“Ma xó” văn hóa Mường

Vũ Đức Hiếu, ông chủ của Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường (tư nhân), được trao Giải thưởng Phan Châu Trinh 2012

Người ta gọi Vũ Đức Hiếu là Hiếu “Mường”, một cái tên liên quan đến dân tộc mà anh gắn bó: dân tộc Mường. Quê gốc Nam Định, sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên ở vùng đất Hòa Bình, Hiếu “Mường” bảo nói một cách ngắn gọn là chữ “duyên” đã đưa anh đến với văn hóa Mường. Chính cái hay, cái đẹp, kể cả sức hấp dẫn trong văn hóa Mường, đã khiến anh dành toàn bộ tuổi trẻ, gia sản, công sức vào việc tìm hiểu, nghiên cứu, gìn giữ văn hóa ấy. 
 
Họa sĩ  Vũ Đức Hiếu (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Họa sĩ  Vũ Đức Hiếu (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mê đắm đuối văn hóa Mường

Tốt nghiệp thủ khoa Khoa Tạo dáng - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, tốt nghiệp loại giỏi Khoa Lý luận phê bình - Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhiều năm làm báo, vẽ tranh, đi buôn, lập trang trại, mở quán cà phê… nhưng cuối cùng Vũ Đức Hiếu lại chọn cho mình một trang trại dưới chân dốc Cun cách trung tâm TP Hòa Bình khoảng 7 km để làm nơi lập nghiệp, mở bảo tàng tư nhân riêng cho văn hóa và dân tộc Mường - Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường.
 
Dấn thân vào cuộc phiêu lưu đầy khó khăn từ xin giấy phép để thành lập bảo tàng tư nhân, rồi đến lúc khuân từng viên đá, lợp từng nóc nhà sàn, thuê từng chiếc máy xúc về khoét đồi..., ông chủ bảo tàng nói rằng từ ngày làm bảo tàng, anh rất ít khi nhìn thấy tiền mặt. Thậm chí những khi khó khăn quá, cả ông chủ lẫn nhân viên phải ăn cháo cầm hơi, mà là cháo nấu bằng loại gạo xấu nhất.

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường như thành cuộc sống, thành hơi thở của Vũ Đức Hiếu. Vợ và con trai đang làm việc và học ở Hà Nội, Hiếu cũng “bắt” lên ở hẳn tại bảo tàng cùng anh. Người con trai nhỏ, vốn là “cậu ấm thủ đô”,  trở thành cậu học trò xứ Mường.

Một dạng bảo tàng sống

Đi trên con đường đơn độc, nhiều rủi ro, Vũ Đức Hiếu được coi như gã “ma xó” của văn hóa Mường, am hiểu tường tận mọi điều trong đời sống của người Mường. Anh có thể ngồi cúng không khác gì một thầy mo chuyên nghiệp, hát những làn điệu của người Mường và nói say mê về những hiện vật anh sưu tầm được.
 
Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường của Hiếu có hơn 1.000 hiện vật văn hóa người Mường mà anh đã cất công sưu tầm hơn 10 năm trời với đầy đủ những kiến trúc cơ bản của cư dân Mường, bao gồm nhà của 4 giai tầng trong xã hội Mường cổ xưa (Lang, Ậu, Nóc và Nóc Chọi), có vườn thuốc của người Mường và nhiều phòng lưu giữ trưng bày nông cụ, đồ dệt vải, dụng cụ săn bắt, cồng chiêng…, cùng một thư viện với nhiều tài liệu nghiên cứu về  dân tộc Mường và văn hóa Mường.
 
Khi quyết định trao giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục cho Vũ Đức Hiếu, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh nhận xét: “Tính chuyên sâu của bảo tàng cho phép người ta hình dung cụ thể và sâu sắc một nền văn hóa bản địa, ít nhất có từ thời văn hóa Hòa Bình cách đây 10.000 năm và nền canh tác của người Mường trong nông nghiệp Việt Nam.
 
Bảo tàng này còn có nét độc đáo, đó là các cán bộ, nhân viên của bảo tàng cũng chính là những người Mường ở địa phương, một số sống ngay trong các nhà của bảo tàng, phục vụ bảo tàng. Trong một chừng mực nhất định, họa sĩ Vũ Đức Hiếu đã tạo được không chỉ một bảo tàng có tính chất sưu tập quý mà còn là một dạng bảo tàng sống”.
 
Sẽ chính thức nhận Giải thưởng Phan Châu Trinh vào ngày 29-3 tới trong lễ trao giải được tổ chức tại TPHCM, Vũ Đức Hiếu bảo đó là vinh dự lớn đối với một người còn quá trẻ và những gì làm được mới chỉ là sự bắt đầu. “Mọi người nhận giải khi công việc của họ đã hoàn thành, còn tôi thì mới chỉ bắt đầu”- Hiếu nói.
 

Lễ trao Giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2012  sẽ được tổ chức tại khách sạn REX (TPHCM)  vào tối 29-3 với 4 hạng mục. Hai giải Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục được trao cho bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen và ông Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Giải Dịch thuật được dành tặng cho hai dịch giả Chu Tiến Ánh và Phạm Duy Hiển. Giải Nghiên cứu thuộc về GS Lê Thành Khôi và giải Việt Nam học dành tặng GS Philippe Langlet.

 

Theo Yến Anh

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm