Lênh đênh nghề lái tàu trên vịnh Hạ Long

(Dân trí) - Buổi trưa, mặt trời thẳng đứng, trời nắng gắt xuyên qua ba tấm kính trên cabin tàu, mồ hôi đẫm áo. Phía trong bar những du khách thong dong, nhấm ly coctai thả hồn theo tiếng nhạc mắt lơ đễnh ngắm vịnh.

Như mọi lần nghỉ phép, đúng 5h sáng anh Dũng lục tục dậy chuẩn bị cho chuỗi ngày mưu sinh trên biển. Nhấp vội chén trà chưa kịp ngấm, anh Dũng kéo chăn đắp thêm cho đứa con gái út, rồi xách chiếc cặp ra phía ngã tư Long Toòng (thị xã Hòn Gai, Quảng Ninh) đón tuyến xe buýt sớm, sương sớm.

Phố núi lạnh buốt người. Từ ngã tư Long Toòng anh lên xe buýt đi thẳng ra phía bến tàu Bãi Cháy. Ngồi ở nhà chờ đến gần 12h trưa, tàu cập bến trả khách. Anh Dũng vội vàng gọi đò ra tàu thay lái cho người phụ lái. Sau vài phút kiểm tra máy móc, nhận bàn giao anh lại bắt đầu ôm bánh lái tiếp tục một chuyến lênh đênh trên biển…

Những chuyến tàu ra khơi mang đến nhiều điều thú vị cho du khách
Những chuyến tàu ra khơi mang đến nhiều điều thú vị cho du khách

Khi khách đã lên hết, Dũng kéo neo, nổ máy, chiếc tàu khoả nước tiến ra khơi, Dũng nói: “Theo cái nghề này như cá trên thớt vậy, chậm giờ thì bị chủ mắng, vội vàng thì sợ tai nạn, chiếc tàu trị giá gần hai chục tỷ. Tàu đông, vịnh thì nhiều đảo. Va quệt một tí là đền ốm. Cùng với đó chuyện mất việc là đương nhiên”.

Buổi trưa, mặt trời thẳng đứng, trời nắng gắt xuyên qua ba tấm kính trên cabin tàu, mồ hôi đẫm áo. Phía trong bar những du khách thong dong, nhấm ly coctai thả hồn theo tiếng nhạc mắt lơ đễnh ngắm vịnh.

Cả ngày ôm bánh lái từ 6h sáng đến 8h tối vòng hết góc này ra góc kia, cả tháng cũng chỉ được vài triệu bạc cả tiền lương và tiền boa của khách, trong khi nhà thì 4 miệng ăn lại còn phải chu cấp cho thằng con trai đang học một trường dân lập trên Hà Nội.

Trong lúc chờ đoàn khách mới, anh tranh thủ úp gói mỳ tôm ăn vội. Hơn chục năm lái tàu chở khách trên biển, Nguyễn Dũng, 40 tuổi, được xem là một trong những thuỷ thủ kỳ cựu trên Vịnh Hạ Long. Tàu du lịch cao cấp có dịch vụ nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long là một trong những dịch vụ chuyên phục vụ khách hạng sang có thu nhập cao.

8 giờ tối, sau khi ăn vội bữa tối trên thuyền, Dũng mệt nhoài thiếp đi trên chiếc giường bé tẹo ngay sau tay lái . 6h sáng, anh lại tiếp tục cuộc mưu sinh. Cứ thế chiếc tàu của anh lại luồn lách giữa muôn trùng đảo lớn đảo nhỏ trên vịnh.

Cả tháng Dũng và anh em thuỷ thủ khác trên tàu chỉ có vẻn vẹn 6 ngày được lên bờ về với vợ con. Với khoản tiền ít ỏi góp thêm vào cho người vợ tần tảo trên đất mảnh đất công nghiệp đầy đắt đỏ, cả hơn chục năm lênh đênh trên biển nhưng chưa bao giờ anh dám nghĩ đến việc sửa sang ngôi nhà cho vợ con để khi mùa bão gió về.

Kỷ luật trên những chuyến tàu khá khắt khe và cuộc sống của các thuỷ thủ rất đơn sơ, mộc mạc
Kỷ luật trên những chuyến tàu khá khắt khe và cuộc sống của các thuỷ thủ rất đơn sơ, mộc mạc

Tàu du lịch trung bình 2- 3 ngày lại cập bến một lần, nhưng rất ít khi nhân viên và thuỷ thủ trên tàu được vào bờ. Phần thì công việc ngập đầu; phần vì mỗi lần lên bờ họ lại phải gọi đò để quá giang vào bờ. Mỗi chuyến như vậy họ phải mất 10 ngàn đồng tiền vé. Mặc dù trên tàu có canô nhưng không nhân viên trên tàu nào được sử dụng ngoài việc chạy ra đưa đón và phục vụ khách.

Thậm chí nhân viên nhà bếp mua khi mua thực phẩm lên tàu, chẳng may quên một thứ, muốn vào bờ hay sang tàu khác vay tạm cũng phải thuê canô. Cả tháng lênh đênh trên biển, cuộc sống tinh thần của những thuỷ thủ, những nhân viên trên tàu du lịch thiếu thốn đủ bề, không vô tuyến, họ chỉ luẩn quẩn với mấy bản nhạc nước ngoài dành cho khách.

Tình cảm thiếu thốn, họ không có nhiều cơ hội lựa chọn bạn đời, chính vì thế ở trên vịnh đã hình thành khá nhiều mối tình trên tàu. Có đôi nên vợ nên chồng. Cũng có đôi bỏ dở cuộc tình,...

Bài và ảnh: Hà Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm