Lương Nguyệt Anh kể chuyện từng luyện tập đến bật máu ở cổ họng

Hà Thanh Hương Hồ

(Dân trí) - Giải nhất Sao Mai 2011 chia sẻ, để đạt được vị trí ngày hôm nay cô đã phải "cố gắng gấp 5, gấp 7 lần người khác", phải luyện tập đến "bật cả máu cổ họng"…

Luôn thân thiết, đồng hành cùng nhau trong các dự án âm nhạc, vì sao chị lại không mời em gái - Quán quân Sao Mai 2019 dòng nhạc thính phòng Lương Hải Yến tham gia liveshow đầu tiên của mình vào ngày 26/1 tới tại Hà Nội?

- Năm 2021 tôi ấp ủ làm liveshow nhân dịp 10 năm sau giải nhất Sao Mai 2011 để tri ân những khán giả đã dành sự yêu thương cho mình nhưng vướng đại dịch Covid-19 nên không thể thực hiện. Nếu tôi làm show năm trước, tôi nhất định mời em gái đứng chung sân khấu nhưng do hoàn cảnh khách quan cũng là mối duyên đưa đẩy, năm nay anh NSƯT Việt Hoàn mời tôi làm chung liveshow "Tự tình quê hương". Dù thế nào đây cũng là show chung, sự hòa quyện của hai anh em là điều quan trọng nhất.

Tôi để dành Yến và cả những sáng tác riêng của mình cho liveshow độc lập. Chắc chắn liveshow độc lập của tôi sẽ còn nhiều mảng miếng hơn nữa.

Lương Nguyệt Anh kể chuyện từng luyện tập đến bật máu ở cổ họng - 1

Ca sĩ Lương Nguyệt Anh - Quán quân Sao Mai 2011 dòng nhạc dân gian (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Hai chị em cùng là quán quân Sao Mai nhưng hình như cho đến thời điểm này, tên tuổi chị vẫn có phần nổi bật hơn hẳn em gái. Có khi nào Lương Hải Yến tủi thân vì cái bóng lớn của người chị gái?

- Không, Yến rất hồn nhiên. Chị em tôi không bao giờ có chuyện so đo mà chỉ có sự tương trợ, hết lòng vì nhau. Hơn nữa, rất may là hai chị em trong một gia đình nhưng mỗi người một dòng nhạc, không ai động ai. Cách mỗi người đến với âm nhạc cũng khác nhau.

Tôi sinh ra trong một gia đình truyền thống về nghệ thuật, thích hát từ bé, 4 tuổi răng cửa sún hết đã thi Tiếng hát toàn tỉnh Bắc Giang, được hai giải. Giải đặc biệt là chiếc đồng hồ và giải Nhất 50 nghìn đồng.

Yến khi dậy thì mới bắt đầu bộc lộ chất giọng. Đặt câu chuyện em gái ra bên ngoài, tôi đánh giá Yến là một tài năng, sở hữu rất nhiều yếu tố thiên bẩm để có giọng hát đẹp. Hồi Yến mới bộc lộ giọng hát, khi lần đầu nghe Yến hát bài "Bóng cây Kơ-nia", tôi ngạc nhiên vì giọng chuyển cực kỳ đẹp.

Duyên sân khấu của Yến vẫn còn "non", còn tôi bươn chải từ khi vào trường Đại học năm 2007. Hai chị em không ai bị áp lực bởi ai. Khi tôi tốt nghiệp Cao học, thậm chí Yến còn chỉ cho tôi về mặt cổ điển, giọng Yến hát cổ điển sang sảng. Chuyên gia nước ngoài sang nghe Yến hát rất thích màu giọng của Yến vì Yến hát Việt Nam ra Việt Nam, Tây ra Tây.

Lương Nguyệt Anh kể chuyện từng luyện tập đến bật máu ở cổ họng - 2

"Tôi nghĩ, nghệ sĩ nào cũng có khán giả của riêng mình", Lương Nguyệt Anh chia sẻ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bản thân đã có hơn 10 năm ca hát chuyên nghiệp và đoạt nhiều giải thưởng nhưng cũng có ý kiến cho rằng tên tuổi Nguyệt Anh vẫn chưa nổi bật như những đàn chị… Nguyệt Anh nghĩ gì về điều này?

- Mỗi người đều có khán giả của riêng mình. Tôi tự hào khi mình được các đàn anh, đàn chị quý mến, việc gì lớn nhỏ của tôi đều có sự góp mặt của các anh, các chị. Hôm họp báo giới thiệu liveshow, các bậc anh chị tên tuổi trong nghề đến tham dự đông đủ, ngồi tận cuối cùng. Trước lúc ra về, chị Anh Thơ ôm tôi bảo: "Nhất em rồi nhé".

Tôi là người rất cầu thị, ham học hỏi. Nhiều khi tôi đến nhà xin góp ý hát tốt hơn, chị Anh Thơ bảo: "Mày hát thế này còn đến chị làm gì!". Nhưng tôi vẫn muốn đến để nghe những ý kiến, để có động lực hơn, làm tốt hơn trong nghề.

Còn tôi nghĩ, nghệ sĩ nào cũng có khán giả của riêng mình. Tôi không bao giờ mong muốn thay thế ai, tôi có cố để giống ai đó thì cũng chỉ là phẩy, là phết. Mình phải có nét riêng của mình, chất riêng của mình, đấy mới là nghệ sĩ thực thụ. Đứng trong một vườn hoa mỗi bông hoa một màu sắc, tôi chỉ phấn đấu làm sao cho mùi hương của mình lan tỏa hơn mà thôi.

Đã làm nghề ai cũng mong thành ngôi sao, nhưng điều tôi muốn nhất là tình cảm khán giả dành cho mình luôn đong đầy để niềm đam mê ca hát không bao giờ cạn. Liveshow "Tự tình quê hương" này cũng là bệ phóng để tôi tiến thêm một bước nữa trong con đường sự nghiệp.

Nói như vậy, liveshow "Tự tình quê hương" có vị trí rất quan trọng với chị. Điều đó gây sức ép ra sao cho Lương Nguyệt Anh?

- Tôi là người rất thích hát, tôi nghĩ đến lúc nào hơi thở không còn thì tôi mới hết đam mê, còn lúc nào cũng thế, ngủ tôi cũng mơ thấy mình hát. Từ lúc tôi bắt đầu ấp ủ liveshow này đến lúc show diễn ra, tôi sẽ còn mơ rất nhiều lần như thế. Tôi mơ mình đứng dưới ánh đèn sân khấu, còn mơ hát quên lời. Trước đó, khi bảo vệ thạc sĩ tôi cũng vậy, toàn mơ hôm bảo vệ hát quên lời nhưng cuối cùng đã đạt điểm tối đa.

Tôi sợ, nhưng chính cái sợ đó của mình làm cho mình phải cẩn thận hơn làm sao luyện tập, chuẩn bị thật nhuần nhuyễn để đến khi lên sân khấu chỉ còn đắm chìm trong cảm xúc, không phải để ý đến lời hay giai điệu nữa.

Lương Nguyệt Anh kể chuyện từng luyện tập đến bật máu ở cổ họng - 3

"Tôi xuất thân tỉnh lẻ, con đường sự nghiệp không được trải thảm đỏ, nhưng tôi đã cố gắng gấp 5, gấp 7 lần người khác" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nữ ca sĩ trẻ có vẻ ngoài dịu dàng xinh đẹp nhưng lại hoạt động trong môi trường quân đội. Có khi nào chị phải gò mình vào những khuôn phép cứng nhắc?

- Tôi là một giảng viên, khoác trên mình màu xanh áo lính, đó là điều tôi rất tự hào. Tôi gửi niềm tự hào đó trong liveshow như sự tri ân với những người đồng đội. Là người chiến sĩ nhưng tôi cũng là người nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa. Đặc thù của nghệ thuật luôn cần sự sáng tạo, tinh thần thoải mái. Tôi có thể thỏa sức sáng tạo trong âm nhạc, không hề bị bó buộc và tôi nhận được sự ủng hộ rất nhiều của những người thủ trưởng.

Bình thường dạy sinh viên tôi luôn nói rằng: Khi muốn ước mơ của mình thành sự thực, phải nỗ lực rất nhiều, mỗi sự cố gắng đều cho một thành công nhất định. Bản thân tôi rất hừng hực trong nghề, chưa một mục tiêu nào đặt ra tôi không phấn đấu đạt cho bằng được. Tôi luôn luôn có ước vọng, từ bé đến giờ tôi chưa thi một cuộc nào mà không có giải lớn, từ trong và ngoài nước.

Đó có lẽ là một may mắn, nghiệp đã chọn tôi và trao cho tôi những điều đó nhưng nếu không có sự nỗ lực thì không bao giờ đạt được. Khi làm sinh viên Nhạc viện, để lên một nửa cung ở quãng treo thật đẹp, tôi phải tập luyện rất nhiều, thậm chí bật cả máu cổ họng. Tôi xuất thân tỉnh lẻ, con đường sự nghiệp không được trải thảm đỏ, nhưng tôi đã cố gắng gấp 5, gấp 7 lần người khác.

Bây giờ công tác ở trong Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tôi luôn được sinh viên, thủ trưởng và đồng nghiệp yêu quý, ưu ái vì sự làm nghề nghiêm túc của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm