Thanh Hóa:

Ly kỳ câu chuyện xung quanh lễ hội Nàng Han ở xứ Mường

(Dân trí) - Gần như giống hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết, Nàng Han của xứ Mường sau khi giúp dân làng dẹp được quân giặc thì cùng ngựa bay về trời. Dấu tích của Nàng Han vẫn còn để lại chân núi Phả Thăm. Từ đó, để tưởng nhớ công ơn Nàng, mỗi khi xuân đến, cây rừng nẩy lộc đơm hoa, cũng là lúc lễ hội Nàng Han được thắp lửa ở đại ngàn miền Tây xứ Thanh.

Giả trai để diệt giặc

Lễ hội Nàng Han là lễ hội tâm linh độc đáo của người dân Lùm Nưa, đất Trịnh Vạn xưa, nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Tương truyền rằng, ở đất Chiềng Ván xưa, trong một gia đình có hai chị em rất xinh đẹp. Cô em đẹp người, ngoan nết, e ấp, dịu dàng. Người chị tên là Nàng Han, không chỉ đẹp người, ngoan nết mà còn rất thông minh và có tài võ nghệ hơn người.

Mỗi khi xuân về, cây trái đâm chồi nẩy lộc, cũng là lúc lễ hội Nàng Han được thắp lửa ở đại ngàn miền Tây xứ Thanh
Mỗi khi xuân về, cây trái đâm chồi nẩy lộc, cũng là lúc lễ hội Nàng Han được thắp lửa ở đại ngàn miền Tây xứ Thanh

Đến độ tuổi trăng tròn, Nàng Han thường cưỡi ngựa theo lũ trai trong bản vào rừng săn bắn muông thú. Nàng bắn trăm phát trăm trúng. Nghe tài cưỡi ngựa, bắn cung, múa gươm của Nàng Han, con trai các bản trên, mường dưới đua nhau đến đất Trịnh Vạn để được đua tài cùng nàng. Nhưng tất cả họ đều thua cuộc.

Khi đất nước có loạn, quê hương bị giặc cướp phá, lâm vào cảnh khốn cùng. Lệnh vua ở kinh kỳ truyền đi khắp các bản phải tìm cho được người tài giỏi để giúp dân giúp nước. Nghe lệnh vua ban, Nàng Han thưa với bố mẹ cho nàng được giúp vua diệt trừ lũ giặc, giữ cho yên bản vui Mường.

Nhà vua vẫn không biết Nàng là gái, trước mặt văn võ bá quan triều đình, nàng có dịp trổ tài cung kiếm trước sự thán phục của mọi người. Vua ra lệnh ban cho Nàng thống lĩnh một đội quân trở về chiến đấu tại chính vùng rừng núi quê nhà, bảo vệ bản Mường. Vâng lệnh vua, Nàng Han thống lĩnh đội quân trở về quê hương, ngày đêm tập luyện, canh giữ bản làng. Nàng đánh đâu thắng đó.

Một lần khi đồ xôi cho binh sĩ ăn trước khi lên đường diệt giặc. Lúc Nàng đổ gạo vào hông là gạo trắng nhưng đến khi hông xôi tỏa mùi thơm ngào ngạt thì màu xôi bổng đổi màu đỏ như máu. Lần đó Nàng Han chỉ huy binh sỹ đánh giặc thắng lớn. Sau khi đánh tan quân giặc, bản làng trở lại yên bình, Nàng Han giao binh sỹ cho một viên tướng chỉ huy rồi một mình phi ngựa vào núi Phả Thăm, đến sát chân núi đá thì cả người và ngựa từ từ bay lên trời. Để lại hình in trên mây trời vẫn thấy rõ hình ngựa đá in trên đỉnh núi Phả Thăm

Dưới chân núi, có dòng sông Nhồng chảy qua. Đây cũng chính nơi Nàng Han dừng ngựa uống nước và rửa chân tay, vô tình để rơi dải yếm để lộ đôi nhũ hoa tràn đầy sức sống và bị quân địch phát hiện ra vị tướng dũng mãnh tài ba kia là gái giả trai.

Nét riêng trong lễ hội Nàng Han

Câu chuyện về Nàng Han được dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cũng không biết từ bao giờ, mỗi khi xuân về, cây trái đâm chồi nảy lộc là người dân xứ Mường lại long trọng tổ chức lễ hội Nàng Han với nhiều nghi lễ, tục độc đáo, riêng biệt. Lễ hội kéo dài cho đến hết tháng giêng âm lịch.

Trong lễ vật của lễ hội Hàng Han gồm có một con trâu trắng nếu không có trâu trắng thì có thể thay bằng con dê , một con lợn, một con chó, 13 chai rượu, 2 chĩnh rượu cần và vài chục con ngan vịt, gạo nếp. Số lễ vật này làm thành 13 mâm lễ.

Những điệu nhảy, múa độc đáo của xứ Mường trong lễ hội Nàng Han
Những điệu nhảy, múa độc đáo của xứ Mường trong lễ hội Nàng Han

Một mâm lễ tại đền thờ gia tộc họ Cầm Bá, báo với ông tổ họ Cầm Bá xin phép cho con cháu bản Lùm Nưa được mở lễ hội Nàng Han. 10 mâm lễ và 1 chĩnh rượu đặt trong hang Mường. Hai mâm lễ dành cho các bà tày làm lễ cầm vía ban lộc và buộc chỉ ngũ sắc cho những người dự lễ tại bản. Một chĩnh rượu cần để làm lễ rượu cần tại bản.

Lễ vật đặt tại Hương án (được làm bằng tre nứa có 3 tầng) trong hang Mường được xếp thành 4 bậc hướng về tượng đá hình Nàng Han trên vách hang Mường. Trong 10 mâm lễ có 1 số mâm được đan bằng nứa thưa hình vuông dưới lót lá chuối rồi đặt lễ vật lên trên với các vị trí sắp đặt khác nhau.

Lễ vật bậc trên cùng 5 mâm có đầu dê thủ lợn ở giữa, các mâm còn lại gồm có xôi và một chai rượu. Mâm có đầu dê (trước đây là thủ trâu) dùng để tế các thần linh trên trời và thần linh trên các đỉnh núi cao. Mâm có thủ lợn dùng để cúng Nàng Han và nàng tóc thơm em gái nàng han.

Ly kỳ câu chuyện xung quanh lễ hội Nàng Han ở xứ Mường - 3

Lễ vật bậc thứ 2 có 3 mâm xôi thịt dê, thịt lợn rượu, bậc này để tế các vị thần cây đa, vị thần cai quản đất đai mồ mả, gia súc của cải. Lễ vật bậc thứ 3 có 2 mâm xôi, vịt và một mâm nguyên một con chó thui chín. Lễ vật bậc thứ 4 bậc dưới cùng là một chĩnh rượu cần. Người Thái rất quý trọng nước và rượu cần, bởi rượu cần là biểu hiện sự tinh túy của nước. Rựơu cần và nước trở thành phẩm vật quý dâng lên thần linh của người Thái.

Chủ lễ là 4 bà tày trong đó có một bà tày gốc là người chuyên lo tổ chức lễ xứa pha thờ trời trên Phả Thăm. 3 bà tày phụ giúp cho bà tày gốc việc tế lễ tại hang Mường, đại lễ cầm vía và đại lễ rượu cần. Sau khi tế lễ tại hang Mường kết thúc, các bà tày làm lễ tạ ơn tại bản, cuối cùng là ban lộc và buộc chỉ ngũ sắc cầu may cầu phúc cho những người dự lễ.

Trong lễ hội mọi người cùng đoàn kết cùng nhau nhảy sạp, múa Cá Sa (hát múa quanh cây hoa). Cây hoa làm thành nhiều tầng, nhiều màu sắc. Trên cây hoa gắn các hình nông cụ đan bằng tre nứa và hình con chẫu chàng, con cá, ve sầu. Cây hoa là biểu tượng của cây vũ trụ có nhiều tầng mong ước cho vạn vật sinh sôi nảy nở.

Không chỉ có người dân vùng Trịnh Vạn mà bà con các dân tộc ở khắp nơi nô nức kéo về hang Mường để tưởng nhớ ngưỡng vọng công đức Nàng Han và đi chơi hang Mường cầu cho bản làng bình yên, trai gái kết duyên nên vợ chồng.

Bình Minh