Lời bài hát Việt: “Anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi”
Nhạc "rác" với ca từ gây sốc là vấn đề được đề cập nhiều tại cuộc hội thảo bàn sâu về đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật diễn ra tại TPHCM từ ngày 11 đến 12/11.
Công chúng yêu nhạc phải căng tai để nghe: "Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ. Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi" (ca khúc Con thỏ chiên bánh) hoặc như "Con trai bây giờ í hả, 100 đứa thì 99 đứa không đàng hoàng, còn một đứa không đàng hoàng là gay, a ha!" (Con gái thời nay)...
Khi sướt mướt não nề, khi gào thét vô vọng
Đó là nhận xét của PGS.TS Trần Luân Kim trong bài tham luận của ông, đề cập đến vấn đề đạo đức ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ông cho sự lên ngôi của âm nhạc nghe trên mạng, lan truyền đến sàn diễn đã khuynh đảo thị trường âm nhạc, vốn đang trong tình trạng buông lỏng quản lý. Dòng nhạc trẻ này cuộn chảy sôi nổi, năng động với không ít sáng kiến mới mẻ, đa dạng, hòa chung với những thứ lộn xộn, rối rắm, dẫn đến hiện tượng mất phương hướng.
Theo ông, với sự ra đời non vội, thiếu suy tư nghiêm túc, lại rơi vào vòng xoáy của thị trường tự do, dòng nhạc mới mẻ này bị thương tổn nặng nề bởi hàng loạt ca từ rác rưởi, ngôn từ vỉa hè sáo rỗng, tùy tiện, lủng củng. Có khi tục tĩu gây sốc, có khi lại sướt mướt não nề, gào thét vô vọng.
Cùng chung nhận định, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ tịch Hội nhạc sĩ VN cho rằng sự luống cuống của dòng nhạc tuổi "teen", sự ra đời của nhạc chế, tất yếu dẫn đến nhạc rác. Chúng đã phần nào ảnh hưởng đến nhân cách, đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ. Thử điểm tên một vài ca khúc như Người đàn ông tham lam, Cô ấy chọn anh không chọn tôi, Đàn ông là thế...cho thấy sự bế tắc về đề tài và nghệ thuật của khuynh hướng này.
Âm nhạc trên sân khấu do truyền hình dàn dựng cũng gây nhiều ý kiến bi quan cho những người tham gia hội thảo, vốn cũng đang làm công tác quản lý, phê bình lý luận hay sáng tạo. TS nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu cảnh báo lối "đào tạo tắt", hứa hẹn giải thưởng như một dạng chứng chỉ vào nghề ở nhiều chương trình đã làm dấy lên phong trào ăn xổi, chạy đua, nhái hàng (nhái nhạc, nhái giọng, nhái hình thức, nhái phong cách) và sính ngoại (hát và sáng tác bằng tiếng Anh, hoặc chơi món "xôi đỗ" cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt).
Từ lệch chuẩn tới... loạn chuẩn
Theo bà Châu, tình hình trên cộng thêm sự lộn xộn trên các diễn đàn mạng và truyền thông đã khiến những yếu tố "ngoài âm nhạc", thậm chí phản âm nhạc lên vị trí thống trị, không còn chỗ cho những chương trình nghiêm túc. Tất cả đang góp phần không nhỏ vào tình trạng lệch chuẩn và loạn chuẩn các giá trị âm nhạc, cũng như nhân cách nghệ sĩ lẫn công chúng.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng nêu cảnh báo sự xuất hiện của xu hướng thương mại hóa cùng những biểu hiện bắt chước, lai căng... trên nhiều phương diện, làm méo mó giá trị đích thực của nghệ thuật, khiến công chúng đi chệch hướng thẩm mỹ, cũng như không động viên, khuyến khích được những nghệ sĩ tâm huyết và gắn bó với giá trị sáng tạo chân chính.
"Sự tự do tùy tiện, cùng trình độ nhận thức non kém, đã đẻ ra những sản phẩm âm nhạc gây hại mỹ cảm, hủy hoại đạo đức, thuần phong mỹ tục khó lường" PGS.TS Trần Luân Kim nhận xét. Ông đề xuất cần tạo ra cơ chế để văn nghệ sĩ được tự do sáng tạo, có cơ hội sáng tác thể nghiệm, nhưng đồng thời cũng cần làm rõ đâu là trách nhiệm hỗ trợ và định hướng của Nhà nước, và đâu là bổn phận của văn nghệ sĩ đối với cộng đồng.
Từ góc độ của một người làm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu kêu gọi sự nhìn thẳng vào góc nhỏ không mấy ngọt ngào của đời sống thực. "Vậy thì hãy thay đổi từ chính mình. Mọi lời hay ý đẹp hô hào cho môi trường sạch đẹp quanh ta chẳng nghĩa lý gì nếu như mỗi người vẫn tiếp tục xả rác, và không thực tâm cố gắng tự điều chỉnh bản thân mình", bà phát biểu.
Theo Khải Trí
Vietnamnet