Lo ngại bản sắc “pha tạp” trong mỹ thuật ứng dụng
(Dân trí) - Từ kiến trúc nhà cửa, trang phục và cả ngôn ngữ cho đến những vật dụng trong cuộc sống hàng ngày hiện nay rất “mờ nhạt” bản sắc Việt do đã bị “ngoại lai” quá nhiều.
Bản sắc Việt đang bị “ngoại lai” là vấn đề được được đặt ra tại hội thảo “Mỹ thuật ứng dụng trên đường tìm về bản sắc Việt” vừa diễn ra tại TPHCM do Hội Mỹ thuật TPHCM và Trường ĐH Văn Lang tổ chức thu hút sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, nhà phê bình nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ, nghệ nhân…
Bản sắc nửa Đông, nửa Tây
ThS, họa sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật Công nghiệp, ĐH Văn Lang kể, ông quen một nhà văn hóa có những chiếc tủ trưng bày những đồ vật đặc trưng cho các nước. Lần đến hai đến chơi nhà bạn mà không thấy vật dụng nào đặc trưng cho đất nước Việt Nam trong chiếc tủ này, ông Dũng liền thắc mắc thì người bạn này trả lời rằng do không tìm được vật dụng nào đậm bản sắc Việt.
“Tôi đến các vùng dân tộc miền núi thấy nhà cửa, trang phục và cả ngôn ngữ đã không còn lưu giữ được bản sắc Việt. Chẳng biết họ là người Việt gì? Nhiều sản phẩm tiêu dùng, hàng thủ công mỹ nghệ của chúng ta đang có những biểu hiện biến dạng ngoại lai”, ông Dũng bày tỏ và cảnh báo những biểu hiện này ảnh hưởng tiêu cực đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc mà nếu không quan tâm đúng đắn thì lo ngại văn hóa biến dạng sẽ thành sự thực.
Nhà nghiên cứu, phê bình Phan Cẩm Thượng đưa trường hợp Bát Tràng, làng nghề lâu đời nhất Việt Nam với hơn 700 năm phát triển làm điển hình của “lại tạp” bản sắc. Nhiều sản phẩm của làng nghề được thiết kế kiểu nửa tây nửa ta, nửa tàu, rồi đến men màu sản phẩm cũng được nhập ngoài làm mất đặc trưng của gốm Bát Tràng.
Nhà nghiên cứu này không khỏi băn khoăn khi:“Chúng ta không còn tìm thấy cái gì là truyền thống trong sản phẩm gốm Bát Tràng, ngay cả gốm giả cổ. Gốm cổ Việt Nam được đánh giá cao bao nhiêu thì gốm hiện đại bị đánh giá thấp bấy nhiêu”.
Nhiều nhà khoa học cho rằng cái nguy hiểm nhất của bản sắc Việt hiện nay là chúng ta để cho văn hóa ngoại lai tràn lan trên đất nước thể hiện rõ qua những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày.
“Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ (gỗ, chạm, khắc, sơn mài…) dù được sản xuất tại các làng nghề được coi là truyền thống của người Việt tuổi đời hàng trăm năm nhưng hình tượng, mẫu mã thường lấy từ các điển tích Trung Quốc, các đồ thờ tự truyền thống bị thay thế bởi đồ mỹ nghệ cùng loại ngoại nhập. Chúng ta không thiếu các truyền thuyết, điển tích hào hùng đẹp đẽ nhưng chẳng thấy đâu”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn nói.
Theo ông Đoàn, các sản phẩm thời đại thuộc lĩnh vực thiết kế công nghiệp, dân dụng từ kiến trúc, nội thất cho đến sản phẩm phục vụ du lịch của chúng ta không thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa Việt Nam. Hay theo lời một kiến trúc sư thì các sản phẩm đang được nhân bản vô tính tràn lan tác động đến thẩm mỹ người tiêu dùng, nhất là thế hệ tương lai.
“Sáng tạo” kiểu vay mượn, sao chép
Ông Phan Cẩm Thượng thẳng thắn cho rằng nền văn hóa chúng ta lâu đời nhưng rất mong manh, dễ bị phai nhạt bản sắc cũng như thiếu sự sáng tạo. Trong quá trình ảnh hưởng, chúng ta có xu hướng đồng hóa nguồn ảnh hưởng theo hướng thực dụng mà không quan tâm đến nguồn gốc, bản sắc riêng của chúng cũng như chưa tôn trọng vị trí của nguồn ảnh hưởng trong nền văn hóa bản địa.
Thực trạng của design đời sống ở một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc họ toàn thắng vì sự áp đặt design dân tộc, nhất là lĩnh vực thiết kế đồ họa lên toàn bộ nền sản xuất thì Việt Nam lại bị thua cuộc khi khuynh hướng dân tộc bị chối bỏ thẳng thừng và mất uy tín trên thị trường.
Nói về sự sáng tạo, quay lại trường hợp Bát Tràng, ông Thượng nói: "Bản quyền sáng tạo ở đây chẳng có một ý nghĩa gì. Nếu một cơ sở nào có sản phẩm bán chạy thì chỉ hai ba ngày sau nhà hàng xóm cũng đã có hàng tung ra thị trường".
Nhà thiết kế và nghệ nhân được xem có vai trò quan trọng trong việc giữa gìn bản sắc Việt cũng như yêu cầu về sáng tạo trong mỹ thuật ứng dụng. Nhưng hiện nay, nhiều ý kiến đặt ra chúng ta đang sáng tạo trên nền chắp vá, vay mượn, thậm chí là “ăn cắp” một cách công khai, nhởn nhơ, kể cả những người được đào tạo chuyên môn.
Đây lại là chuyện của nhà đào tạo, một vấn đề còn quá nhiều chuyện để bàn khi các cơ sở đào tạo được mở ra tràn lan mỗi nơi một khác, kiểm soát chất lượng còn hạn chế, chạy đua về số lượng…
Thạc sĩ Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho rằng bên cạnh giáo dục về ý thức dân tộc, về thẩm mỹ thì việc giáo dục ý thức tôn trọng bản quyền cho những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật, thiết kế rất quan trọng. Nạn sao chép tràn lan không chỉ diễn ra trong tác phẩm nghệ thuật mà cả những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, nhất là trong điều kiện công nghệ thông tin như hiện nay thì việc “sao chép” trở nên tiện lợi và tinh vi hơn.
Theo bà Cao chỉ khi người thiết kế tôn trọng bản quyền, coi trọng yếu tố gốc thì mới có sáng tạo, khi không sao chép mới có cái riêng của cá nhân và bản sắc dân tộc trong sản phẩm của mình. Và điều này yêu cầu người làm nghề phải có tự trọng và bản lĩnh.
Hoài Nam