Mai này về buôn cổ nhất Tây Nguyên, còn nhìn thấy nhà dài?
(Dân trí) - Buôn Buôr được công nhận là buôn cổ nhất của người Ê Đê ở Tây Nguyên. Sau thời gian thực hiện đề án bảo tồn, buôn cổ đang đối diện nguy cơ biến mất, khi mà số nhà dài chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Nhà dài… chờ sập
Trong ký ức của những già làng buôn Buôr (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), trước đây buôn có cả trăm ngôi nhà dài truyền thống. Những căn nhà dài đến cả 30 m được lợp hoàn toàn bằng cỏ tranh từng là không gian sinh hoạt chung của 3- 4 thế hệ. Cũng vì thế, nhà dài trở thành một phần trong đặc trưng văn hóa mẫu hệ của tộc người Ê Đê bên dòng sông Sêrêpốk.
Tuy nhiên, theo thống kê của xã Tâm Thắng, hiện nay ở buôn Buôr chỉ còn chưa đến 10 ngôi nhà dài. Hầu hết đã mục nát và xuống cấp. Thậm chí 3 ngôi nhà dài cổ nhất, có tuổi đời gần 200 năm không sử dụng được vì có nguy cơ sập.
Ngồi kiểm đếm lại số chum, ché nằm khuất trong một góc nhà, bà H'Đuar Êban (72 tuổi) nói rằng, đã nhiều năm nay, gia đình bà đã không có dịp dùng đến mấy món đồ này.
Những tài sản từng được dùng để đánh giá sự giàu có của một gia đình Ê Đê, nay phủ lên mình một lớp bụi của thời gian, thành thử cũ kỹ và xuống cấp.
Bà H'Đuar Êban cho biết thêm, ngày chuyển vào sinh sống, những chiếc cột gỗ vẫn chắc nịch, to gần bằng một vòng tay người lớn và không có dấu hiệu bị mối mọt.
"Bây giờ, không còn đứa nào thích ở trong căn nhà này nữa. Bao năm nay, muốn gìn giữ căn nhà cho thế hệ sau, nhưng nếu để mãi như thế này, chỉ mấy mùa mưa nữa căn nhà cũng sẽ sập", bà là H'Đuar thở dài, chỉ tay về mấy chiếc cột đã xiêu vẹo, lỗ chỗ vết thủng do mối mọt.
Năm 2008, buôn Buôr được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là buôn cổ của người Ê Đê. Ngay sau đó, dự án bảo tồn buôn Buôr được phê duyệt, tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.
Sau gần 15 năm kể từ ngày dự án được thực hiện, do kinh phí hạn hẹp nên việc bảo tồn chỉ mới dừng lại ở một chừng mực nhất định, hiệu quả của dự án chưa cao.
Bí thư chi bộ buôn Buôr - ông Y Jút Buôn Yă (68 tuổi) dí dỏm nói nhưng chất chứa nỗi xót xa: "Bà con bây giờ chuyển sang ở "nhà ngắn", bê tông kiên cố cả rồi. Nhà dài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chiêng, ché, trống, K'Bang (chiếc ghế dài, được đục đẽo từ một thân cây lớn)… cũng bán hết".
Giải thích về điều này, ông Y Jút cho biết, đề án bảo tồn buôn cổ dừng triển khai đã lâu, bến nước năm xưa bị sông Sêrêpốk nhấn chìm, người dân cũng không còn kiên nhẫn để chờ dự án mới.
Theo ông, có căn nhà dài, tuổi đời cả trăm năm, gỗ vẫn còn chắc, được người dân rao bán đến 800 triệu đồng. Đó là số tiền lớn mà cả đời người có thể không kiếm được. Trong khi đó, dù có chủ trương bảo tồn nhà cổ, thế nhưng lại không có sự hỗ trợ nào cho chủ nhà nên không mấy ai mặn mà giữ lại.
Dẫn chứng về căn nhà điển hình được coi là cổ nhất buôn với khoảng 200 năm tuổi, ông Y Jút nói: "Những chiếc cột nhà được làm bằng gỗ cà chít, to hơn một vòng tay người lớn, sau gần 15 năm bảo tồn, nay đã nghiêng ngả, như sắp đổ. Trước đó, căn nhà từng được chủ nhân đầu tư một số tiền lớn tu sửa, thế nhưng số tiền không thấm vào đâu so với sự xuống cấp của nó".
"Đằng đẵng" chờ khoác áo mới
Năm 2020, UBND huyện Cư Jút đã ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND về việc điều chuyển tài sản thuộc công trình Bảo tồn buôn văn hóa truyền thống buôn Buôr về cho UBND xã Tâm Thắng quản lý sử dụng.
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Cư Jút có kế hoạch đầu tư 41 tỷ đồng xây dựng các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trên địa bàn huyện. Trong đó, tại điểm du lịch buôn Buôr, huyện sẽ đầu tư phục dựng các công trình văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, kế hoạch phục dựng các công trình văn hóa tại buôn Buôr vẫn chưa được thực hiện. Một phần vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại địa phương này, nhưng lý do quan trọng nhất là chưa có kinh phí.
Tiếp tục chờ dự án triển khai, ông Trần Thế Quang - Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho rằng, nếu không sớm có biện pháp bảo tồn những căn nhà dài, thì mai này, khi đến buôn Buôr, chỉ còn lại những "xác" nhà dài và những căn nhà truyền thống được… bê tông hóa.
"Thật sự, văn hóa, bản sắc của đồng bào Ê Đê để lại thì ai cũng có ý thức giữ gìn. Nhìn nó mục nát, hư hỏng dần thì ai cũng tiếc. Nhưng bây giờ không có kinh phí, không ai muốn giữ lại căn nhà dài nữa. Không biết đến ngày dự án được triển khai, nhà dài còn đứng vững đến ngày đó không", ông Quang bày tỏ.