Oscar 2020 - Phim hay nhất:
“Marriage Story”: Ta đối xử với nhau thế nào ở cuối chặng đường tình?
(Dân trí) - Một trong những điều ý nghĩa nhất của bộ phim này chính là thực tế rằng, chúng ta không hiểu hết về nhau, cho dù từng là vợ chồng.
“Marriage Story” (Câu chuyện hôn nhân) được biên kịch, đạo diễn và sản xuất bởi nhà làm phim người Mỹ Noah Baumbach. Phim có một dàn diễn viên ấn tượng, trong đó vai chính - một cặp vợ chồng nghệ sĩ - do hai diễn viên nổi tiếng Scarlett Johansson và Adam Driver đảm nhận.
Chuyện phim xoay quanh cuộc ly hôn của cặp vợ chồng này, người chồng là một đạo diễn sân khấu nổi danh có tên Charlie Barber (nam diễn viên Adam Driver), còn vợ của anh - nữ diễn viên Nicole Barber (Scarlett Johansson thủ vai) đã rời bỏ Hollywood, nơi cô vốn được xem là ngôi sao đang lên, để theo chồng tới New York lăn lộn trong lĩnh vực kịch nghệ.
Bộ phim này bắt đầu được khởi động thực hiện từ cuối năm 2017. Bối cảnh quay là hai thành phố Los Angeles và New York, đây cũng chính là hai thành phố liên tục được nhắc tới trong chuyện phim. “Marriage Story” đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi dành cho kịch bản và cách dàn dựng của đạo diễn, cũng như nghệ thuật diễn xuất của dàn diễn viên.
Nhiều chuyên trang điện ảnh uy tín đã đưa phim vào top 10 phim hay nhất của năm. Tại các giải thưởng điện ảnh, phim nhận về nhiều đề cử và giải thưởng. Tại giải Oscar, phim nhận được 6 đề cử trong đó có đề cử cho Phim - Nam chính - Nữ chính - Nữ phụ - Kịch bản gốc xuất sắc nhất.
“Marriage Story” được đánh giá là bộ phim xoay quanh đề tài gia đình rất gần gũi, khiến bất cứ người xem trưởng thành nào cũng tìm thấy mối liên hệ với bộ phim. Người xem được thấy một cặp vợ chồng nghệ sĩ từ từ đi ra khỏi cuộc hôn nhân của họ.
Bộ phim không dữ dội, thậm chí khá dịu dàng, nhưng không kém phần nhức nhối khi nói về một đề tài vừa nghe đã biết rất kịch tính “drama” - ly hôn.
Thường một chuyện phim xoay quanh đề tài hôn nhân - gia đình sẽ thuộc vào thể loại hài. Nhưng nếu một chuyện phim bắt đầu ở nơi kết thúc của một cuộc hôn nhân, thì nó sẽ thuộc và thể loại nào? Bi hay hài? “Marriage Story” không có được một câu trả lời rõ ràng. Phim vừa hài vừa bi, vừa vui vừa buồn, đôi khi ngay trong cùng một cảnh, người ta cảm thấy cả hai thái cực cảm xúc.
Bộ phim tìm kiếm ý nghĩa từ đống đổ nát vụn vỡ của một cuộc hôn nhân, cố gắng tìm ra một cái gì đó đẹp đẽ. Trong phim đầy những khoảnh khắc buốt nhói, sự mất mát, sự hối tiếc, nhưng cũng rất đẹp đẽ, mạnh mẽ và kiên cường bởi sẽ không chỉ có khổ đau hay nuối tiếc. Trong phim, người xem được thấy hai con người đang nỗ lực đối diện với hiện tại và không để mất lòng tin vào tương lai.
Hai nhân vật chính Charlie và Nicole là một cặp vợ chồng nghệ sĩ, họ từng sống ở thành phố New York với cậu con trai nhỏ Henry lên 8 tuổi. Vợ chồng họ cùng làm việc trong nhà hát. Nicole trước đây vốn là diễn viên sinh ra và lớn lên ở Hollywood, giờ trở thành diễn viên kịch với những vở diễn thể nghiệm do Charlie làm đạo diễn.
Người xem được biết về cuộc sống của vợ chồng họ ngay từ cảnh đầu phim khi mỗi người phải viết ra những điều họ yêu thích ở người kia. Họ phải thực hiện việc này theo yêu cầu của chuyên gia tư vấn hôn nhân trong một nỗ lực hòa giải, những mong hai người có thể bước qua giai đoạn ly thân và biết đâu có thể hòa hợp trở lại trong hôn nhân.
Điều người xem được chứng kiến sau đó không đẹp đẽ như mong muốn của vị chuyên gia. Người xem được thấy một cuộc ly hôn hòa bình thân ái dần trở thành một cuộc chạy đua quyết liệt, đoạn tuyệt, gây choáng váng cho cả đôi bên.
Đến đây, phải nhắc lại một câu văn trứ danh của nhà văn Tolstoy: Mọi gia đình hạnh phúc đều hạnh phúc giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo một cách riêng... Ngay sau đó, thay thế vị chuyên gia tư vấn hôn nhân là những luật sư chuyên xử lý các vụ... ly hôn.
Sau khi nhận được một lời mời đóng phim ở Hollywood, Nicole liền đưa Henry tới Los Angeles sống, nơi cô sẽ tham gia đóng phim, nơi cô có gia đình nhà ngoại với mẹ và chị gái. Thoạt tiên, Charlie hy vọng đây sẽ chỉ là chuyện tạm thời, bởi anh yêu New York và sân khấu kịch nghệ Broadway. Nhưng mọi việc không chiều theo mong muốn của Charlie nữa, từ đây đổ vỡ bắt đầu.
Giấy tờ bắt đầu được thảo ra. Giọng nói bắt đầu trở nên đanh thép. Cậu bé Henry vốn được cho là ưu tiên hàng đầu của bố mẹ giờ đây bắt đầu bị giành giật, cuộc sống của cậu bị loạn nhịp và biến động.
Nicole và Charlie vốn từng hợp tác sáng tạo trong những vở kịch, nay trở thành nhân vật trong một chuyện phim “drama” mà không ai trong hai người họ có quyền kiểm soát.
Cả hai người họ, dưới sự tác động của luật sư đại diện, cần phải xoay chuyển câu chuyện gia đình theo hướng có lợi cho bản thân, điều này nói thẳng ra là bóp méo một số thông tin. Cuộc sống gia đình vốn dĩ cũng có lúc hạnh phúc, êm đềm của hai vợ chồng bỗng bị biến thành một cuộc hôn nhân ngập tràn vật lộn, khó khăn với những lỗi lầm nhất thiết phải đổ về phía bên kia.
Điều nhức nhối nhất trong “Marriage Story” chính là khi hai bên luật sư “tô vẽ” lại cuộc hôn nhân của Nicole và Charlie theo cách có lợi cho thân chủ của họ khi ra trước tòa, khi ấy, những gì thuộc về tính cách riêng của mỗi người bỗng bị moi móc như thể bệnh lý tâm thần, một vài lỗi lầm bị xem như thể mầm mống phạm tội.
Nhà xã hội học người Đức Theodor W. Adorno từng viết rằng “ly hôn, cho dù là giữa hai con người tốt tính, hòa nhã, có giáo dục, vẫn sẽ làm dấy lên những đám bụi che phủ và làm biến màu tất cả những gì nó chạm tới”.
Đạo diễn Baumbach đã khắc họa điều này rất rõ nét trong phim, từ sự thân tình chuyển sang sự tàn nhẫn, độc địa cũng chẳng mấy chốc.
Thực tế, sự thân tình không biến mất hẳn giữa Nicole và Charlie. Ở thời điểm căng thẳng nhất, khi ranh giới giữa yêu và ghét đã bị xóa nhòa, Nicole vẫn gọi Charlie là “honey”. Vẫn có sự ngọt ngào giữa hai người họ, điều đó đưa lại niềm hy vọng, không hẳn là để hàn gắn, mà có khi chỉ là để bớt gây tổn thương cho nhau.
Những gì xảy ra trong phim vừa buồn thương, vừa hài hước, nhưng tất cả lại rất... bình thường nếu xét từ góc nhìn của các luật sư. Đạo diễn và dàn diễn viên trong phim tuyệt nhiên không phóng đại bất cứ tình huống nào.
Cũng có những tình huống bi hài được đẩy lên, nhưng họ cố giữ cho mọi thứ nằm trong biên độ dao động của những điều xảy ra thường ngày mà người xem vẫn thấy, không có chuyện kịch hóa thái quá.
Trong tiến trình ấy, Nicole và Charlie dần dần trở nên tiều tụy, buồn bã hơn. Đạo diễn Baumbach đã công bằng với cả hai nhân vật Nicole và Charlie.
Dù vậy, sau cùng, người ta vẫn thấy chuyện phim dễ khiến người xem cảm thương cho Charlie hơn bởi cuộc ly hôn khiến anh ta bị chấn động và khốn khổ hơn vợ, nội tâm của Charlie cũng được trình bày rõ nét hơn trước người xem, dù Nicole cũng được trao cho nhiều cơ hội.
Nicole là người quyết định việc ly hôn trước, cô có những kỳ vọng và xúc cảm của riêng mình mà Charlie cảm thấy rất khó để có thể thấu hiểu. Charlie cũng giống như những người đàn ông nhiều khi vẫn bị vợ nhận xét là vô tâm, anh ta hoàn toàn không ý thức đầy đủ những tác động gây ra bởi các quyết định và hành vi của mình.
Trong phim, chuyện thiếu chung thủy được xem như chuyện bên lề, không phải chuyện quan trọng hàng đầu, không được dành nhiều đất để khắc họa, nhưng trong thực tế, điều này sẽ không thuyết phục. Trong khi “Marriage Story” rất để tâm khai thác những xúc cảm của nhân vật thì chuyện phim lại khá rụt rè trước đời sống phòng the của họ, của Nicole và Charlie, của mỗi người sau khi chia tay.
Nicole chỉ được khắc họa trong một cảnh làm tình chớp nhoáng trong xe hơi, còn chuyện tình ái của Charlie thì hoàn toàn bí ẩn đối với người xem.
Một trong những điều ý nghĩa nhất của bộ phim này chính là thực tế rằng, chúng ta không hiểu hết về nhau, cho dù từng là vợ chồng, nhưng trong suốt hành trình cuộc sống, chúng ta buộc phải nỗ lực hiểu nhau ở chừng mực nào đó. Chính sự khó hiểu và cố gắng để hiểu đó sẽ tạo nên những câu chuyện, ở đây là “câu chuyện hôn nhân” của hai con người đã quyết định ly hôn.
Bích Ngọc