Mắc kham, thức quà đặc biệt từ núi rừng

Nguyên An

(Dân trí) - Mắc kham là quả rừng có vị chua, chát, là thức quà tuổi thơ của những người con sinh ra và lớn lên ở núi rừng Tây Bắc.

Mắc kham hay còn được gọi là cây me rừng, đây là loại cây mọc hoang, xuất hiện nhiều tại các vùng rừng núi Tây Bắc nước ta… Để phát triển tốt và cho quả mọng, cây mắc kham thường mọc ở những khu vực đồi núi thưa, có nhiều ánh sáng

Những cây mắc kham mọc ở chỗ sáng, chiều cao thông thường từ 5 - 7m, có khi hơn. Cây mắc kham có lá nhỏ (giống cây me), hai hàng lá xếp sít với nhau chia thành 2 dãy, trông giống lá phượng. Ra hoa vào tháng 4 - 5 hằng năm; hoa nhỏ màu vàng mọc thành tán ở nách.  

Mắc kham, thức quà đặc biệt từ núi rừng - 1

Quả mắc kham (Ảnh minh họa). 

Quả mắc kham có hình tròn nhỏ bằng ngón tay, màu xanh nhạt, vỏ nhẵn và cứng, trong ruột có 6 múi, và có khía rất mờ, mắc kham thường chín vào tháng 8 - 10 hằng năm.

 Khi chín quả mắc kham ăn khá giòn. Ban đầu có vị chua chát, ăn lâu sẽ cảm thấy ngọt dần, thanh dịu. Vào mùa hè, mắc kham được xem như một loại quả thanh nhiệt cho người dân tộc mỗi khi đi làm nương rẫy.

Chị Trần Quỳnh Tuyết (Đống Đa) là tiểu thương chuyên nhập các loại quả đặc sản Tây Bắc về Hà Nội cho hay: "Chị em dân văn phòng ở Hà Nội rất thích ăn loại quả này. Nhưng vì cây mắc kham chỉ mọc hoang nên số lượng rất ít, rất hiếm, thậm chí có năm không thể nhập về Hà Nội bán.

Tuy vậy đây cũng là loại quả rất ít người biết tới và chỉ là món quà vặt cho hội chị em văn phòng vì vị mắc kham chua, chát kém người thích. Năm ngoái tình hình dịch bệnh không quá căng thẳng, tôi nhập mắc kham từ Cao Bằng về bán cũng được khoảng gần 100 kg với giá khoảng 70.000 - 100.000 đồng/ kg, tùy vào thời điểm đầu mùa và giữa mùa".

Mắc kham có thể sử dụng làm món mắc kham dầm. Vị chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện cùng mắc kham giòn tan, hơi chát, đắng nhẹ đầu môi như một món quà mang đủ hương vị núi rừng Tây Bắc.

Mắc kham dầm phù hợp với khẩu vị nhiều người, vừa dân dã lại gần gũi. Chọn mua mắc kham những quả tròn đều, đẹp, không sâu, vừa chín tới có màu xanh vàng. Tiếp đó, rửa sạch quả mắc kham, để khô ráo rồi đập nhẹ quả cho dập (không đập nát quả) và bỏ vào bát. Giấm đổ ra bát to, cho thêm đường trắng, muối, rau mùi tàu, ớt tươi thái nhỏ sao cho vừa miệng nhất.

Cuối cùng, đổ hỗn hợp đã pha vào bát đựng mắc kham, phải cho giấm ngập hết quả mắc kham và đảo thật kỹ cho gia vị ngấm vào mắc kham.

Mắc kham dầm để càng lâu ăn càng ngon, có thể để được vài tháng khi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn, quả mắc kham ướp giòn tan trong miệng, có vị chua, chát, hơi đắng, chút mặn của muối, cay của ớt, đặc biệt khi nuốt xong vẫn còn lưu lại ở đầu lưỡi và cổ họng vị ngọt nhẹ.

Nếu có dịp mua được loại quả rừng đặc biệt này bạn hãy thử ngay công thức trên nhé!