Mặt nạ giấy nằm "cô đơn" bên đồ chơi Trung Quốc...

(Dân trí)- Trong khi lồng đèn nhựa Trung Quốc có chất gây ung thư đang được bày bán sặc sỡ, rộn ràng đắt khách, ở một góc phố nhỏ bé của Hà Nội, có đôi vợ chồng già lặng lẽ làm những chiếc mặt nạ từ giấy bồi- một món hàng chẳng mấy ai mua…

Chiếm một không gian nhỏ giữa muôn vàn đồ chơi sặc sỡ làm từ nhựa, mặt nạ giấy bồi, món hàng không mấy đắt khách là một trong những món đồ chơi trung thu của người Hà Nội xưa còn sót lại.

Mỗi năm, khi không khí trung thu tràn ngập trên mọi nẻo đường cũng là lúc vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan (phố Hàng Than – Hà Nội) tất bật trong công đoạn cuối cùng hoàn thành những chiếc mặt nạ giấy bồi phục vụ trẻ em. Theo chỉ dẫn của một người dân trong phố, men theo cầu thang đúng phong cách phố cổ, chỉ một người đi vừa lên đến tầng ba, tôi được thăm nơi làm việc của ông Hòa. Hai căn phòng nhỏ chật hẹp bừa bộn những mảnh giấy vụn, hộp sơn đủ màu cùng những chồng mặt nạ sặc sỡ.
 
Ông Hòa tỉ mẩn với từng chiếc mặt nạ


Ông Hòa tỉ mẩn với từng chiếc mặt nạ
Ông Hòa tỉ mẩn với từng chiếc mặt nạ

Như một nghệ nhân, ông ngồi tỉ mẩn làm nên từng khuôn mặt chú Tễu, Thị Nở, Công chúa… Ông tâm sự: “ Tôi gắn bó với nghề đã được hơn 30 năm và là người duy nhất còn làm mặt nạ giấy bồi ở Hà Nội. Khác với những món đồ chơi du nhập từ Trung Quốc, loại mặt nạ này tận dụng các loại giấy báo, vở học sinh, bìa các tông bỏ đi và được làm thủ công hoàn toàn”.

Để hoàn thành một chiếc mặt nạ phải mất nhiều công sức, đầu tiên vợ chồng ông thu mua giấy báo vụn về rồi xé nhỏ thành từng mẩu. Lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn, bên trên, từng lớp giấy vụn gắn chặt với nhau bằng hồ dán được nấu chín từ bột sắn. Những cốt mặt nạ này được đem phơi khô ở bất cứ góc nào nơi gác ba chật hẹp để tránh ẩm mốc, mối mọt. Với những bút vẽ, những hộp sơn tường, ông tự tay “trang điểm” cho từng khuôn mặt nạ. Nói là giống nhau song mỗi sản phẩm ông làm ra mang một nét vẽ, thần thái riêng biệt mà mặt nạ nhựa rập khuôn hàng loạt không bao giờ có được.
 
Ông Hòa tỉ mẩn với từng chiếc mặt nạ


Ông Hòa tỉ mẩn với từng chiếc mặt nạ


Ông Hòa tỉ mẩn với từng chiếc mặt nạ


Là quân nhân trở vê sau ngày đất nước giải phóng, ông học lại nghề này từ bố vợ rồi gắn bó với nó đến nay đã được hơn 30 năm. Công việc này đòi hỏi phải cẩn thận, trung bình mất hơn 4 giờ mới làm được một chiếc mặt nạ mà giá bán chỉ được 20 nghìn đồng. Để làm ra gần 3000 sản phẩm phục vụ cho một đợt trung thu, vợ chồng ông phải làm việc trong suốt một năm ròng mà lời lãi chẳng đáng là bao nên nhiều người theo ông học nghề rồi bỏ giữa chừng. Khi được hỏi về trung thu Hà Nội cổ, ông trầm ngâm kể: “Thời bao cấp, mặt nạ chỉ là một tấm bìa cứng khoét lỗ rồi vẽ trên những hình thù đơn giản đã là mơ ước của nhiều đứa trẻ. Đến những năm 90, mỗi mùa trung thu tôi bán được đến hàng vạn chiếc. Sau này, mặt nạ được tạo hình thật hơn, vẽ sơn cẩn thận hơn nhưng cũng không còn thu hút trẻ như súng bắn nước, đèn lồng nữa”.
 
Hiện nay, ông sở hữu hơn 20 khuôn mặt nạ khác nhau như thành quả của sự nghiệp giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của Hà Nội xưa còn sót lại. Ngắm nhìn những mặt nạ giấy bồi nằm cô đơn bên những đồ chơi Trung Quốc tràn lan ở các gian hàng trên phố Hàng Mã tôi chợt nghĩ nếu một ngày nào đó, vợ chồng ông Hòa không còn ngồi cặm cụi xé giấy, tô vẽ trên những chiếc mặt nạ cũng là lúc trung thu phố cổ không còn những Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu, ông Địa nữa.
 
 
Khuôn tạo hình mặt nạ đúc bằng xi măng

Khuôn tạo hình mặt nạ đúc bằng xi măng
 
Bất kể góc nào còn trống trong nhà đều được ông tận dụng để phơi mặt nạ


Bất kể góc nào còn trống trong nhà đều được ông tận dụng để phơi mặt nạ

Bất kể góc nào còn trống trong nhà đều được ông tận dụng để phơi mặt nạ

Mặt nạ giấy nằm bên những mặt nạ nhựa tạo hình “thời thượng”

Mặt nạ giấy nằm bên những mặt nạ nhựa tạo hình “thời thượng”

 

Bài và ảnh: Nha Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm