"Lịch sử cái đẹp" - Công cuộc gian truân đi tìm định nghĩa của cái đẹp

Tô Sa

(Dân trí) - Hiếm có một cuốn sách nào như "Lịch sử cái đẹp" có thể cắt nghĩa được phạm trù cái đẹp tỉ mỉ và cẩn trọng như vậy.

Lịch sử cái đẹp của Umberto Eco được Nhã Nam phát hành năm 2022, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả bởi dung lượng kiến thức đồ sộ và hình thức trình bày công phu, đẹp mắt.

Trong cuốn sách, Umberto Eco đã dày công khai phá một chủ đề khó: Cái đẹp dưới góc nhìn của phương Tây xuyên suốt từ thời Hy Lạp cổ đại tới ngày nay. Hiếm có một cuốn sách nào có thể cắt nghĩa được phạm trù cái đẹp tỉ mỉ và cẩn trọng như vậy.

Lịch sử cái đẹp được ví như bách khoa toàn thư đồ sộ, với hơn 200 bức tranh và tiểu họa, hơn 50 tác phẩm điêu khắc, bình gốm cùng rất nhiều hình ảnh tái hiện các công trình kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật thời trang. 

Cái đẹp chưa bao giờ là tuyệt đối và bất biến, mà mang nhiều diện mạo khác nhau tùy thời kỳ lịch sử và tùy quốc gia. Điều này được áp dụng không chỉ cho cái đẹp hình thể (của đàn ông, phụ nữ hay phong cảnh thiên nhiên), mà cả cái đẹp tâm linh, ý niệm...

Lịch sử cái đẹp - Công cuộc gian truân đi tìm định nghĩa của cái đẹp - 1

Cuốn sách "Lịch sử cái đẹp" của Umberto Eco (Ảnh: Nhã Nam).

Chương I và II tập trung vào lý tưởng thẩm mỹ thời Hy Lạp cổ đại. Trong đó, tác giả phác họa khái niệm sơ khởi của con người đương thời về cái đẹp - một thứ thường gắn liền với các môn nghệ thuật thể hiện nó và chưa có vị thế thống nhất.

Chương III xem xét cái đẹp như tỷ lệ và sự hài hòa, thể hiện ở các yếu tố như: Cân đối về số học, hài hòa về nhịp điệu âm nhạc, hợp lý về tỷ lệ trong kiến trúc dưới góc nhìn của hình học không gian và biểu tượng học.

Umberto Eco cũng đánh giá tầm quan trọng của tỷ lệ đối với thẩm mỹ ở nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và đi đến kết luận rằng ở mỗi thời kỳ, tỷ lệ lý tưởng lại mang một định nghĩa khác.

Giai đoạn này cũng sinh ra những khái niệm về tỷ lệ hoàn hảo có tác dụng đến ngày nay trong các lĩnh vực mỹ thuật cũng như thiết kế, như tỷ lệ vàng hay sự tương phản giữa các mặt đối lập.

Trong chương IV, tác giả đặc biệt bày tỏ lòng yêu thích với giai đoạn Trung cổ bằng cách đi sâu vào phân tích cái đẹp của thời kỳ này, dưới góc độ ánh sáng và màu sắc.

Mặc dù tồn tại tới ngày nay một định kiến phổ biến rằng Trung cổ là một thời đại "tối tăm", "đen tối" thì người Trung cổ lại tự coi mình sống trong một môi trường đầy ánh sáng. Điều này phần nào thể hiện qua thơ và hội họa đương thời.

Tại chương này, Umberto Eco đã sử dụng màu sắc để kể câu chuyện về đời sống Trung cổ. Màu sắc sáng rọi của Chúa, màu sắc rực rỡ và xa xỉ của người giàu, sự gắn liền với màu sắc mà thiên nhiên ban tặng của những người nghèo khó, màu sắc trong thơ ca và thần bí học cùng với màu sắc trong cuộc sống thường nhật.

Các chương V-VI-VII-VIII đề cập nét đẹp của một đối tượng nghiên cứu cụ thể: Cái đẹp của cái xấu, người phụ nữ, các quý nương và anh hùng,...

Mỗi đối tượng ở mỗi thời kỳ lại được con người khắc họa theo một tiêu chuẩn riêng. Đến cái xấu cũng có nét đẹp riêng.

Tác giả chỉ rõ rằng "cái xấu cần cho cái đẹp", rằng "vũ trụ được tạo ra như một tổng thể thống nhất và cần phải được nhận thức giá trị một cách trọn vẹn. Là nơi mà ngay cả bóng tối cũng góp phần làm cho ánh sáng trở nên rạng rỡ hơn. Ngay cả cái có thể bị coi là xấu cũng có thể được coi là đẹp trong khuôn khổ của trật tự chung".

Lịch sử cái đẹp - Công cuộc gian truân đi tìm định nghĩa của cái đẹp - 2

Tác giả Umberto Eco (Ảnh: Getty Images).

Umberto Eco đã dành cả chương IX để khắc họa cái đẹp dưới thời kỳ Phục Hưng - giai đoạn lịch sử mang đậm tính cổ điển và ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống trí thức châu Âu đương thời.

Các phần còn lại của cuốn "bách khoa toàn thư" được tác giả dành cho 3 giai đoạn quan trọng: Thế kỷ 18, 19 và 20.

Thế kỷ 18 đánh dấu sự đổi mới của chủ nghĩa cổ điển và tân cổ điển, thể hiện rõ ràng nhất trong các tác phẩm hội họa hay kiến trúc.

Nhắc đến cái đẹp của thế kỷ 19, tác giả đi sâu vào cái đẹp lãng mạn trong chủ nghĩa lãng mạn, cái đẹp trong tôn giáo và những cái đẹp mới.

Chuyển giao giữa thế kỷ 19 và 20, lịch sử ghi nhận những đối tượng đẹp mới mẻ và đột phá hơn, có thể kể đến là cái đẹp từ sắt và thủy tinh (tháp Eiffel ở Paris hay tòa nhà pha lê của Joseph Paxton), nghệ thuật Deco, cái đẹp từ kiến trúc "hữu cơ".

Umberto Eco cũng chỉ rõ một vấn đề của thời đại để độc giả tự vấn: Từ thế kỷ 20, dễ nhận thấy rằng thế giới đang chuyển mình để trở thành một nơi bị chi phối hoàn toàn bởi giá trị trao đổi. Đồ vật phải "ngon - bổ - rẻ" và được sản xuất hàng loạt, đồng nghĩa với việc cái đẹp mới có thể được tái tạo dễ dàng, nhưng cũng mang tính tạm thời và dễ hư hỏng.

Liệu tính chất sản xuất hàng loạt có phải là số phận của cái đẹp trong thời đại tái tạo kỹ thuật của nghệ thuật?

Umberto Eco (1932 - 2016), là nhà văn, nhà lý luận, triết gia, nhà ký hiệu học lừng danh, đồng thời từng là biên tập viên các chương trình văn hóa của Đài Truyền hình Quốc gia Ý (RAI), bình luận viên tờ báo lớn nhất nước Ý L'Espresso.

Ông cũng là giáo sư ký hiệu học của Đại học Bologna; giảng viên mỹ học và văn hóa học tại các trường Đại học Milano, Firenze, Turin; kiêm Tiến sĩ danh dự của nhiều trường Đại học nước ngoài.

Tờ Los Angeles Times đánh giá Umberto Eco "là một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất thời đại chúng ta".

Tên tuổi của Umberto Eco gắn liền với cuốn tiểu thuyết đầu tay Tên của đóa hồng xuất bản lần đầu năm 1980. Cuốn sách nổi tiếng toàn cầu và được dịch sang 47 ngôn ngữ, bán được hơn 50 triệu bản.

Các tác phẩm của Umberto Eco đã được Nhã Nam xuất bản: Tên của đóa hồng, Con lắc Foucault, Nghĩa địa Praha, Số không.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm