Lựa chọn Quốc hoa- trăm mối tơ vò!
(Dân trí)- Xung quanh việc lựa chọn Quốc hoa đã có hàng trăm ý kiến tranh cãi, và chắc hẳn, sẽ phải cần thêm hàng chục cuộc hội thảo, hàng chục cuộc tọa đàm, và rất nhiều cuộc trưng cầu ý kiến nữa!
Hoa đào là loài hoa không thể thiếu trong dịp Tết đến, Xuân về của người miền Bắc.
Trước những ý kiến trái chiều, Dân trí đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Lê Quý Đức, Viện Văn hóa và Phát triển Việt Nam và Giáo sư (GS) Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng viện nghiên cứu Văn hóa. Mở đầu cho câu chuyện, cả PGS.TS Lê Quý Đức và GS Ngô Đức Thịnh đều có nhận định chung cho rằng đã cần thiết lắm hay không việc tổ chức lựa chọn Quốc hoa, khi mà Việt Nam đang có có quá nhiều vấn đề cần phải làm ngay như kinh tế, giáo dục, đối ngoại… cần phải ưu tiên giải quyết ngay.
Mai vàng, loài hoa miền Nam yêu thích.
Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, việc lựa chọn Quốc hoa là việc hết sức khó khăn, cần phải có một thời gian dài để đi đến quyết định cuối cùng, vì phải thăm dò dư luận và được sự đồng thuận của toàn dân. Và hơn nữa, mỗi vùng miền lại có một loại hoa gắn bó với đời sống và tiềm thức, nên việc lựa chọn ra một loài hoa đặc trưng, làm biểu tượng cho cả dân tộc là việc rất khó và cần nhiều thời gian để làm…
Mỗi vùng miền lại có một hoa làm biểu trưng và gắn bó với nhân dân vùng miền đó, như miền Bắc thích hoa Đào, miền Nam hoa Mai, các vùng miền khác thích hoa Ban, hoa Mơ, thành phố thích hoa Sen, nông thôn lại thích hoa Lúa... Vì vậy, muốn chọn được Quốc hoa sẽ phải lấy ý kiến, khảo sát xã hội học, phải đi sâu đi sát, tâm tư nguyện vọng của dân, phải lấy ý kiến rộng rãi từ Nam ra Bắc và các dân tộc anh em, sau đó các nhà quản lý mới tập hợp ý kiến, nguyện vọng lại và chọn ra Quốc hoa, như vậy mới đảm bảo được tính khách quan.
PGS.TS cho biết thêm, không nên lấy biểu tượng của nước ngoài vào Việt Nam, hoa Sen theo đạo Phật từ Ấn Độ vào Việt Nam, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân, tuy nhiên nên chọn một loài hoa mang đặc trưng của dân tộc ta, như vậy sẽ mang hồn thiêng của dân tộc. Văn hóa là phải có chiều sâu và nó được bồi đắp dần lên, thực sự cần thiết để có một quốc hoa thì nên làm điều tra xã hội học, nhiều người thích thì mới làm, và phải giải thích được, tại sao người ta lại thích loài hoa đó?!
Thêm nữa, nhiều câu hỏi khác cũng phải đặt ra, để tạo ra biểu tập trung cho tình cảm, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, việc chọn Quốc hoa là cần thiết, nhưng thời điểm này đã cần thiết lắm hay chưa? Liệu nhân dân có thấy cần thiết là thời điểm này phải chọn quốc hoa? Hơn nữa, trên thế giới, họ không quy định đất nước phải có Quốc hoa mới được hội nhập kinh tế, mới có tiếng nói trong ngoại giao...
Loài hoa nào xứng đáng được lựa chọn là Quốc hoa, theo bạn? | ||||||||||||||
| ||||||||||||||