Lì xì sẽ không bao giờ biến mất dù “mừng tuổi chuyển khoản” tiện lợi thế nào
(Dân trí) - Văn hóa Á Đông có truyền thống mừng tuổi đầu năm, đó là những món tiền đựng trong phong bao may mắn, món tiền mừng tuổi đầu năm có những hàm ý tốt đẹp. Giờ đây, khi ngân hàng điện tử ngày càng trở nên phổ biến, nhiều người bắt đầu mừng tuổi bằng cách... chuyển khoản.
“Mừng tuổi chuyển khoản” là dịch vụ đã được rất nhiều ngân hàng hoạt động tại Châu Á triển khai vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, đi kèm với khoản tiền mừng tuổi là những tấm thiệp điện tử và lời chúc đầu năm được chuẩn bị rất đa dạng để người dùng sử dụng.
Khi hiện tượng “mừng tuổi chuyển khoản” mới bắt đầu xuất hiện và còn nhiều lạ lẫm, đã có nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia văn hóa được đưa ra. Dù vậy, có thể khẳng định rằng dù “mừng tuổi chuyển khoản” có tiện dụng tới đâu, thì những phong bao lì xì cũng sẽ không bao giờ mất đi vị thế trong đời sống văn hóa Á Đông.
Thực tế, việc “mừng tuổi chuyển khoản” có những ích lợi của nó, chẳng hạn, bạn có thể quan tâm tới người thân, bạn bè ở xa ngay trong những ngày Tết thay vì phải chờ tới khi nào có thể gặp lại nhau. Bạn cũng có thể gửi sự quan tâm của mình tới đối phương một cách đơn giản và nhanh gọn, không cần phải lo đổi tiền mới, lựa chọn phong bao đẹp.
Nhiều người cũng cảm thấy việc “mừng tuổi chuyển khoản” thân thiện với môi trường, bởi người ta sẽ không phải bỏ đi những bao lì xì chỉ dùng có một lần.
Thực tế, đa phần người dân Á Đông chỉ dùng phương cách “mừng tuổi chuyển khoản” với người thân, bạn bè ở xa. Riêng đối với các thành viên gần gũi trong gia đình, việc mừng tuổi “tận tay” vẫn là phổ biến nhất. Nhìn chung, đối với nhiều người, đặc biệt là người già, việc được mừng tuổi trực tiếp theo cách truyền thống vẫn được đánh giá cao hơn, bởi hành động đó thể hiện tình cảm trân trọng.
Một số tổ chức bảo vệ môi trường tại Hong Kong cho rằng việc sử dụng quá nhiều phong bao lì xì mỗi năm là một hành động lãng phí. Theo tính toán, người dân Hong Kong sử dụng khoảng 320 triệu phong bao lì xì mỗi dịp Tết, tương đương với việc đốn hạ 16.000 cây xanh. Những họa tiết trang trí “óng ánh, lấp lánh” trên phong bao càng khiến chúng trở nên khó tái chế.
Trong những năm qua, đã có những tổ chức bảo vệ môi trường chuyên đi thu thập phong bao lì xì đã qua sử dụng để giữ lại những chiếc vẫn còn mới và sẽ đem tái sử dụng vào những mùa Tết năm sau. Số lượng những người quyên góp bao lì xì sau mỗi dịp Tết tại Hong Kong đã tăng lên qua từng năm.
Tính tới năm ngoái, những tổ chức đi thu thập phong bao lì xì đã qua sử dụng tại Hong Kong đã thu được 10 triệu chiếc.
Các tổ chức hoạt động vì môi trường này còn tiếp cận với các tập đoàn lớn và các xưởng in ấn để thuyết phục họ sẽ chỉ sản xuất và sử dụng những phong bao không in hình con giáp, để các tổ chức bảo vệ môi trường có thể tái sử dụng những phong bao đã qua sử dụng một cách dễ dàng.
Mặc dù có sự gia tăng của việc “lì xì chuyển khoản”, nhưng ông Francis Fong Po-kiu, Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Thông tin Hong Kong (Hong Kong Information Technology Federation) cho biết người Á Đông nhìn chung vẫn ưa chuộng mừng tuổi theo phong cách truyền thống bởi đó vừa là lễ nghi phong tục lâu đời, vừa giúp bảo mật thông tin cá nhân.
Bích Ngọc
Theo South China Morning Post