phòng quen thuộc ở nhà anh ở đường Phạm Ngọc Thạch. Nghe anh nói về nắng, về mưa và về "Mưa hồng". Nếu mình không nhầm, hình như đó cũng là chương trình đầu tiên anh Sơn xuất hiện một chương trình phỏng vấn dài trên VTV1.

Chương trình ấy có cả những hình ảnh rất quý về cuộc gặp gỡ đầu tiên sau giải phóng giữa hai nhạc sĩ nổi tiếng hai miền là nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được một đài truyền hình nước ngoài ghi lại. Và ca khúc mình giới thiệu hôm đó là bài "Nối vòng tay lớn" của anh.

Kỷ niệm thứ 2 là một sự kiện trong gia đình mình, có bố Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Thu Bồn, nhà thơ Nguyễn Duy và anh đã tự đệm ghi-ta hát một bài hát khi đó còn giang dở chưa viết xong là bài "Tiến thoái lưỡng nan". Hôm đó hình như anh buồn.

Kỷ niệm thứ 3 là một kỷ niệm buồn. Và cũng là một kỷ niệm khác thường. Trước ngày anh mất mấy ngày, mình đã có một giấc mơ kỳ lạ. Mình mơ thấy Giáo sư Hoàng Thiệu Khang (Thầy là giáo viên dạy văn ba mẹ mình và khi ấy thầy đã mất) và thấy thầy gọi điện thoại cho mình.

Trông thầy rất buồn. Mình không nhớ thầy nói gì. Rồi mình bước ra khỏi phòng và thấy anh Trịnh Công Sơn ngồi một mình và cũng rất buồn. Mình đến ôm vai anh hỏi “Sao anh buồn thế?”, anh im lặng không nói gì. Sáng hôm sau, mình có kể lại giấc mơ cho ba mẹ mình nghe và mấy ngày sau nghe tin anh mất.

Có thể đó chỉ là một sự trùng hợp. Nhưng mình không thể quên giấc mơ đó, nơi mình đã nhìn thấy cả hai khuôn mặt mình yêu mến, cảm phục. Họ là hai người bạn thân thiết với nhau ngoài đời khi còn sống. Có thể, họ đang cùng uống rượu với nhau trong ngày sinh nhật 80 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở một nơi nào đó với bầu trời ươm nắng và những đám mây hồng”, chị Hiền kể.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm